Tổng Bí thư làm Trưởng tiểu ban nhân sự Đại hội Đảng XIII

08/10/2018 08:29

Kinhte&Xahoi Sau 5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm, chiều 6/10, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (BCH TƯ) khóa XII đã kết thúc tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.

Tại buổi họp báo thông tin về kết quả Hội nghị lần thứ 8, BCH TƯ Đảng khóa XII diễn ra cùng ngày, Báo cáo về kết quả Hội nghị, ông Bùi Trường Giang, Phó trưởng Ban Tuyên giáo TƯ cho biết, Hội nghị TƯ 8 đã thông qua nội dung cơ bản của các văn kiện sau: Nghị quyết về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH TƯ Đảng; Thông qua nội dung cơ bản về Kết luận tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2019. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Hội nghị TƯ 8 cũng quyết định thành lập 5 Tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng, gồm: Tiểu ban văn kiện, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Tiểu ban; Tiểu ban Kinh tế - xã hội do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng Tiểu ban; Tiểu ban Điều lệ Đảng do ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức TƯ làm Trưởng Tiểu ban; Tiểu ban nhân sự do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Tiểu ban; Tiểu ban tổ chức phục vụ Đại hội do ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư làm Trưởng Tiểu ban.

Trong buổi họp báo, đại diện các cơ quan báo chí đã đặt nhiều câu hỏi đề nghị nói rõ hơn việc TƯ thống nhất cao giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội (QH) bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước cũng như việc sắp tới có sáp nhập hai Văn phòng của Chủ tịch nước và Văn phòng BCH TƯ Đảng hay không?

Trả lời câu hỏi này, ông Lê Quang Vĩnh, Phó Chánh Văn phòng TƯ Đảng giải thích: 4 Văn phòng hiện nay (Văn phòng BCH TƯ Đảng, Văn phòng QH, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ) đã có quy chế phối hợp rất chặt chẽ để đảm bảo cho tất cả công việc phục vụ các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

“Do đó, việc Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước tôi nghĩ là sẽ thuận lợi hơn trong tổ chức công việc của Đảng và Nhà nước” - ông Vĩnh nói và cho biết chưa đặt ra vấn đề về việc có sáp nhập hai cơ quan này (Văn phòng Chủ tịch nước và Văn phòng BCH TƯ Đảng) hay không.

Trả lời câu hỏi “Hội nghị TƯ 8 có bàn về việc Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước trong những nhiệm kỳ tới hay không, hay chỉ trong nhiệm kỳ này”? Phó Chánh Văn phòng TƯ Đảng cho biết, trong nhiệm kỳ tới có hay không còn tùy theo quyết định của BCH TƯ và QH, nên hiện tại chưa bàn tới. Đồng thời, ông Vĩnh cũng thông tin, trong chương trình nghị sự năm 2018 còn một Hội nghị BCH TƯ lần 9 vào tháng 12. “Hội nghị này sẽ thực hiện lấy phiếu tín nhiệm các chức danh Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH TƯ và thường trực cấp ủy các cấp”.

 

Theo Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Quận Đống Đa - Hà Nội: Điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thủ đô

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội, quận Đống Đa đã được các cấp chính quyền đầu tư về cơ sở vật chất, hạ tầng cơ sở. Hàng loạt các tuyến đường, công trình trọng điểm được xây dựng và mở rộng. Hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng hiện đại. Thêm vào đó là các dự án nhà cao tầng, khu dân cư với số vốn đầu tư nhiều tỷ đồng được đưa vào sử dụng, đã góp phần làm thay đổi quan trọng diện mạo đô thị của Quận.