Trường Sa mùa biển động

07/11/2019 10:08

Kinhte&Xahoi Cuối năm 2011, chúng tôi có mặt trên con tàu HQ-936 đến với quân và dân các đảo phía Bắc của Quần đảo Trường Sa. Dù đã biết đi biển ngày cuối năm là đúng vào đợt biển động, song chúng tôi không nghĩ rằng đã có một chuyến công tác “bão gió” đến như thế…

1. Quá trưa ngày 15-12-2011, hòa vào dòng cán bộ chiến sĩ cùng thân nhân đi đưa tiễn con em ra công tác tại quần đảo Trường Sa, chúng tôi có mặt tại cảng Cam Ranh (Khánh Hòa). Trên khuôn mặt họ, chúng tôi có thể cảm nhận được không khí vừa náo nức, chộn rộn vừa bồn chồn, lo âu chia ly của người đi, kẻ ở.

Ba hồi còi tàu rúc lên: "Tu… tu… tu" khiến cho ai cũng hối hả khẩn trương hơn. Tiếng loa điểm danh các chiến sĩ khiến cho không khí càng thêm náo nhiệt. Các nhóm chiến sĩ cũng nhanh chóng tản ra, bước nhanh về phía đơn vị mình và nhanh chóng lên tàu. Thêm ba hồi còi nữa vang lên, con tàu mang số hiệu HQ 936 của tôi từ từ đè sóng hướng ra biển Đông.

Để có thể tiếp cận đảo, điểm đảo phải dùng ca nô với những hiểm nguy thường trực, đặc biệt là vào mùa biển động.

Theo lịch trình chúng tôi sẽ đến các đảo phía Bắc của đảo Trường Sa. Tuy nhiên, khi vừa ra khơi thì chúng tôi gặp ngay một cơn áp thấp nhiệt đới. Tàu đành phải neo vào một đảo không trong lịch trình để tránh.

Cánh nhà báo ra đảo năm ấy có gần 20 người, được phân 2 buồng nho nhỏ. Mọi sinh hoạt chủ yếu diễn ra trên tàu. Mỗi căn buồng chỉ có 2 chiếc giường tầng, đủ cho 4 người nằm. Những người còn lại thì chia nhau ăn ngủ nghỉ ngay trên sàn. Và ngay ngày đầu tiên, cánh nhà báo đã được “thưởng thức” những cơn say sóng đến… mệt lả.

Gặp đúng cơn áp thấp nhiệt đới, nếu đứng ngoài boong tàu có thể “mở to mắt” mà ngắm những con sóng cao tới vài mét cứ ập vào thân tàu, tung bọt trắng xóa. Rồi những chú cá chim cũng theo sóng biển mà dạt vào boong. 

Đứng ngắm nhìn vài phút là cánh báo chí không chịu nổi, kéo nhau vào buồng nằm. Nhưng chỉ riêng việc… nằm ngủ cũng là một thách thức. Con tàu cứ chao đảo nghiêng bên nọ, vùi bên kia khiến ai cũng bị lăn lông lốc như những củ khoai, từ bên này sang bên kia buồng. Chúng tôi phải mang quần áo dài để cột người vào với… chân giường, thì mới có thể nằm yên.

Đến bữa cơm, mặc dù có các chiến sĩ bưng nồi, bát đến tận giường; song vì say sóng, hầu như không ai nuốt nổi. Cả đoàn động viên nhau cố nhai trệu trạo vài thìa cơm và húp canh để có sức mà chống chọi với sóng gió. Buổi tối đầu tiên trên tàu, vẫn là điệp khúc lắc lư đến quay cuồng.

Sáng sớm hôm sau mặc dù vẫn còn say sóng, và tàu vẫn đang lắc lư trong cơn áp thấp nhưng “máu nghề” nổi lên, tôi vác máy ảnh đi khắp tàu để ghi nhận công việc của các thủy thủ. Khu nhà bếp nằm ở đuôi tàu, từ phòng nghỉ của chúng tôi phải đi qua một hành lang, rồi lên một cầu thang bằng gỗ khá cao. Vừa bước đến bậc thang cuối cùng tôi đã ngửi thấy mùi đặc trưng của nhà bếp, đó là mùi gia vị, mùi xào nấu thức ăn… 

Tôi đặc biệt ấn tượng với những nồi cơm điện to hơn cả cái lồng bàn. Anh nuôi bảo mỗi bữa cơm tàu phải phục vụ mấy trăm suất, nên phải nấu bằng 5 chiếc nồi cơm dạng 15L như thế này mới đủ. Một góc nọ, mấy chiến sĩ đang hì hục mổ thịt một con lợn để chúng tôi có bữa “ăn tươi”.

Cán bộ chiến sĩ tăng gia sản xuất cải thiện đời sống tại quần đảo.

Không bỏ lỡ những khoảnh khắc hiếm có, tôi vội đưa máy lên ghi lại những hình ảnh trên. Nhưng chỉ bấm được vài kiểu thì bất thần một con sóng to ập vào mạn tàu. Trong khoảnh khắc tôi thấy mình bị xô ngược về phía sau, lăn lông lốc từ trên boong xuống cầu thang và xuống sàn. Ý nghĩ thể nào cũng gãy xương vụt đến, khiến tôi toát mồ hôi.

Một chiến sĩ thấy vậy vội chạy xuống đỡ tôi dậy, sờ nắn xem cơ thể có làm sao không. Thật quá may mắn, tôi chỉ bị đau nhẹ ở tay và hông, xoa chút dầu gió là có thể đi lại bình thường. Nhưng chiếc máy ảnh thì không được như vậy. Do bị rơi từ trên cao xuống, màn hình cảm ứng của chiếc máy đã bị hỏng, đồng thời kính ngắm cũng hỏng nốt. Nếu muốn chụp ảnh, chỉ còn cách chụp theo kiểu… hú họa. Nghĩa là cứ giương lên rồi ang áng khung hình và bấm.

Cho đến ngày thứ ba của cuộc hành trình, cánh nhà báo bắt đầu quen với sóng gió thì lại liên tục được lên đảo. Do quanh đảo là những bãi san hô, bãi cạn… nên tàu lớn không thể cập cảng. Chỉ có cách duy nhất là dùng những xuồng nhỏ để tiếp cận. Và việc di chuyển từ tàu lớn xuống xuồng cũng rất nguy hiểm. Những con sóng lớn thi nhau xô mạn xuồng va vào vỏ tàu, nếu không cẩn thận khi di chuyển từ tàu xuống xuồng mà bị kẹp vào giữa thì nát bàn chân ngay.

Với chiếc máy ảnh bị hỏng màn hình, tôi vẫn cố gắng tác nghiệp, qua các đảo Tốc Tan, Núi Le, Côlin - Len Đao - Tiên Nữ… Những đảo này đa số là đảo nhỏ, xây dựng trên các mỏm san hô ngầm giống như một tòa nhà 3-4 tầng nổi lên giữa biển. Tôi đặc biệt ấn tượng với đảo Phan Vinh – một đảo lớn có bán kính lên tới vài trăm mét. Tại đây tôi có thêm một kỷ niệm nhớ đời.
 
Lẽ ra lịch trình của chúng tôi chỉ lên đảo vài giờ đồng hồ để mang quà tết cho lính đảo và thay thu quân, song khi cập bờ được vài giờ thì bỗng bão tố nổi lên. Việc quay lại tàu là cực kỳ nguy hiểm. Chính vì vậy mà chúng tôi được lệnh ở lại đảo cho đến khi bão tan. Hơn hai ngày trời, chúng tôi đã tranh thủ khám phá, ăn những bữa cơm với lính, chụp hình phỏng vấn…

Cho đến buổi chiều ngày thứ ba trên đảo, tôi nảy ra ý định đi ngắm hoàng hôn và tiếp cận bờ kè quanh đảo. Những bờ kè này cao khoảng 2m để chắn sóng. Đứng tại đây nhìn về phía đảo, tôi bất ngờ khi gặp hình ảnh lính đảo đang hiên ngang đứng gác. Với chiếc máy ảnh “thương binh”, tôi vẫn đưa lên bấm nhiều kiểu với nhiều góc khác nhau.

Bất thần một con sóng cực lớn ập vào kè, hất một lượng nước vào khiến tôi ngã ngửa ra đằng sau. May mà không bị rơi xuống biển. Hú vía. Chiếc máy ảnh sau cú lội nước đó đã hỏng hoàn toàn, may số ảnh trong chiếc thẻ nhớ vẫn còn.

2. Hành trình của chúng tôi theo dự kiến là từ 20-25 ngày. Tuy nhiên, do thời tiết xấu khiến cho lộ trình phải kéo dài đến 32 ngày. Có những khi tàu phải neo gần bãi san hô tới 3 ngày ròng rã mà không sao cập đảo. 

Và, trong suốt thời gian được tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa, chúng tôi đều cảm nhận được rằng những khó khăn vất vả vừa trải qua chỉ là “muỗi” so với các cán bộ chiến sĩ, nhân dân đang ngày đêm chiến đấu, sản xuất góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Phóng viên báo CAND đang tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa.

“Dù biển động, dù sóng lớn đến thế nào thì bằng mọi cách phải đưa được hết số quà Tết đến tận tay các cán bộ chiến sĩ, bởi đó là tình cảm của đất liền gửi ra, và cũng là để những người nơi đầu sóng ngọn gió có một cái Tết thật ấm cúng” - Thượng tá Nguyễn Văn Thư, Phó chính ủy Lữ đoàn 146 (Lữ đoàn Trường Sa) tâm sự với chúng tôi.

Trên tàu, trong lúc rảnh rỗi, cánh báo chí chúng tôi cố gắng "vợt" sóng điện thoại di động để nắm thông tin ở đất liền, và đặc biệt là thông tin về thời tiết khu vực biển Đông. Có những tin chúng tôi nghe xong mà sởn da gà. Hết tàu Vinalines Queen chìm cho đến tàu ở Cửa Đại bị đắm. 

Tôi lang thang lên phòng của Thuyền trưởng - Thiếu tá Ngô Đức Dũng. Mọi lần anh đều trò chuyện với chúng tôi rất niềm nở, song buổi sáng ngày hôm ấy thì trầm hơn hẳn. Sau tôi mới biết, đêm qua trong lúc chúng tôi ngủ, một cơn dông đã ập qua vị trí tàu, làm đứt neo chính. Suốt cả đêm, thuyền trưởng cùng các thủy thủ đã phải căng mình chống lại sóng dữ, để giữ cho tàu không bị cuốn ra khỏi bãi san hô.

"Nếu như bị cuốn ra đấy thì không biết thế nào đâu anh ạ" - một cậu lính trẻ đứng cạnh tôi tỏ ra có kinh nghiệm. Tôi quay ra, té ra không chỉ có cánh nhà báo chúng tôi bồn chồn vì lịch trình bị kéo dài thêm đến cả một tuần lễ. Giang - cậu lính trẻ vừa về từ đảo Tiên Nữ mặt buồn thiu, tâm sự: "Em đi đảo lần này là lần thứ ba rồi. Năm ngoái đã định lấy vợ, nhưng sau phải hoãn vì gia đình có tang. Tuần trước, anh em trên đảo đã tổ chức mổ lợn ăn mừng cho em, vì nhà em điện ra là hai bên thống nhất ngày 25 tháng Chạp sẽ tổ chức đám cưới. Tất cả đã chuẩn bị xong xuôi, chỉ còn chờ mỗi em về nữa thôi. Mà hôm nay đã là 22 rồi...".

Thật may, hôm sau chúng tôi đã được lệnh cập đảo Trường Sa Đông, điểm cuối của cuộc hành trình. Có thể nói đây là hòn đảo đẹp nhất trong số tuyến đảo mà chúng tôi đã đi qua. Những dãy nhà vuông vắn, những con đường rợp bóng cây xanh. Tưởng như tôi đang đi trên một ngõ phố nào đó ở Hà Nội. Đêm xuống, biển vẫn ầm ào. Song chúng tôi vẫn có cảm giác thật bình yên.

Tạm biệt Trường Sa để trở lại Cam Ranh sau 32 ngày lênh đênh trên biển, đoàn chúng tôi không ai bảo ai đều ngoái lại để được ngắm nhìn một lần nữa dải biên cương trên biển của Tổ quốc.

Để có thể tiếp cận đảo, điểm đảo phải dùng ca nô với những hiểm nguy thường trực, đặc biệt là vào mùa biển động.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Theo Công an Nhân dân/ Pháp luật Plus