Trợ giá xe buýt sẽ được tính đúng, tính đủ

10/07/2020 09:49

Kinhte&Xahoi UBND TPHCM đã phê duyệt bổ sung dự toán chi ngân sách trợ giá cho vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

Trợ giá xe buýt sẽ được tính đúng, tính đủ. Ảnh: CAO THĂNG

Ngày 9-7, tại buổi họp thông tin công tác trợ giá xe buýt và kế hoạch tổ chức đấu thầu cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TPHCM, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM Võ Khánh Hưng khẳng định, UBND TPHCM đã phê duyệt bổ sung dự toán chi ngân sách trợ giá cho vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

Hiện dự toán này đã được ký duyệt. Sắp tới, các HTX và các doanh nghiệp sẽ nhận được khoản trợ giá này. Ông Võ Khánh Hưng cũng cho biết, trợ giá xe buýt năm 2019 đã được tính đúng, tính đủ và đối với dự toán chi ngân sách trợ giá xe buýt năm 2020, UBND TP đã giao Sở GTVT rà soát, lập phương án bổ sung chi ngân sách trợ giá, đồng thời thống nhất về mặt nguyên tắc tính đúng, tính đủ.

Về quyết toán tiền trợ giá những năm trước đây, hiện Sở GTVT đang chỉ đạo Trung tâm Vận tải hành khách công cộng đẩy nhanh quyết toán cho các năm 2011, 2012, 2013, 2014 và 2017. Theo lý giải của Sở GTVT, việc quyết toán bị chậm là do mất nhiều thời gian cung cấp tài liệu cho các đoàn thanh tra, đồng thời trong thời gian làm báo cáo có lỗi về mặt kỹ thuật nên cần điều chỉnh.

Theo Sở GTVT TPHCM, hiện sở đang phối hợp các sở ngành lập đề án trợ giá cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP, có đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, ổn định để các doanh nghiệp hoạt động tốt. Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM đang tiếp tục rà soát, tạm ngưng hoạt động một số tuyến xe buýt kém hiệu quả, ưu tiên mở rộng mạng lưới xe buýt ở một số khu vực đang có nhu cầu. Trung tâm chủ động làm việc với các đơn vị đối tác, có tham mưu Sở GTVT điều chỉnh, chia nhỏ các gói thầu cho phù hợp với nhu cầu thực tế.

Ngoài ra, với việc đấu giá quảng cáo trên 45 tuyến xe buýt, giai đoạn 1 sẽ thực hiện đấu thầu trên 5 tuyến, khai thác trong vòng 5 năm. Để thu hút đấu thầu, đơn vị vận tải sẽ phải đầu tư đồng bộ phương tiện với chất lượng phục vụ đảm bảo. Các tiêu chí này được ghi trực tiếp vào hồ sơ đấu thầu, mọi thứ công khai để các nhà thầu dễ dàng tham gia.

Thông tin thêm về thực trạng hoạt động của loại hình xe buýt thời gian qua, ông Võ Khánh Hưng cho biết, riêng 5 tháng đầu năm 2020 có hơn 1,4 triệu chuyến (giảm hơn 866.651 chuyến so với cùng kỳ 2019), bình quân chỉ đạt khoảng 21 hành khách/chuyến (giảm 9 hành khách/chuyến so với cùng kỳ năm 2019) và chỉ đạt 62% so với sản lượng dự kiến năm 2020. Nhiều đơn vị vận tải xe buýt lâm vào khó khăn vì trợ giá thiếu hụt, chậm thanh quyết toán các khoản công nợ và hợp đồng đặt hàng qua các năm từ 2012 đến nay.

Một số doanh nghiệp, hợp tác xã không đủ chi phí trả lương, nhiên liệu và chậm trả tiền lãi vay mua xe cho các ngân hàng. Nguyên nhân là do việc tính toán trợ giá chưa sát thực tế, Nhà nước cấp kinh phí dựa trên sản lượng áp từ đầu năm. Từ đó, kinh phí cấp về thấp, chi trả cho các đơn vị thấp khiến họ thu không đủ bù chi.

Quốc Hùng  -  Theo Sggp.org.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội dự kiến không tăng học phí năm học 2020-2021

Tại kỳ họp thứ 15 HĐND Thành phố Hà Nội, UBND TP Hà Nội dự kiến có Tờ trình đề nghị HĐND TP xem xét Quy định mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của Thành phố và mức thu học phí đối với Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Bắc Thăng Long, Trường Trung cấp Kỹ thuật Tin học Hà Nội năm học 2020-2021.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/tro-gia-xe-buyt-se-duoc-tinh-dung-tinh-du-d129073.html