Trở thành Vụ phó sau 4 năm thoát án tù bằng hồ sơ giả, chuyện có một không hai ở Bộ Công Thương

01/07/2021 06:57

Kinhte&Xahoi Sau một năm được miễn chấp hành án, ông Nguyễn Lộc An được tiếp nhận làm việc tại Bộ Thương mại vào năm 2007.

Hơn một năm kể từ thời điểm phát hiện việc ông Nguyễn Lộc An sử dụng hồ sơ bệnh tật giả để “thoát” thi hành án và sau đó được tuyển dụng vào làm việc tại Vụ Thị trường trong nước, đến nay Bộ Công Thương vẫn lúng túng trong việc xử lý vi phạm của công chức này.

Sử dụng hồ sơ giả để “thoát” thi hành án

Ông Nguyễn Lộc An, sinh năm 1965, hiện đang giữ chức Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, là người đã bị kết án 3 năm tù giam về tội buôn lậu nhưng đã “thoát” thi hành án (đi cải tạo) bằng một bộ hồ sơ bệnh ung thư giả. Chỉ sau 4 năm được miễn thi hành án, ông Nguyễn Lộc An đã được bổ nhiệm chức Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước và tại vị cho đến nay.

Theo bản án phúc thẩm số 274/HSPT ngày 27-28/2/2003 của Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội do thẩm phán Hoàng Công Tứ, Chủ tọa phiên tòa ký, Tòa Phúc thẩm đã kết án đối với 7 bị cáo trong vụ án “Trốn thuế”, trong đó có bị cáo Nguyễn Lộc An.

Ông Nguyễn Lộc An lúc bị kết án là Phó Giám đốc Chi nhánh Công ty Vật tư nông nghiệp Hải Phòng tại Hà Nội. Ngoài bị cáo Nguyễn Lộc An còn có 6 bị cáo khác bị truy tố và bị TAND tỉnh Lạng Sơn kết án trong bản án sơ thẩm về tội Trốn thuế.

Theo hồ sơ vụ án, Nguyễn Lộc An cùng các đồng phạm đã lập hồ sơ L/C giả nhập hơn 9.170 tấn hàng hóa, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 4,197 tỷ đồng. TAND tỉnh Lạng Sơn đã kết án bị cáo Nguyễn Lộc An 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Tuy nhiên, VKSND tối cao đã kháng nghị bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Lạng Sơn theo hướng sửa bản án và áp dụng thêm tình tiết tăng nặng “lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội” đối với Nguyễn Lộc An.

Tại bản án phúc thẩm, Tòa Phúc thẩm TAND tối cao nhận định: Trong vụ án này, những kẻ chịu trách nhiệm chính là Lê Xuân Sơn, Nguyễn Lộc An, Đoàn Mạnh Tân, là những người có chức vụ trong doanh nghiệp nhà nước nhưng đã bàn bạc nhau làm L/C giả, nhập khẩu số lượng hàng hóa vào Việt Nam gây thiệt hại cho Nhà nước. Vì vậy, Tòa Phúc thẩm TAND tối cao đã sửa án, không cho bị cáo Nguyễn Lộc An hưởng án treo mà xử phạt 3 năm tù giam.

Ngày 24/3/2003, TAND tỉnh Lạng Sơn đã có quyết định thi hành án phạt tù đối với ông Nguyễn Lộc An và ủy thác cho TAND TP Hà Nội thi hành bản án. Tháng 6/2003, TAND TP Hà Nội đã có quyết định thi hành án đối với ông Nguyễn Lộc An. Tuy nhiên, quyết định này không được thi hành.

Cho đến năm 2005, ông Nguyễn Lộc An xin hoãn thi hành án vì lý do sức khỏe. TAND TP Hà Nội đã cho giám định sức khỏe đối với ông An và sau đó có quyết định hoãn thi hành án vì lý do ông An tổn hại 61% sức khỏe. Căn bệnh làm cho ông An mất 61% sức khỏe là hội chứng suy nhược thần kinh, một dạng bệnh tâm thần thể nhẹ.

Tiếp đó, năm 2006, ông Nguyễn Lộc An có đơn xin miễn thi hành án vì lý do mắc bệnh hiểm nghèo là ung thư phổi và một bộ hồ sơ bệnh tật kèm theo để chứng minh bệnh đang ở giai đoạn "hiểm nghèo".

Căn cứ hồ sơ này, ông Đỗ Văn Nghiêm, cán bộ TAND TP Hà Nội đã trình lãnh đạo TAND TP Hà Nội ký quyết định miễn chấp hành hình phạt tù đối với ông Nguyễn Lộc An. Tháng 6/2006, TAND TP Hà Nội đã ban hành quyết định miễn chấp hành hình phạt tù đối với ông Nguyễn Lộc An.

Ông Nguyễn Lộc An chính thức thoát khỏi bản án 3 năm tù với 2 hồ sơ bệnh tật là bệnh suy nhược thần kinh và bệnh ung thư phổi. Song, theo kết quả điều tra, xác minh của cơ quan chức năng, hồ sơ bệnh tật nêu trên là giả.

Theo thông báo từ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an gửi Bộ Công Thương, C03 Bộ Công an đã xác minh tố cáo liên quan đến ông Nguyễn Lộc An và có căn cứ xác định, ông Nguyễn Lộc An đã đồng ý để một số đối tượng trong cơ quan nhà nước lập khống hồ sơ mắc bệnh ung thư phổi đối với ông An để được miễn chấp hành hình phạt tù, trốn tránh trách nhiệm thi hành án. Việc làm của ông An có dấu hiệu vi phạm pháp luật, văn bản của Bộ Công an nêu rõ.

Trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam, đại diện C03 Bộ Công an cho biết, đã chuyển hồ sơ vụ việc sang VKSND tối cao để xem xét giải quyết theo quy định. Về việc làm giả hồ sơ bệnh án ung thư của ông Nguyễn Lộc An, Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục phản ánh đến bạn đọc trong các số báo tiếp theo.

Trở thành Phó Vụ trưởng sau 4 năm thoát án tù

Sau một năm được miễn chấp hành án, ông Nguyễn Lộc An được tiếp nhận làm việc tại Bộ Thương mại vào năm 2007.

Năm 2010, ông Nguyễn Lộc An được bổ nhiệm Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước. Lúc này ông An chưa phải là đảng viên. Cho đến năm 2014, ông Nguyễn Lộc An được kết nạp Đảng.

Như vậy, con đường thăng tiến của ông Nguyễn Lộc An tại Bộ Công Thương rõ ràng là hơn hẳn bao nhiêu công chức khác của Bộ này. Từ một người bị kết án 3 năm tù về tội trốn thuế, ông An trở thành lãnh đạo của một đơn vị thuộc Bộ ngay khi chưa phải là đảng viên. Nếu không có sự ưu ái và bỏ qua các tiêu chuẩn chính trị của lãnh đạo cấp vụ, liệu ông An có được bổ nhiệm nhanh như vậy hay không? Đây là vấn đề mà Lãnh đạo Bộ Công Thương cần phải trả lời rõ trước công luận.

Về vấn đề này, trả lời Báo Pháp luật Việt Nam, đại diện Bộ Công Thương đã không thực hiện trách nhiệm của mình đối với những nghi ngờ của dư luận về việc tuyển dụng và bổ nhiệm bất thường đối với ông Nguyễn Lộc An.

Trong văn bản gửi Báo Pháp luật Việt Nam do ông Nguyễn Thế Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ ký, Bộ Công Thương cho biết một cách rất chung chung là: “Bộ Công Thương đã báo cáo cơ quan có thẩm quyền về các vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn chính trị, tuyển dụng đối với ông Nguyễn Lộc An”.

Nhưng, phải nêu lại một lần nữa, đến nay đã hơn 1 năm kể từ ngày cơ quan chức năng có kết quả điều tra về việc ông Nguyễn Lộc An sử dụng tài liệu giả để được miễn chấp hành hình phạt tù, Bộ Công Thương vẫn chưa xử lý xong việc này. Điều này rõ ràng đã làm mất lòng tin của người dân vào việc xử lý vi phạm đối với các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật đang tồn tại trong bộ máy nhà nước.

Theo một luật sư, việc làm hồ sơ giả cho một bị án để trốn tránh trách nhiệm thi hành án phạt tù là một vi phạm rất nghiêm trọng, đe dọa sự tôn nghiêm của pháp luật. Người làm hồ sơ giả này phải bị xử lý hình sự. Đối với người sử dụng tài liệu giả để trục lợi, cụ thể là việc trốn thi hành án, là vi phạm pháp luật và có dấu hiệu vi phạm quy định về tội làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức theo quy định của Bộ luật hình sự năm 1999.

Ông Nguyễn Lộc An không mắc bệnh ung thư, điều này ông Nguyễn Lộc An chắc chắn biết rõ. Song, để trốn tránh trách nhiệm thi hành án phạt tù, ông Nguyễn Lộc An đã để người khác làm giả hồ sơ mắc bệnh ung thư phổi, rồi sử dụng tài liệu đó để xin miễn chấp hành hình phạt tù. Nếu vi phạm này không bị xử lý nghiêm trước pháp luật thì có còn ai tin vào sự nghiêm minh của pháp luật?

Đối với một quyết định miễn chấp hành hình phạt tù được ban hành dựa vào tài liệu giả, được một số đối tượng cố tình làm ra thì sẽ giải quyết như thế nào, Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục phản ánh về vấn đề này.

 Nhóm PV - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội được mùa lúa Xuân

Thời điểm này, Hà Nội đã cơ bản thu hoạch xong 100% diện tích lúa Xuân. Năng suất lúa trung bình của toàn TP cán mốc 61,2 tạ/ha, nhiều huyện đạt tới 66 tạ/ha - cao nhất trong 3 năm trở lại đây.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/dieu-tra-ban-doc/tro-thanh-vu-pho-sau-4-nam-thoat-an-tu-bang-ho-so-gia-chuyen-co-mot-khong-hai-o-bo-cong-thuong-d159556.html