Bộ Nội vụ có số lãnh đạo bổ nhiệm qua thi tuyển đông nhất
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân vừa có báo cáo gửi Quốc hội việc triển khai các nghị quyết về hoạt động giám sát chuyên đề và hoạt động chất vấn.
Liên quan đến việc thực hiện tinh giản biên chế, thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước từ Trung ương đến cấp huyện, tính đến năm 2019 (biên chế khối Chính phủ quản lý) đã giảm được 6,75% so với số giao năm 2015.
Trong đó có bổ sung 41 biên chế công chức để tiếp nhận công chức từ 3 Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ; bổ sung 50 biên chế công chức đối với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp từ biên chế dự phòng năm 2019; điều chỉnh giảm 396 biên chế công chức của 4 địa phương (Hải Phòng, Yên Bái, Quảng Ninh, Điện Biên) để chuyển sang biên chế thuộc khối Đảng do hợp nhất cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy với cơ quan chuyên môn; điều chuyển 5.488 biên chế công chức quản lý thị trường từ các địa phương về Bộ Công Thương.
Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, năm 2018, Bộ Nội vụ đã thẩm định 63/63 tỉnh, 20/22 Bộ, cơ quan ngang Bộ (trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng) và 5/8 cơ quan thuộc Chính phủ, tổng số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập của các bộ, ngành, địa phương giảm 3,87% so với năm 2015. Thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách tinh giản biên chế, tính đến ngày 15/10/2018 đã thực hiện tinh giản biên chế 40.500 người (năm 2015 là 5.778 người; năm 2016 là 11.923 người; năm 2017 là 12.660 người; năm 2018: 10.139 người).
Liên quan đến đề án thi tuyển cấp vụ, sở, phòng, ông Lê Vĩnh Tân cho biết, có 14 cơ quan Trung ương và 22 địa phương thực hiện thí điểm; các bộ, ngành địa phương khác nếu có chủ trương của cấp ủy, chính quyền thực hiện bổ nhiệm lần đầu thông qua thi tuyển thì được khuyến khích thực hiện tuyển chọn chức danh lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng.
Theo Bộ trưởng Nội vụ, việc tổ chức thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý nhằm phát hiện, thu hút, trọng dụng những người có đức, có tài, phát huy được phẩm chất, trình độ, năng lực, kinh nghiệm để đóng góp sức lực, trí tuệ cho sự phát triển bền vững của đất nước; đồng thời tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; từng bước đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý; tránh tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý tại các bộ, ban, ngành, địa phương...
Theo Tiền Phong/ Pháp luật Plus