Tử vong do căng da mặt ở Kangnam: Bệnh nhân có thể bị sốc phản vệ

18/10/2019 11:08

Kinhte&Xahoi Một nữ khách hàng đã đến bệnh viện thẩm mỹ Kangnam (TP HCM) thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ căng da mặt ngày 11/10 nhưng không may bị sốc phản vệ sau phẫu thuật. Theo báo cáo của bệnh viện Kangam gửi Sở Y tế TP HCM và y văn, có thể bệnh nhân tử vong do sốc phản vệ- một tai biến y khoa rất dễ gây tử vong.

Theo báo cáo Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam gửi Sở Y tế TP HCM, quy trình trước trong và sau phẫu thuật được diễn ra như bình thường. Bệnh viện Kangnam đã làm đúng quy trình cho một ca phẫu thuật thẩm mỹ. Ngay trong quá trình thăm khám, bệnh nhân đã được tư vấn kỹ lưỡng về toàn bộ quy trình thông tin và rủi ro có thể xảy ra trong phẫu thuật.

 
Nạn nhân gặp sự cố và tử vong sau khi phẫu thuật căng da mặt tại Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam

Sau khi phẫu thuật kết thúc, bệnh nhân tỉnh táo, bình thường và có tiếp xúc với người nhà sau đó. Sau đó bệnh nhân có biểu hiện khó thở và được chuyển cấp cứu 115 và sau đó cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Người nhà bệnh nhân cho biết trong suốt quá trình điều trị, bệnh viện thẩm mỹ Kangnam và đội ngũ bác sĩ nhân viên có mặt túc trực và phối hợp kịp thời 3 bên với cấp cứu 115 và Bệnh viện Chợ Rẫy.

Theo y văn, sốc phản vệ là phản ứng dị ứng nghiêm trọng có thể đe doạ tính mạng người bệnh trong vòng vài giây hoặc vài phút sau khi tiếp xúc với dị nguyên. Sốc phản vệ luôn là tai biến gây hoang mang cho không những bệnh nhân và người nhà mà còn cho cả các y bác sĩ. Cũng theo y văn, sốc phản vệ xuất hiện nhanh, ngay lập tức, một số trường hợp xuất hiện sau 30 phút dùng thuốc, thử test, sau phẫu thuật, thậm chỉ khi gây mê...
 
Nếu triệu chứng Sốc phản vệ xuất hiện càng sớm thì bệnh càng nặng, tỉ lệ tử vong càng cao. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra sốc phản vệ. Thuốc là nguyên nhân gây sốc phản vệ hàng đầu cho người bệnh. Các đường thuốc đưa vào cơ thể như tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp, tiêm dưới da, trong da; uống, xông, nhỏ mắt, đặt âm đạo hay thuốc bôi ngoài da... đều có thể gây sốc phản vệ. Tuy nhiên, đường tiêm tĩnh mạch là nguy hiểm nhất.

Trong ngành y, sốc phản vệ là một trong những tai biến y khoa nghiêm trọng nhất, dễ gây tử vong. Tuy Sở Y tế TP HCM chưa có kết luận về tai biến y khoa gây tử vong cho nữ bệnh nhân phẫu thuật thẩm mỹ nêu trên nhưng qua các triệu chứng lâm sàng và quá trình cấp cứu đã được bệnh viện thẩm mỹ Kangnam, Cấp cứu 115 và Bệnh viện Chợ Rẫy tận tình cứu chữa nhưng thất bại, cho thấy bệnh nhân có thể bị sốc phản vệ sau phẫu thuật.

Trên thế giới, tỷ lệ mắc sốc phản vệ ở châu Âu là 4-5 trường hợp/10.000 dân, ở Mỹ những năm gần đây là 58,9 trường hợp/100.000 dân. Ở Việt Nam tuy chưa có thống kê song sốc phản vệ do thuốc vẫn xảy ra thường xuyên, gặp ở mọi nơi, các bệnh viện và cơ sở y tế... nhiều trường hợp đã tử vong.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus