Tránh lây nhiễm Covid-19 đối với người cao tuổi

20/02/2020 16:47

Kinhte&Xahoi Các phân tích về tình hình dịch bệnh do Covid-19 tại Trung Quốc cho thấy, với người cao tuổi (NCT) có sức đề kháng kém, nhất là người có kèm bệnh mạn tính, nếu nhiễm Covid-19 thì bệnh sẽ nặng hơn, nguy cơ tử vong cao hơn. Vậy cần phòng, chống lây nhiễm Covid-19, đặc biệt là với NCT, như thế nào?

Người già dễ mắc Covid-19 là do thường có bệnh nền mạn tính.

Nhận định nguy cơ

Các nghiên cứu về loại vi rút mới đang ở giai đoạn đầu, còn nhiều điều mà chúng ta chưa biết chính xác bởi thông tin còn thiếu. Tuy nhiên, qua ý kiến của giới chuyên môn ở trong nước và thế giới, bước đầu đã có thể hình dung về sự nguy hiểm của loại vi rút này, qua đó tiến hành biện pháp tự bảo vệ và tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh một cách hiệu quả hơn.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một người nhiễm Covid-19 trung bình có thể lây cho 2,2 người, trong khi một ca bệnh sởi có thể lây cho 12 - 18 người. Người nhiễm Covid-19 có biểu hiện lâm sàng đa dạng, từ không có triệu chứng đặc biệt tới những biểu hiện bệnh lý như viêm phổi nặng, suy hô hấp, sốc nhiễm trùng, suy chức năng đa tạng và tử vong, đặc biệt là với những NCT, người có bệnh mạn tính hay suy giảm hệ miễn dịch.

Đáng lưu ý, phần lớn số ca tử vong là NCT, người có tiền sử bệnh nền nghiêm trọng như tiểu đường, tim mạch, gan và các bệnh về hô hấp khác. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin, hầu hết các ca tử vong đều ở nơi xuất phát dịch bệnh - thành phố Vũ Hán, Trung Quốc; 80% trong số đó là người trên 60 tuổi và 70% là người có bệnh nền mạn tính. Tại Trung Quốc, số người mắc bệnh trên nền bệnh sẵn có thường có triệu chứng nặng hơn những người khác.

Còn theo PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) nhấn mạnh, chúng ta chỉ mắc bệnh khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Theo những hiểu biết ban đầu, hiện nay, nguồn bệnh có thể là động vật mang mầm bệnh hoặc người mang mầm bệnh. Covid-19 lây truyền chủ yếu qua 3 phương thức. Cụ thể là lây qua không khí (tiếp xúc với dịch tiết ra từ những người ho, hắt hơi, sổ mũi), lây trực tiếp (khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, thậm chí bị lây khi bắt tay người bệnh mà không thực hành các biện pháp phòng vệ) và lây truyền khi chạm vào các bề mặt bị nhiễm vi rút rồi đưa lên mắt, mũi, miệng...

Như vậy, có thể khẳng định về mức độ nguy hiểm của Covid-19 là rất cao, và NCT là đối tượng dễ bị tổn thương hơn cả.

Không thể chủ quan

Qua việc dịch tài liệu hướng dẫn về cách phòng, chống Covid-19 từ các bác sĩ gia đình Hoa Kỳ, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ, Covid-19 có kích thước khá lớn. Do đó, bất kỳ khẩu trang thông thường nào (không chỉ N95) đều có thể lọc được. Tuy nhiên, khi người bị nhiễm bệnh ho, xì mũi, hắt hơi ra môi trường, giọt nước bọt hoặc dịch tiết chứa vi rút có thể bắn xa 3m trước khi rơi xuống. Khi rơi xuống bề mặt kim loại, vi rút sẽ sống ít nhất khoảng 12 giờ. Vì vậy, hãy luôn nhớ, nếu tiếp xúc với bất kỳ bề mặt kim loại nào thì sau đó phải rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn thật kỹ. Ngoài bề mặt kim loại, Covid-19 có thể tồn tại trên vải trong 6-12 giờ. Bột giặt thông thường cũng có thể diệt được vi rút. Đối với quần áo mùa đông không giặt được hằng ngày, có thể phơi chúng dưới ánh nắng mặt trời để diệt vi rút.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, kể từ khi xâm nhập, Covid-19 tồn tại trong cơ thể khoảng 3 - 4 tuần. Ở môi trường bên ngoài, dưới ánh sáng, tia cực tím và nhiệt độ cao, Covid-19 dễ bị tiêu diệt, nhưng nếu trong môi trường lạnh Covid-19 có thể “sống dai” hơn. Ở miền Nam đang có nắng ấm, có thể thuận lợi hơn cho việc khống chế sự lây lan, hạn chế sự phát tán của vi rút. Trong khi đó, ở miền Bắc thời tiết đang lạnh, độ ẩm cao, do đó, việc cách ly các ca nhiễm và nghi nhiễm cần được tăng cường hơn.

Tuy nhiên, như đã nói, các nghiên cứu đang ở giai đoạn đầu, việc tiếp nhận ý kiến về vai trò của ánh sáng, nhiệt độ và một vài yếu tố khác nữa đối với sự tồn tại của Covid-19 không có nghĩa người ở nơi có nền nhiệt cao được phép chủ quan.

Phòng bệnh như thế nào?

PGS.TS Bùi Vũ Huy, Phó Chủ nhiệm bộ môn Truyền nhiễm, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, vi rút phát tán từ người bệnh ra môi trường khi những người này ho, hắt hơi... Khi thời tiết lạnh, các loại vi rút thường tồn tại lâu hơn ngoài môi trường, tạo điều kiện cho bệnh lây lan. Vì vậy, cần áp dụng các biện pháp phòng, chống lây nhiễm qua đường hô hấp bằng cách  tránh tụ họp ở nơi đông người; đeo khẩu trang và vệ sinh cơ thể sạch sẽ, rửa tay thường xuyên; có chế độ ăn uống hợp lý nhằm tăng cường sức đề kháng của cơ thể...

Các nhà khoa học trên thế giới khuyến cáo NCT, đặc biệt là những người mắc bệnh mạn tính như cao huyết áp, đái tháo đường không nên đi lễ hội hay đến những nơi đông người. Theo PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh, Trưởng bộ môn Y học gia đình, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, ngoài việc duy trì điều trị thường quy, NCT nên tránh xa các nguồn lây nhiễm, giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, giữ đường mũi, họng sạch, giữ ấm, đeo khẩu trang khi phải tiếp xúc ở chỗ đông người, rửa tay thường xuyên, ăn uống đủ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng. Không nên dùng chung đồ dùng cá nhân như khăn mặt, bàn chải đánh răng, cốc uống nước. Cần giặt khăn thường xuyên và giữ khăn luôn khô, sạch; không treo khăn mặt, khăn tắm ẩm ướt trong nhà vệ sinh. Những người đang mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, Parkinson... cần uống thuốc điều trị bệnh thường xuyên, đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ. Thực hiện chế độ dinh dưỡng theo hướng dẫn của bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Link bài gốc http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Suc-khoe/958913/tranh-lay-nhiem-covid-19-doi-voi-nguoi-cao-tuoi