Thường trực Chính phủ làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội

06/05/2023 10:12

Kinhte&Xahoi Sáng 6-5, tại trụ sở Thành ủy Hà Nội, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2023 và kết quả giữa nhiệm kỳ Đại hội XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội.

Tham dự hội nghị có Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; 8 bộ trưởng và thứ trưởng các bộ...

Quang cảnh buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.

Đại biểu thành phố Hà Nội có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; các Ủy viên ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã của thành phố...

Duy trì tăng trưởng, tạo chuyển biến trên các lĩnh vực

Mở đầu hội nghị, các đại biểu đã xem phóng sự về tình hình, kết quả phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025 và 4 tháng đầu năm 2023; trong đó nêu rõ 8 nhóm kết quả cụ thể. Đáng chú ý, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I-2023 tăng 5,8%. Bình quân 2 năm 2021-2022, GRDP thành phố tăng 5,86%. GRDP/người năm 2022 đạt 141,8 triệu đồng. Vốn đầu tư xã hội đạt 872,2 nghìn tỷ đồng, bằng 28,14% cận dưới chỉ tiêu 5 năm 2021-2025 (3.100 nghìn tỷ đồng). Năng suất lao động tăng bình quân 5,05%/năm.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự buổi làm việc.

Sản xuất tiếp tục phát triển, tuy nhiên, 4 tháng đầu năm 2023, thể hiện xu hướng tăng thấp hơn cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 1,6% (cùng kỳ tăng 6,0%); kim ngạch xuất khẩu giảm 1,3% (cùng kỳ tăng 17,4%); kim ngạch nhập khẩu hàng hóa giảm 7% (cùng kỳ tăng 20,2%).

Kinh doanh dịch vụ phục hồi khá; các lĩnh vực dịch vụ tăng cao hơn cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,2% (cùng kỳ tăng 8,4%). Tổng doanh thu ngành vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 20,4% (cùng kỳ tăng 16,3%). Số lượng khách du lịch tăng cao, gấp 3,1 lần cùng kỳ (khách quốc tế gấp 10 lần cùng kỳ).

Thu, chi ngân sách nhà nước đều tăng. Bốn tháng đầu năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 177.989 tỷ đồng, đạt 50,4% dự toán, tăng 21,6% so với cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương 4 tháng đầu năm 2023 là 22.582 tỷ đồng, đạt 21,5% dự toán, tăng 16,5% so với cùng kỳ. Giai đoạn 2021-2022, tổng thu ngân sách nhà nước thành phố là 656.102 tỷ đồng, đạt 119,9% dự toán Trung ương giao. Trong đó, thu nội địa 602.299 tỷ đồng, đạt 119,4% dự toán, chiếm tỷ trọng 91,8% tổng thu.

Thu hút đầu tư và doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng. Bốn tháng đầu năm 2023, Hà Nội thu hút 1,7 tỷ USD vốn FDI (bằng cả năm 2022); có 10.307 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập (tăng 13%).

Hơn 2 năm qua, Hà Nội còn làm tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh; kịp thời chăm lo, bảo đảm an sinh xã hội; tạo chuyển biến mạnh trên các lĩnh vực quản lý và phát triển đô thị, phân cấp ủy quyền, cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương, kỷ luật...

Tập trung chỉ đạo thực hiện 3 khâu đột phá

Thành phố đã tập trung chỉ đạo thực hiện 3 khâu đột phá trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, khâu đột phá thứ nhất về phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là các công trình về giao thông, giáo dục, y tế và tôn tạo di tích lịch sử được đẩy mạnh. Nhiều công trình lớn, quan trọng hoàn thành hoặc đã khởi công: Vận hành đường sắt đô thị Hà Nội số 2A, Cát Linh - Hà Đông; trong năm 2023, dự kiến hoàn thành cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, vận hành tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội; khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội… Thành phố đã đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; hiện có số đăng ký sáng chế thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.

Khâu đột phá thứ hai về xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô được chú trọng. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thành ủy đã ban hành Chương trình hành động số 16-CTr/TU, UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 306/KH-UBND với 96 nhiệm vụ cụ thể giao các sở, ban, ngành thực hiện; xây dựng và triển khai thực hiện phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố; tổng kết thực hiện Luật Thủ đô và đề xuất sửa đổi Luật Thủ đô...

Khâu đột phá thứ ba về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được đẩy mạnh. Đào tạo lao động chất lượng cao được tăng cường. 4 trường cao đẳng nghề được quan tâm đầu tư với một số nghề trọng điểm, hướng tới trường đạt chuẩn khu vực và quốc tế. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72,23%, trong đó, lao động có bằng cấp chứng chỉ đạt 52,5%. Đào tạo lao động - một chỉ số thành phần của chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn trong tốp 5 của cả nước (năm 2021 xếp thứ nhất; 2022 xếp thứ 3).

Đề xuất, kiến nghị 5 nhóm vấn đề

Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh đã nêu 5 nhóm kiến nghị, đề xuất. Đây là những nội dung có ý nghĩa quan trọng giúp Hà Nội hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, tiếp tục tạo động lực mới trong quá trình phát triển Thủ đô.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh trình bày báo cáo tại buổi làm việc.

Đó là 3 kiến nghị, đề xuất về đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; 7 kiến nghị về đường sắt đô thị; 4 kiến nghị về nhà ở; 3 kiến nghị về đất đai và 2 kiến nghị về phân cấp, ủy quyền. Trong đó, về dự án đường Vành đai 4, Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành cho phép tỉnh Hưng Yên phê duyệt các dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công trong trường hợp tổng mức đầu tư cao hơn sơ bộ tổng mức đầu tư tại chủ trương đầu tư. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện dự án đầu tư, cho phép thành phố Hà Nội chủ động thực hiện điều hòa, điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư giữa các dự án thành phần 1.1 và 2.1 trong trường hợp tổng mức đầu tư của từng dự án thành phần vượt (có dự án tăng/giảm) nhưng tổng mức đầu tư của cả 2 dự án thành phần này không vượt sơ bộ tổng mức đầu tư tại chủ trương đầu tư, được thực hiện đồng thời với việc thực hiện nội dung điều chỉnh chủ trương dự án (nếu có).

Để giải quyết triệt để các khó khăn, vướng mắc đối với việc triển khai các tiểu dự án trong dự án PPP, đồng thời quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư công và đẩy nhanh tiến độ thi công toàn tuyến bao gồm 3 cầu lớn (Hồng Hà, Mễ Sở và Hoài Thượng) và hệ thống đường song hành do 3 địa phương đồng loạt triển khai; Hà Nội kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương giao UBND thành phố Hà Nội là cơ quan chủ quản, quyết định đầu tư tiểu dự án đầu tư công trong dự án PPP và được giao ban quản lý dự án chuyên ngành thành phố là chủ đầu tư thực hiện tiểu dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư công, tổ chức triển khai độc lập và song hành với dự án PPP do nhà đầu tư thực hiện.

Về việc áp dụng cơ chế đặc thù của Dự án đường Vành đai 4, thành phố đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về việc cho phép nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức PPP và BOT (Dự án thành phần 3) được áp dụng cơ chế đặc thù về khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường như nhà thầu thi công dự án được quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 56 ngày 16-6-2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô.

Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi làm việc.

Tiếp đó, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đã bổ sung, làm rõ thêm các kiến nghị về việc sửa đổi Luật Thủ đô, phân cấp, ủy quyền. Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nêu cụ thể các nội dung kiến nghị liên quan đến việc phát triển công nghiệp văn hoá, ưu tiên đầu tư 3 lĩnh vực y tế, giáo dục, di tích văn hoá, lịch sử, trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ bàn giao khu vực di sản Hoàng thành Thăng Long, điều chỉnh quy hoạch, đưa vào công trình đền thờ Ngô Quyền tại Khu di tích Cổ Loa… Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn làm rõ thêm các kiến nghị, đề xuất về Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Tinh - Ảnh: Hà Vũ -Viết Thành - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đẩy mạnh kiểm tra an toàn thực phẩm bếp ăn trường học

Từ ngày 15-4 đến 15-5, Hà Nội thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm trong “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” năm 2023. Trong đó, công tác thanh, kiểm tra đối với bếp ăn trường học được đặc biệt chú trọng. Đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến sức khỏe của học sinh và luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các bậc phụ huynh và toàn xã hội.

Nguồn: Hà Nội mới http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Chinh-tri/1063418/thuong-truc-chinh-phu-lam-viec-voi-ban-thuong-vu-thanh-uy-ha-noi