Thủ tướng Chính phủ: Gỡ "điểm nghẽn" để bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững

14/07/2022 20:42

Kinhte&Xahoi Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra một số “điểm nghẽn” quan trọng cần tập trung tháo gỡ, trong đó có hệ thống pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản còn một số nội dung chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời.

Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm kiên trì, kiên định, kiên quyết phát triển hệ sinh thái BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững - (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Chiều nay (14/7), Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị phát triển thị trường bất động sản (BĐS) an toàn, lành mạnh, bền vững.

Dự hội nghị tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; lãnh đạo các bộ ngành: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường; Công an; Kế hoạch và Đầu tư;... đại diện các hiệp hội, chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, bất động sản.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến với các thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Kiên quyết phát triển hệ sinh thái BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững

 Sau khi lắng nghe ý kiến các đại biểu, phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng đánh giá các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, vì mục tiêu chung, đã đánh giá khách quan, trung thực những mặt được là cơ bản trong phát triển thị trường BĐS từ năm 2000 tới nay, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong điều kiện khó khăn hiện nay và góp phần đưa đất nước phát triển.

Đồng thời, các ý kiến cũng đánh giá những mặt chưa được, những tồn tại, hạn chế của thị trường BĐS, đây cũng là điều bình thường trong quá trình phát triển, tại một đất nước đang phát triển, trải qua nhiều năm chiến tranh, còn rất nhiều khó khăn. Các đại biểu cũng đưa ra nhiều ý kiến góp ý để phát triển hệ sinh thái thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững, cho dù một hội nghị không thể giải quyết được hết các vấn đề đặt ra.

Chia sẻ một số suy nghĩ với các đại biểu, Thủ tướng cho rằng, càng trong khó khăn, thách thức, vấn đề càng phức tạp, nhạy cảm, chúng ta càng phải bình tĩnh, giữ vững bản lĩnh, đoàn kết, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, đánh giá chính xác, khách quan tình hình để xử lý các các vấn đề đặt ra; có cách tư duy, phương pháp luận đúng để giải quyết căn cơ các vấn đề, theo hướng đi từ vấn đề lớn để xử lý vấn đề nhỏ, đi từ vấn để tổng thể để xử lý vấn đề cụ thể.

Quang cảnh hội nghị

Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm kiên trì, kiên định, kiên quyết phát triển hệ sinh thái BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững; không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý, nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát, không buông lỏng quản lý Nhà nước; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế-dân sự, nhưng rà soát, ngăn chặn, phát hiện những hành vi sai phạm để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật, không để đổ vỡ thị trường, bảo vệ những người làm đúng, bảo vệ, hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Trên cơ sở đó, các bộ, ngành và địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp tại Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Thủ tướng cho rằng, muốn phát triển hệ sinh thái BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững, phải thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo ra nhiều công ăn việc làm ở nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương, thì mới có người đến làm. Có người đến làm thì mới có người đến ở. Có người đến ở thì mới có người mua nhà. Như vậy thì phát triển BĐS, phát triển đô thị mới bền vững. Đây là gốc của vấn đề.

Thủ tướng nêu rõ: Rà soát các quy định của pháp luật để giải quyết các vấn đề vừa trước mắt, vừa lâu dài theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các cấp; nghiên cứu kỹ lưỡng, đề xuất thí điêm cơ chế chính sách tạo động lực, xung lực mới cho phát triển, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội;

Tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán để tháo gỡ các vướng mắc, xử lý sai phạm để bảo vệ thị trường, bảo vệ tài sản, bảo vệ con người. Dứt khoát không hợp thực hóa cái sai, nhưng đánh giá khách quan, tìm hiểu nguyên nhân, có cơ chế tháo gỡ những vướng mắc thực tiễn đặt ra.

Làm tốt công tác truyền thông, đẩy mạnh giáo dục, bồi dưỡng kiến thức tài chính, kiến thức pháp luật trong nhà trường và bằng các hình thức khác.

"Tinh thần là bảo vệ thị trường, thúc đẩy thị trường, bảo vệ những người làm đúng, kiên quyết xử lý những người làm sai. Xử lý cái sai để bảo vệ cái đúng", Thủ tướng nhấn mạnh.

Đa dạng hóa nguồn vốn và nguồn cung cho thị trường BĐS

 Phân công các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực BĐS, trong đó có một số luật, đảm bảo đồng bộ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh. Trước mắt, nghiên cứu một số vấn đề để làm thí điểm theo thẩm quyền của Chính phủ, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định...

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ ngành khẩn trương hoàn thiện dự thảo, trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp tại thị trường trong nước, và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế; Kiểm soát hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS trên thị trường chứng khoán, tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá.

Bộ Tài chính Kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp BĐS, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp BĐS, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm...

Thủ tướng yêu cầu, nghiên cứu, đề xuất để ban hành quy định về thuế đối với việc sử dụng BĐS, đối với hoạt động giao dịch, kinh doanh BĐS hạn chế tình trạng mua đi, bán lại nhiều lần, hạn chế tình trạng đầu cơ, găm giữ BĐS và chống thất thoát nguồn thu của Nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi, kiểm soát, cơ cấu lại tín dụng đối với lĩnh vực BĐS đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro cho thị trường, với nghệ thuật điều hành mềm dẻo, linh hoạt, có hiệu quả;

Chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng tiếp tục cho vay đối với lĩnh vực BĐS đảm bảo đúng quy định pháp luật, cho vay đối với các dự án BĐS đầy đủ tính pháp lý; ưu tiên cho vay đối với các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân đã được cấp phép và khởi công xây dựng để tạo nguồn cung cho thị trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp nghiên cứu, rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến việc đấu giá quyền sử dụng đất (pháp luật về đấu giá, pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý thuế) bảo đảm thống nhất và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương;

Thanh tra, kiểm kiểm tra và chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp với các địa phương phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đảm bảo đúng pháp luật.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà ở, BĐS để hỗ trợ, tăng nguồn cung cho thị trường. Theo dõi và đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực kinh doanh BĐS.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các cơ quan thanh tra, kiểm toán và các cơ quan liên quan tăng cường công tác nắm bắt tình hình, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, tác động tiêu cực đến hoạt động của thị trường tài chính, tín dụng, BĐS, chống tham nhũng, tiêu cực…

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường cung cấp thông tin kịp thời, chính thức, chính xác về tình hình hoạt động thị trường BĐS, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu; xử lý nghiêm các hành vi đưa thông tin không chính xác, gây tác động tiêu cực đến hoạt động của thị trường tài chính, tín dụng, BĐS.

Các cơ quan báo chí đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức, tăng cường niềm tin của người dân với các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Các địa phương khẩn trương hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; rà soát quỹ đất, danh mục dự án kêu gọi đầu tư, tổ chức giao đất, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án lựa chọn chủ đầu tư để thúc đẩy phát triển, tăng nguồn cung BĐS, nhà ở phục vụ tiêu dùng..

Các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Chính phủ phân công Phó Thủ tướng Lê Minh Khai trực tiếp chỉ đạo việc phát triển hệ sinh thái thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững; ngay trong tháng 7 và quý III, cố gắng rà soát, tháo gỡ một số khó khăn vướng mắc về vốn, thủ tục hành chính, nhân lực, tài sản trên đất… để tăng nguồn cung cho các đối tượng trên các địa bàn, đa dạng hóa nguồn vốn…

Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản chỉ đạo phù hợp về các giải pháp phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững.

Anh Đức - TTTĐ


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội quan tâm chăm sóc sức khỏe người có công

Chăm sóc sức khỏe cho người có công là nhiệm vụ được các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội thực hiện thường xuyên, liên tục. Đặc biệt, dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), nhiều đơn vị, địa phương tổ chức khám bệnh, tư vấn, cấp phát thuốc miễn phí cho hàng vạn lượt người có công.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/go-diem-nghen-de-bat-dong-san-phat-trien-lanh-manh-ben-vung-201071.html