Một hội chợ việc làm ở Trung Quốc (Ảnh: AFP)
Trong số đó, tình hình của sinh viên tốt nghiệp đại học thậm chí còn tồi tệ hơn với tỷ lệ thất nghiệp ước tính gấp 1,4 lần so với thanh niên nói chung.
Số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học tại Trung Quốc tăng dần theo từng năm trong thời gian gần đây. Theo thống kê, khoảng 8,74 triệu sinh viên đã tốt nghiệp vào năm 2020; 9,09 triệu vào năm 2021; 10,76 triệu vào năm 2022 và dự kiến sẽ đạt 11,58 triệu vào năm nay.
Thêm vào đó, số lượng du học sinh trở về nước ngày càng tăng hàng năm cùng những tác động nghiêm trọng của đại dịch đã khiến thi trường lao động tại Trung Quốc ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Báo cáo từ Viện Nghiên cứu Việc làm Trung Quốc cũng chỉ ra tỷ lệ giữa nhu cầu thị trường và số người xin việc là 0,57 đối với sinh viên tốt nghiệp đại học trong quý III/2022, thấp hơn so với con số 1,24 năm 2021 và 1,38 năm 2020.
Tỷ lệ này cho thấy sự cạnh tranh việc làm khốc liệt giữa những người tìm việc ở đất nước tỷ dân.
Yang Yang tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng đang vật vã tìm việc gần 5 tháng nay.
“Tôi đã gửi gần 100 hồ sơ xin việc song cho đến nay vẫn chưa nhận được cuộc gọi nào”, cô tâm sự.
Đại học Vân Nam tổ chức hội chợ việc làm ngày 7/3 (Ảnh: VCG)
Giáo sư Lu Feng tại Trường Phát triển Quốc gia của Đại học Bắc Kinh cho rằng số lượng sinh viên tốt nghiệp tìm kiếm việc làm ngày càng tăng sẽ có tác động hạn chế đến tỷ lệ thất nghiệp, nhiều nhất là tăng 0,5 đến 1,0 điểm phần trăm trong thời gian ngắn. Điều cấp bách hơn là nhu cầu suy yếu đang đẩy tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên lên cao.
Nguyên nhân của tình trạng này là do việc theo đuổi bằng cấp cao hơn có thể gây bất lợi cho sinh viên mới tốt nghiệp trong việc có được kinh nghiệm cần thiết trong ngành, do tài liệu thi thường không liên quan đến các kỹ năng cần thiết tại nơi làm việc.
Theo thống kê năm 2023, kỷ lục 4,74 triệu người đăng ký tham gia kỳ thi tuyển sinh sau đại học, cao hơn 170.000 so với năm 2022. Hơn 60% thí sinh chọn nộp đơn học thạc sĩ trong bối cảnh áp lực tìm việc làm.
“Một số sinh viên đã chuyển từ trạng thái chậm xin việc sang lười biếng hoặc ngại tìm việc, thậm chí không muốn được tuyển dụng”, ông Zhuo của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc phân tích.
“Trong thời đại toàn cầu hóa và số hóa kinh tế, được thúc đẩy bởi sự đổi mới, sinh viên tốt nghiệp đại học thường thiếu các kỹ năng trong các lĩnh vực như hiểu biết về tài chính, kinh doanh, máy tính và kỹ thuật số, khả năng ngoại ngữ và tư duy quốc tế, những thứ mà thị trường đòi hỏi”, nghiên cứu của Yue Changjun, giáo sư tại trường Sư phạm Đại học Bắc Kinh, chỉ ra.
Một hội chợ việc làm ở thành phố Phụ Dương, tỉnh An Huy (Ảnh: Zuma Press)
Bên cạnh đó, nhiều công ty cũng cắt giảm nhân sự số lượng lớn khiến thị trường lao động của Trung Quốc càng thêm ảm đạm.
Tháng 8 năm ngoái, gã khổng lồ công nghệ Huawei Technologies Co. Ltd., kêu gọi công ty lập tức cắt giảm tất cả dòng sản phẩm không sinh lãi.
Các đối thủ khác ở mảng công nghệ như công ty mẹ của TikTok, ByteDance Ltd., và gã khổng lồ giao hàng Meituan Dianping đã cắt giảm số lượng nhân viên là người mới tốt nghiệp vào mùa thu năm ngoái.
Alibaba Group Holding Ltd. và Tencent Holding Ltd. tiến hành sa thải hàng loạt lao động trong quý II/2022.
Vì sinh viên tốt nghiệp đại học là lực lượng lao động chất lượng cao nên tình trạng thiếu việc làm hoặc thất nghiệp kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội.
Sản xuất của Trung Quốc đang ở giai đoạn quan trọng của quá trình chuyển đổi và nâng cấp. Môt xã hội công nghiệp hóa và đổi mới rất cần những người lao động có kỹ năng. Do vậy, tình trạng thiếu lao động trong dài hạn sẽ cản trở sự phát triển kinh tế.
Ngược lại, việc sinh viên tốt nghiệp bị cô lập khỏi thị trường lao động trong thời gian dài sẽ tác động tiêu cực đến quá trình tích lũy vốn con người và phát triển nghề nghiệp lâu dài.
Tuệ Uyên - TTTĐ