Tiktok có thật sự “độc hại”?

23/05/2021 18:15

Kinhte&Xahoi Tiếp nối sau thành công của mạng xã hội Facebook, Tiktok hiện đang là cái tên rất “hot” trong giới trẻ và thu hút được hàng tỷ người dùng. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng Tiktok nguy hiểm và có nhiều mặt trái. Vậy Tiktok có thật sự “độc hại”?

Những trào lưu đình đám trên TikTok đầu năm 2021.

Những mặt trái có thật

Tiktok - nền tảng video âm nhạc và mạng xã hội hiện đang là ứng dụng có tốc độ phát triển số một trong nền tảng công nghệ số dù với tuổi đời thua xa Facebook hay Instagram. Minh chứng cho sự thành công của Tiktok chính là những con số đáng nể: 800 triệu người dùng thường xuyên, 2 tỷ lượt tải và là ứng dụng được tải nhiều nhất toàn cầu, được định giá 110 tỷ USD và trở thành công ty khởi nghiệp giá trị nhất trong lịch sử.

Nếu các mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam và thế giới như Facebook, YouTube,… đều có “quốc tịch Mỹ “ thì TikTok không được sinh ra ở đây. Xuất hiện lần đầu tại Trung Quốc vào năm 2016 với cái tên Douyin và thuộc sở hữu của Công ty Công nghệ ByteDance, một công ty công nghệ lớn của Trung Quốc. 

Độ phủ sóng của Tiktok là không thể chối cãi và ở Việt Nam cũng không ngoại lệ. Việt Nam hiện là thị trường tăng trưởng người dùng nhanh nhất ở Đông Nam Á. Với số lượng người dùng có gần 70%  độ tuổi từ 16 – 24 và 30% người dùng ở độ tuổi trên 25. Như vậy, có thể thấy rõ một điều Tiktok có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đối với giới trẻ Việt Nam.

Đây cũng chính là lí do khiến cho Tiktok nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng. Đằng sau sự hấp dẫn và vui nhộn mà Tiktok mang lại thì nó cũng đang chứa đựng những mặt trái vô cùng nguy hiểm với hàng loạt video liên quan đến các vấn đề nhạy cảm trong xã hội như ma túy, tình dục, bạo hành động vật, cùng không ít thông điệp nguy hiểm. 

Nhắc đến Tiktok không thể không nhắc đến các trào lưu “làm mưa làm gió” trên đây. Tuy nhiên, không phải trào lưu nào cũng mang tính giải trí, tích cực mà còn xuất hiện những trào lưu “độc hại”. Gần đây, Tiktok Việt Nam đang lan truyền trào lưu “Khoe tâm hồn”. Không ít người xem đã cảm thấy vô cùng hoang mang trước các cô gái trẻ thực hiện việc khoe ngực trên video với các caption như: “Hãy yêu em vì em có tâm hồn to và tròn”.

Điều đáng nói ở chỗ, nhiều chủ tài khoản Tiktok chỉ là những cô gái có tuổi đời còn rất trẻ, một số trong đó thậm chí vẫn đang ở độ tuổi đi học. Trào lưu này không những phản cảm về mặt hình ảnh mà nó còn phản cảm cả về lối suy nghĩ của các bạn nữ hiện nay khi cho rằng tâm hồn của người con gái chỉ ở bộ ngực. Thực ra người chịu thiệt nhiều nhất đối với các video có nội dung này lại chính là những cô gái trẻ. Bởi không chỉ phải đối mặt với lời chỉ trích của những người khác, họ còn phải chịu đựng những lời dụ dỗ, gạ gẫm và trêu ghẹo từ nhiều đối tượng xấu.

Từ khoe ngực cho đến cả những trò chơi tử thần đội lốt các thử thách, một thử thách hết sức nguy hiểm được bắt nguồn từ các Tiktoker nước ngoài. Penny Challenge (tạm dịch: Thử thách đồng xu): người tham gia sẽ sử dụng đồng xu để thả vào khe hở được tạo ra giữa sạc điện thoại và ổ điện. Mục đích cuối cùng là để tạo ra tia lửa. Tại 1 trường học của bang Massachusetts, Mỹ đã bị chìm trong biển lửa do có học sinh thực hiện trò nghịch dại này. Thử thách này mang lại nguy cơ hỏa hoạn cho cá nhân người dùng và những người xung quanh. 

Và cả những nội dung người lớn cổ xuý tình dục công khai trên này, gây phản cảm cho người lớn và ảnh hưởng đến trẻ nhỏ. Nhắc đến các bài hát dung tục, không chỉ có các sản phẩm nước ngoài mà các bài hát Việt Nam cũng xuất hiện nhiều những nội dung trái thuần phong mỹ tục. Ví dụ như một bài hát đang hot gần đây trong giới trẻ Việt và được nhảy rất nhiều trên Tiktok “Cypher nhà làm”. Bài hát có những câu như: “Tao kí ngực fan 2k3, 2 em tây… Dùng 3g xem s*x 5 lít 1 tháng, căng…” Những câu từ thô tục, tục tĩu như vậy lại xuất hiện tràn lan trên Tiktok và được coi là một trào lưu.

Một người dùng trên Tiktok bình luận về trào lưu này như sau: “Đây mà cũng gọi là bài hát à? Nghe mà không hiểu bài hát muốn truyền đạt cái gì luôn ấy. Cả những động tác nhảy khêu gợi đi kèm nữa. Thật không hiểu nổi các bạn trẻ giờ đây nghĩ gì khi hâm mộ những bài nhạc kiểu này”. Tuy nhiên, số người có ý kiến phản đối giống như trên rất nhỏ so với những người ủng hộ bài hát này. 

Và còn có cả bắt nạt rực tuyến trên Tiktok. Với sự phổ biến của TikTok, lượng tiêu cực nhắm vào người dùng của nó cũng theo đó mà tăng lên. Điển hình vào tháng 6/2020, một cô gái trẻ 16 tuổi người Ấn Độ đã treo cổ tự tử, sau khi cô liên tục chịu sức ép từ dư luận trên TikTok. Không còn giới hạn ở sân trường hay góc phố, bắt nạt thời hiện đại có thể xảy ra ở nhà cũng như ở trường - về cơ bản là 24 giờ một ngày. Chỉ khi trực tiếp đọc được những bình luận khiêu khích, chửi rủa trên Tiktok ta mới nhận ra rằng ai cũng có thể là nạn nhân.

Trên đây chỉ là một số ít những mặt trái của Tiktok, mỗi ngày vẫn còn vô vàn những nội dung “độc hại” khác được đăng tải lên và trở thành xu hướng, trào lưu mà Tiktok không thể kiểm soát được.

Mục Covid-19 trên Tiktok. 

 
Và chưa hẳn đã xấu?

Tuy nhiên, ở nhiều phương diện Tiktok chưa hẳn đã xấu hoàn toàn như nhiều ý kiến. Điển hình là việc Tiktok luôn nỗ lực nhằm “quét sạch” những nội dung xấu độc và công bố một số quy định mới về việc cấm đăng tải các video chứa thông tin sai lệch và kích động tư tưởng hận thù trên ứng dụng này.

Trong báo cáo minh bạch phản ánh về việc xóa các video xấu độc trong nửa đầu năm 2020, TikTok cho biết công ty này đã xóa hơn 104 triệu video trên toàn cầu do vi phạm điều khoản dịch vụ. Khoảng 31% bị xóa vì hiển thị nội dung khiêu dâm hoặc ảnh khỏa thân, 22,3% vì lý do bảo mật thấp và khoảng 19,6% vì nội dung hiển thị các hoạt động bất hợp pháp. Các video còn lại bị xóa vì thể hiện các hành động nguy hiểm, tự sát, nội dung bạo lực, bắt nạt hoặc lời nói mang tính kích động sự hận thù.

Có thể thấy được nỗ lực không nhỏ của ứng dụng trong việc biến Tiktok trở thành một sân chơi đẹp cho mọi người. Và còn cả mục riêng trên toàn ứng dụng phổ biến nội dung về đại dịch Covid-19 mỗi ngày với danh sách số ca mắc, tử vong, số ca hồi phục ở mỗi tỉnh, thành. Đặc biệt ở trên Tiktok cũng có những tài khoản chính thức từ Bộ Y tế, VTV,… truyền đạt những thông tin chính thống đến với người xem. Mới đây Bộ Y tế còn kết hợp với ca sĩ trẻ AMEE cho ra mắt trào lưu “Sao anh chưa về nhà” để khuyến khích mọi người hãy ở nhà và chỉ ra đường khi cần thiết để phòng chống dịch bệnh.

Không chỉ có sự nỗ lực của ứng dụng mà cả những người dùng, đăng tải nội dung cũng cố gắng để đem đến một môi trường đa dạng nhưng an toàn trên đây. Với nhiều người dùng có những nội dung chất lượng và có ích cho xã hội như hướng nghiệp, kiến thức, lối sống,… Đây có thể nói là những video mang đầy đủ các yếu tố xanh – sạch – đẹp mà các Tiktoker khác nên hướng tới.

Và cả những câu chuyện không tưởng mà Tiktok đã đem lại cũng là một điểm sáng cho ứng dụng này. Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền câu chuyện về người vợ ở Phú Thọ tìm thấy chồng mình sau 11 năm bỏ nhà đi lang thang nhờ Tiktok. Thông qua video có hình ảnh một Tiktoker cho đồ ăn một người vô gia cư đi ngang qua nhà và video thu hút được khoảng 100 nghìn người xem. Vô tình người vợ đã xem được và thấy rất giống với người chồng của mình. Sau khi nhờ sự giúp đỡ của Tiktoker đó và xác nhận đúng là chồng mình, chị đã đi từ Phú Thọ lên Tuyên Quang để đón chồng về hội tụ với gia đình. 

Đây quả là một câu chuyện khó tin nhưng nó đã xảy ra ở ngay trên Tiktok. Thế mới thấy được sức mạnh của mạng xã hội khủng khiếp như thế nào. Vậy nên nếu như có thể điều hướng một cách triệt để, biến Tiktok thành nơi không chỉ đơn thuần là giải trí mà còn đem lại được những nội dung giáo dục tốt, chất lượng cho người dùng thì tin chắc rằng với sức ảnh hưởng của Tiktok sẽ khiến cho cộng đồng phát triển theo chiều hướng tốt hơn.

Có thể thấy được, Tiktok với lượng người dùng khổng lồ và kho nội dung đa dạng vừa là điểm cộng nhưng cũng là điểm trừ của họ. Nếu như không kiểm soát và quản lý tốt thì Tiktok sẽ trở thành một môi trường nguy hiểm với nội dung tiêu cực, phản cảm cả với trẻ con và người lớn. Nhưng nếu như kiểm soát thật tốt và có những cách thúc đẩy người dùng xây dựng những nội dung sáng tạo tích cực, chất lượng và có tính giáo dục thì Tiktok sẽ không còn bị gắn với những từ như “độc hại” nữa.

 Linh Chi - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Chủ động các kịch bản cho ngày bầu cử

Đến thời điểm này, các điểm bỏ phiếu ở Hà Nội sẵn sàng cho ngày bầu cử đại biểu (ĐB) Quốc hội khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Cùng với đảm bảo quy định trong bầu cử, các phương án, kịch bản để đảm bảo yêu cầu phòng dịch Covid-19 cũng được triển khai.

Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền về bầu cử bằng nhiều hình thức

Cuối tuần này, một sự kiện chính trị quan trọng của đất nước sẽ diễn ra, đó là ngày cử tri phát huy quyền và nghĩa vụ của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong cơ quan quyền lực nhà nước các cấp.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/tiktok-co-that-su-doc-hai-d156335.html