Triển lãm sản phẩm của thương binh và người khuyết tật

02/12/2018 10:07

Kinhte&Xahoi Triển lãm sản phẩm của thương binh và người khuyết tật làm ra được diễn ra trong ba ngày từ 1 đến 3/12 tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư, Lê Đại Hành, Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Hướng tới kỷ niệm 26 năm ngày Quốc tế Người khuyết tật, 15 năm Ngày thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật Việt Nam, ngày 1/12 tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Hội kỷ lục gia Việt Nam, Trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam tổ chức “Triển lãm sản phẩm do thương binh và Người khuyết tật làm ra” với chủ đề “Không để ai bị bỏ lại phía sau” nhằm tôn vinh gương sáng điển hình “Thương binh tàn nhưng không phế” hăng hái tham gia lao động sản xuất xây dựng quê hương, đồng thời giới thiệu và vinh danh các nghệ nhân là người khuyết tật. 

Toàn cảnh buổi khai mạc triển lãm sản phẩm của thương binh và người khuyết tật

Tới tham dự buổi triển lãm có: Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội; Thiếu tướng Lê Mã Lương – Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật Việt Nam; ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam; ông Đặng Huy Tuân - Hội Kỷ lục gia Việt Nam, cùng đại diện các Bộ, ngành Trung ương và địa phương, các cơ quan thông tấn báo chí.

Phát biểu khai mạc triển lãm, Thiếu tướng Lê Mã Lương, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật Việt Nam nhấn mạnh, “Chiến tranh đã đi xa theo năm tháng nhưng những vết tích, dấu tích về một thời đạn bom không chỉ in đậm trong ký ức mà còn hằn in trên thân thể của những người chiến sĩ năm xưa từng xông pha những làn bom đạn. Trên các chiến trường họ đã hi sinh một phần xương máu của mình, góp phần vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc. Ngày nay trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ đất nước, các chiến sĩ ngày ấy đã tiếp tục có mặt trên các lĩnh vực trong đó có thương trường và đã thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ “thương binh tàn nhưng không phế”, nhiều thương binh vẫn tổ chức sản xuất, kinh doanh và dịch vụ rất giỏi chẳng những làm giàu cho gia đình mình mà còn đóng góp cho sự phát triển kinh tế và xã hội địa phương và cả nước. Nhiều thương binh được đảng và nhà nước dành tặng nhiều danh hiệu cao quý anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới”.

Thiếu tướng Lê Mã Lương, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật phát biểu khai mạc triển lãm

Tại triển lãm sản phẩm của thương binh và người khuyết tật năm 2018 sẽ có 45 gian hàng với hàng ngàn chủng loại sản phẩm, là những tác phẩm ấn tượng và xuất sắc do các nghệ nhân là thương binh và người khuyết tật làm ra, triển lãm với sự góp mặt của gần 100 đơn vị là các doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật đại diện cho nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Đặc biệt, triển lãm sẽ trưng bày 3 tác phẩm: Bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được tạc bằng chất liệu đá non nước của Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, họa sĩ, nhà điêu khắc Lê Duy Ứng; tác phẩm Chùa Một Cột thu nhỏ được làm từ loại gỗ Cam Xen- một loại gỗ quý mua từ đất bạn Lào - của thương binh Phí Đình Tuấn và tác phẩm “Lá lành đùm lá rách” của ông Đoàn Xuân Tiếp - Chủ tịch tập đoàn kinh tế Chân Thiện Mỹ. Ba tác phẩm này sẽ được bán đấu giá tại Triển lãm và số tiền thu được sẽ phục vụ chương trình và gây quỹ từ thiện.

Đây là chương trình có ý nghĩa chính trị xã hội và nhân văn sâu sắc, có tác động giáo dục thế hệ trẻ hôm nay về niềm tự hào với truyền thống yêu nước, sự hy sinh quả cảm vì độc lập, tự do của các thế hệ anh hùng Việt Nam. Đồng thời kêu gọi cộng đồng chung tay hỗ trợ tiêu thụ những sản phẩm do thương bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam/điôxin và nạn nhân bị thương tật do bom mìn, vật liệu nổ và người khuyết tật sản xuất.

Theo HATAP

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Độc đáo con đường nón lá ở Hà Nội

Mới đây, phố Đào Duy Từ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) như "khoác lên mình chiếc áo mới" khi được trang trí bằng hàng nghìn nón lá cùng những chiếc đèn lồng in hình nghệ thuật, đã thu hút nhiều du khách trong ngoài nước đến chiêm ngưỡng.

Hà Nội không thu phí xe máy vào nội đô

Ông Vũ Văn Viện – Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, TP sẽ thu phí vào nội đô đối với ô tô, còn xe máy do đến năm 2030 sẽ cấm vào nội đô nên không thuộc đối tượng thu phí.