Tuyển sinh ĐH 2019: Tréo ngoe thừa điểm… vẫn trượt?

19/08/2019 09:34

Kinhte&Xahoi Hiện các trường đại học (ĐH) đã công bố điểm chuẩn, thí sinh trúng tuyển đang nhập học. Thế nhưng, việc xét tuyển ĐH năm nay có nhiều chuyện hy hữu, đó là không đủ điểm vẫn đậu, dư điểm lại không trúng tuyển. Và tình trạng điểm chuẩn “ảo” lại tái diễn khi một số trường không đủ thí sinh đã cố tình nâng điểm chuẩn lên cao để thí sinh không thể đỗ…

Bên cạnh nhiều trường tuyển không hết thí sinh giỏi thì nhiều ngành, nhiều trường vẫn mòn mỏi chờ thí sinh.

Quy định không rõ ràng

Năm nay là năm thứ hai Bộ GD-ĐT quy định điểm sàn cho khối ngành sư phạm và năm đầu tiên với khối ngành sức khỏe. Tuy nhiên, quy định về điểm sàn chưa rõ ràng nên nhiều thí sinh không hiểu vì sao bị trượt.

Đó là trường hợp hai thí sinh đăng ký xét tuyển vào ngành sư phạm mầm non và sư phạm âm  nhạc của Trường ĐH Sài Gòn: Đ.V.T (Quảng Nam) tốt nghiệp THPT năm 2017 học lực khá, năm nay dự thi THPT quốc gia đạt 5,5 điểm môn ngữ văn.

Thí sinh này đăng ký nguyện vọng 1 ngành sư phạm âm nhạc tổ hợp N01 trường ĐH Sài Gòn đạt tổng điểm 21,5 (gồm năng khiếu 1 đạt 8 điểm, năng khiếu 2 đạt 8 điểm và môn ngữ văn 5,5 điểm). So với điểm chuẩn 18 của ngành này, Đ.V.T dư 3,5 điểm nhưng không có tên trong danh sách trúng tuyển của trường.

Thí sinh thứ hai là  N.H.N.H. (quận 3, TP.HCM) năm nay thi lại lần 2 và chỉ đăng ký ngành sư phạm mầm non của Trường ĐH Sài Gòn. Hai môn năng khiếu thí sinh H. đạt điểm rất cao (gồm kể chuyện 10 và hát 9,5 điểm) nhưng môn ngữ văn chỉ đạt 3,25 điểm. Với 22,75 điểm, thí sinh này có điểm thi cao hơn điểm chuẩn ngành sư phạm mầm non 22,25 nhưng vẫn trượt. 

Điểm thi cao hơn điểm chuẩn nhưng vẫn trượt cũng xảy ra với một số thí sinh xét tuyển vào ngành giáo dục thể chất của Trường ĐH Sư phạm TP HCM năm nay.

Theo đại diện Trường ĐH Sài Gòn, năm nay, điểm sàn ĐH đối với ngành sư phạm được Bộ GD-ĐT quy định là 18 điểm. Chiếu theo quy chế thì điểm  sàn một môn văn hóa để xét tuyển vào các ngành sư phạm bậc ĐH là 6.

Quy chế cũng quy định các trường có ngành sư phạm xác định điểm sàn, cụ thể trường sử dụng 2 môn thì điểm sàn 2 môn = điểm sàn 3 môn bộ công bố chia 3 x 2. Nếu trường sử dụng 1 môn thì điểm sàn 1 môn = điểm sàn 3 môn bộ công bố chia 3. Trong trường hợp này, thí sinh ở Quảng Nam được 5,5 điểm môn ngữ văn +1/3 điểm ưu tiên (0,25/3) = 5,58 điểm (nhỏ hơn 6 điểm) thì chưa đạt sàn môn văn hóa theo quy định trên.

Còn thí sinh ở TP HCM chỉ đạt 3,25 điểm môn ngữ văn thì nhỏ hơn 6 điểm nên cũng không đạt. Do đó, hai thí sinh này dù thừa điểm chuẩn trúng tuyển nhưng lại không đạt được điều kiện đảm bảo chất lượng của Bộ GD-ĐT.

Đồng thời, thí sinh trên điểm chuẩn mà không vượt sàn cũng có thể xảy ra ở các trường đại học sư phạm có tính môn chính (chẳng hạn như Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2). Ví dụ, một thí sinh có điểm thi THPT 3 môn tổ hợp A00: toán 8,4, lý 5, hoá 4 thi vào sư phạm toán với điểm chuẩn 25.

Nếu thí sinh này không có điểm ưu tiên, tổng điểm xét tuyển của thí sinh này sẽ là 8,4x2+5+4=25,8 (môn chính nhân đôi), tức cao hơn điểm chuẩn. Tuy nhiên thí sinh này cũng không đỗ vào sư phạm toán vì tổng 3 môn thi 8,4+5+4=17,4 là nhỏ hơn điểm sàn quy định của Bộ GD-ĐT. 

Thế nhưng, phụ huynh, thí sinh và trường cũng khẳng định, công thức này chưa hề công bố cho thí sinh và trường biết. Bởi lẽ, điểm sàn mà Bộ GD-ĐT quy định 18 điểm cho mỗi tổ hợp xét tuyển 3 môn thi (không có môn nào bị 1 điểm trở xuống - điểm liệt), chứ Bộ không hề quy định mỗi môn thi phải 6 điểm.

Hơn nữa, Bộ GD-ĐT cũng không nói rõ những ngành Sư phạm có kết hợp điểm thi THPT quốc gia và các môn năng khiếu thì điểm thi THPT quốc gia của từng môn phải đạt bao nhiêu điểm. Bởi thế, khi Bộ áp dụng điều kiện này vào phần mềm xét tuyển, nên cả trường và thí sinh đều không hiểu sao dư điểm vẫn không trúng tuyển…

Và đánh trượt… “theo cách của mình”

Cũng như năm trước, ở một số trường, vì quá ít thí sinh trúng tuyển, các trường này đã nâng điểm lên cao bất ngờ. Đơn cử, Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Hùng Vương TP HCM lấy điểm chuẩn rất cao ngành Công nghệ sau thu hoạch và Công nghệ kỹ thuật xây dựng để thí sinh không trúng tuyển. Theo đó, điểm chuẩn ngành Công nghệ sau thu hoạch là 22 điểm, ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng 20 điểm.

Trong khi đó, các ngành khác của trường này lấy mức điểm chuẩn là 14. Theo đại diện nhà trường, việc lấy điểm chuẩn cao như vậy là vì quá ít thí sinh đăng ký nên nhà trường lấy điểm cao để thí sinh không trúng tuyển và đi đăng ký ở trường khác.

Cụ thể, ngành Công nghệ sau thu hoạch chỉ có 2 thí sinh đăng ký xét tuyển, ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng chỉ có 1 thí sinh xét tuyển. Nếu lấy điểm chuẩn thấp, thí sinh trúng tuyển chỉ có 1 - 2 em, không đủ để mở lớp. 

Còn Trường ĐH Đồng Nai có 1.806 thí sinh trúng tuyển vào 14 ngành ĐH, nhưng có 4 ngành (mỗi ngành 40 chỉ tiêu) không thí sinh nào trúng tuyển gồm: Sư phạm Vật lý, Sư phạm Sinh học, Sư phạm Lịch sử, Quản lý đất đai.

Trong khi, những ngành sư phạm khác có điểm chuẩn bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT (18 điểm) hoặc nhỉnh hơn là 18,5 điểm. Các ngành ngoài sư phạm điểm chuẩn chỉ từ 15 -16 điểm. Cũng theo Hội đồng tuyển sinh nhà trường vì có ngành chỉ vài thí sinh trúng tuyển nên trường phải chủ động tăng điểm chuẩn để đánh trượt thí sinh, vì nhà trường không thể mở lớp, tổ chức đào tạo.

Và việc trường ĐH nâng điểm chuẩn để không mở ngành đào tạo quá có ít thí sinh đã khiến cho thí sinh N.M.Q. 2 năm liền không đỗ vào Sư phạm Vật lý ĐH Đồng Nai dù đạt 22,3 điểm. N.M.Q. cho biết em đăng ký 3 nguyện vọng vào ngành sư phạm Vật lý của Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh (nguyện vọng 1), Trường ĐH Sài Gòn (nguyện vọng 2) và Trường ĐH Đồng Nai (nguyện vọng 3). Đạt 22,3 điểm, N.M.Q. cho rằng, cơ hội chắc chắn vào được ĐH Đồng Nai vì căn cứ vào mức điểm trước đây của trường thì chỉ cần trên dưới 20 điểm là đủ điểm trúng tuyển.

Tuy nhiên, khi được biết điểm chuẩn vào Sư phạm Vật lý của trường lên tới 24,7 thì N.M.Q. đã hết hy vọng cho cả 3 nguyện vọng trong đợt 1 tuyển sinh ĐH. Đáng nói là năm 2018, thí sinh này cũng đăng ký xét tuyển vào Sư phạm Vật lý ĐH Đồng Nai. N.M.Q. đã không được theo học ngành này vì trường không tuyển đủ số lượng sinh viên để mở lớp. Q. được nhà trường thông báo cho đổi sang nguyện vọng khác của trường và chọn Sư phạm Toán.

Thế nhưng, do yêu thích môn Vật lý nên Q. đã nghỉ học để quyết tâm thi lại vào Sư phạm Vật lý năm 2019. Đến thời điểm này, Q. không biết mình còn cơ hội trúng tuyển nữa hay không vì 3 nguyện vọng đợt 1 đều đã trượt, trong đó oan nhất là nguyện vọng vào ĐH Đồng Nai.

Trước thực tế này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT chia sẻ, trong điều kiện quá ít thí sinh trúng tuyển, không đủ số lượng để mở lớp và duy trì lớp học nên một số trường đã nâng điểm trúng tuyển lên cao để thí sinh được chuyển sang xét tuyển ở nguyện vọng tiếp theo hoặc tham gia xét tuyển đợt sau.

Quy chế tuyển sinh không thể quy định các trường phải mở lớp khi có thí sinh đăng ký xét tuyển vượt điểm sàn của trường, không kể số lượng trúng tuyển là bao nhiêu. Cũng không thể quy định việc Bộ “điều tiết” các thí sinh trúng tuyển vào trường không đủ số lượng mở lớp sang trường khác, vì còn phải tính đến nguyện vọng, điều kiện, ý kiến của thí sinh.

Đối với các thí sinh, Bộ có thể hỗ trợ, tạo điều kiện cho thí sinh đến những trường đang đào tạo ngành đăng ký học mà thí sinh đủ điểm trúng tuyển, nếu thí sinh lựa chọn và có đơn đề nghị gửi Bộ và gửi trường xin được xét tuyển...

Nếu thí sinh chỉ có một nguyện vọng hoặc đây là nguyện vọng cuối thì trường có thể thỏa thuận với thí sinh để chuyển sang ngành khác, đủ điểm trúng tuyển, tại trường. Hoặc thí sinh xin vào cùng ngành đăng ký xét tuyển ở trường khác, nếu đủ điểm trúng tuyển. Bộ đồng ý cho trường khác đó được xét tuyển.

Theo bà Phụng, trong toàn hệ thống, các trường gặp khó khăn trong tuyển sinh như ĐH Đồng Nai, ĐH Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh không nhiều. Để kiểm soát được hiện tượng này, bên cạnh một số tác động như buộc các trường phải nâng cao chất lượng để thu hút thí sinh, buộc phải đánh giá nhu cầu của thị trường khi mở ngành… Và theo quy định, nếu 5 năm không tuyển sinh thì bị đóng ngành.

Hiện thí sinh Q. đang làm đơn chuyển nguyện vọng vào khoa Vật lý, ĐH Sư phạm Hà Nội, sau 2 năm “lận đận”. Trên thực tế, ở một số ngành khác, cũng có những thí sinh dù điểm cao vẫn trượt do nhầm mã ngành, hoặc đặt tất cả các nguyện vọng vào 1 trường. Các em này vì yêu thích môn học đó, trường đó nên đôi khi bị đánh mất cơ hội, dự định sẽ thi lại năm sau (một số em điểm khá cao ở khối kĩ thuật, y dược)...

Tuy nhiên, theo các chuyên gia tuyển sinh, nếu đã điểm cao năm nay, các em có thể vào các khoa liên kết (học phí cao hơn), hoặc chuyển nguyện vọng sang các trường khác cùng ngành. Thay vì bỏ lỡ một năm học, chưa biết kì thi năm sau kết quả các em còn được tốt như năm nay không…


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội mất mỹ quan đô thị và lộn xộn giao thông đến bao giờ?

Nhiều tháng nay, cả một dải vỉa hè trên đường Xuân Thuỷ quận Cầu Giấy, Hà Nội bị hư hỏng nặng, gạch lát bị vỡ bong tróc rơi cả xuống lòng đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cũng như gây mất mỹ quan đô thị. Cùng với đó, tình trạng xe taxi vô tư đón trả khách trên tuyến đường bất chấp biển cấm vẫn thường xuyên xảy ra, gây nên tình cảnh lộn xộn, giao thông thường xuyên ùn tắc.

Nguồn: Pháp luật Plus