Tổng kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh phân bón

11/08/2021 15:18

Kinhte&Xahoi Lực lượng liên ngành sẽ tổng kiểm tra, giám sát việc sản xuất, kinh doanh mặt hàng phân bón từ ngày 1/8 đến ngày 12/12/2021.

Theo Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), từ đầu năm đến nay, giá phân bón tăng trung bình 50-73%.

Cụ thể, giá phân urê Cà Mau tăng 72% (từ 6.800 đồng/kg lên 11.700 đồng/kg); DAP Đình Vũ tăng 67,3% (từ 8.550 đồng/kg lên 14.300 đồng/kg); NPK Bình Điền tăng 24,3% (NPK 16-16-8+13S từ 8.860 đồng/kg lên 10.760 đồng/kg).

Ảnh minh họa

Với phân bón nhập khẩu, phân SA bột của Trung Quốc tăng 60,6% (từ 3.270 đồng/kg lên 5.250 đồng/kg); DAP 64% nhập khẩu Trung Quốc tăng 50% (từ 11.200 đồng/kg lên 16.800 đồng/kg); kali tăng 72,9% (kali miểng Israel từ 6.650 đồng/kg lên 11.500 đồng/kg).

Về nguyên nhân giá phân bón tăng, ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho rằng chủ yếu do các giá nguyên liệu sản xuất phân bón tăng và giá cước phí vận chuyển tăng.

Đặc biệt, sản xuất trong nước đối trọng với nhập khẩu khiến mức tăng giá trong nước thấp hơn nhiều so với mức tăng giá của hàng nhập khẩu.

Mặc dù, ngành phân bón đã áp dụng biện pháp tự vệ đối với hàng nhập khẩu để bảo vệ ngành sản xuất trong nước, nhưng thực tế cho thấy thị trường phân bón hiện nay cũng thật giả lẫn lộn.

Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón giả, lậu vẫn lộng hành trên thị trường khiến doanh nghiệp sản xuất lao đao, vừa đối phó với nạn hàng giả, hàng lậu, vừa phải nâng cao khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, giá phân bón tăng đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động nông nghiệp và làm gia tăng các hoạt động gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng; phát sinh những hiện tượng đầu cơ, găm hàng, định giá mua, bán bất hợp lý...

Trước thực trạng này, để bình ổn thị trường, cuối tháng 7 vừa qua, Tổng cục Quản lý thị trường đã có công văn về việc tăng cường kiểm tra, giám sát mặt hàng phân bón.

Trong công văn, Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu lực lượng trong ngành chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành có liên quan tại địa phương xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra chuyên đề đối với mặt hàng phân bón.

Thời gian kiểm tra từ ngày 1/8-12/12/2021. Đối tượng là các cơ sở nhập khẩu, kinh doanh phân bón.

Nội dung kiểm tra là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy phép kinh doanh; hàng hóa và hóa đơn chứng từ có liên quan; nguồn gốc xuất xứ, chất lượng; việc thực hiện quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa; kiểm tra việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.

Bên cạnh đó, Tổng cục Quản lý thị trường cũng đề nghị Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý theo địa bàn, thu thập thông tin, theo dõi sát các biến động đối với mặt hàng phân bón, thường xuyên giám sát để kịp thời phát hiện, kiểm tra đột xuất nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, đầu cơ, găm hàng, định giá mua, bán bất hợp lý.

Ngoài ra, Tổng cục Quản lý thị trường cũng chỉ đạo lực lượng trong ngành phối hợp với Cục Hóa chất, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) và các đơn vị liên quan xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra chuyên đề đối với các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón quy mô lớn hoặc phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn khi được yêu cầu.

Trước đó, Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị Bộ Công thương lập kế hoạch kiểm tra, thanh tra toàn diện, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón tại các tỉnh phía Nam.

Theo đó, ngành nông nghiệp đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh phía Nam thường xuyên kiểm tra, rà soát các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu), không để tình trạng đầu cơ, trữ hàng... tạo khan hiếm giả tạo để kiếm lời.

Đồng thời, lực lượng Quản lý thị trường các tỉnh phía Nam lập kế hoạch phối hợp với Thanh tra Cục Bảo vệ thực vật và thành viên Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu phân bón trên địa bàn, đảm bảo việc kinh doanh đúng chất lượng và giá theo quy định của Nhà nước.

 Hậu Lộc - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sở Công thương Hà Nội lập danh sách 700 shipper giao nhận hàng hóa

Để thực hiện Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn, Sở Công thương Hà Nội đã lập danh sách 700 người sử dụng xe môtô 2 bánh vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/tong-kiem-tra-viec-san-xuat-kinh-doanh-phan-bon-173325.html