Tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội: Phụ huynh bối rối chọn trường

22/02/2021 11:49

Kinhte&Xahoi Theo lịch thi dự kiến, kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội sẽ diễn ra sớm hơn năm ngoái, vào ngày 29 và 30/5/2021. Cùng với hai điểm là Hà Nội vẫn giữ 4 môn thi trước tình hình dịch Covid-19 còn khá căng thẳng và không được thay đổi khu vực tuyển sinh, đã khiến kỳ thi sắp tới trở nên “nóng” hơn.

Kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội luôn “nóng”. Ảnh minh họa.

Thí sinh không được thay đổi nguyện vọng

Năm học 2020-2021, toàn thành phố có 110.759 học sinh dự xét tốt nghiệp trung học cơ sở, tăng 6.220 học sinh so với năm học 2019-2020.

Nếu toàn bộ học sinh đều tốt nghiệp trung học cơ sở và đăng ký dự tuyển vào lớp 10 thì sẽ có gần 69.000 học sinh được tuyển vào lớp 10 các trường trung học phổ thông công lập; hơn 24.000 học sinh được tuyển vào lớp 10 các trường trung học phổ thông công lập tự chủ tài chính và trường trung học phổ thông ngoài công lập; gần 8.900 học sinh được tuyển vào các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, số còn lại được tuyển vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. 

Kỳ thi gồm 4 bài thi độc lập: toán, ngữ văn, ngoại ngữ và bài thi thứ tư. Trong đó, bài thi thứ tư được chọn ngẫu nhiên thuộc một trong các môn: vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, giáo dục công dân, địa lý. Với bài thi ngoại ngữ, thí sinh tự chọn một trong các thứ tiếng: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Hàn. Thí sinh được đăng ký thi thứ tiếng ngoại ngữ khác với thứ tiếng ngoại ngữ đang học tại trường trung học cơ sở. Sở GD-ĐT Hà Nội công bố bài thi thứ tư vào tháng 3/2021.

Về hình thức thi, các bài thi môn toán và ngữ văn thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 120 phút/bài thi. Bài thi môn ngoại ngữ và bài thi thứ tư thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài 60 phút/bài thi, có nhiều mã đề trong một phòng thi.

Đề thi các môn gồm câu hỏi theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng thuộc chương trình trung học cơ sở hiện hành của Bộ GD-ĐT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9.

Những năm trước, các em chỉ có 2 nguyện vọng và được lựa chọn khu vực tuyển sinh (không cần theo hộ khẩu). Năm nay, mỗi học sinh dù được đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào 3 trường trung học phổ thông công lập, xếp theo thứ tự ưu tiên, trong đó nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 phải thuộc khu vực tuyển sinh mà học sinh có hộ khẩu thường trú. Nguyện vọng 3 có thể thuộc một khu vực tuyển sinh bất kỳ.

Học sinh không được thay đổi nguyện vọng dự tuyển sau khi đã đăng ký. Bởi vậy, các em cần cân nhắc kỹ trước khi đặt bút đăng ký các nguyện vọng và sắp xếp thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng phù hợp với năng lực. 

Theo đó, nếu đã trúng tuyển nguyện vọng 1, học sinh không được xét tuyển nguyện vọng 2, nguyện vọng 3. Học sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 thì được xét tuyển nguyện vọng 2 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng 1 của trường ít nhất 1,0 điểm. Học sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 thì được xét tuyển nguyện vọng 3 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng 1 của trường ít nhất 2,0 điểm.

Một quy định nữa các em cần lưu ý, khi hạ điểm chuẩn, các trường nhận học sinh có nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 đủ điều kiện trúng tuyển. Học sinh có thể trúng tuyển nhiều nguyện vọng, nhưng với nguyên tắc này, các em chỉ có thể được xét tuyển một nguyện vọng.

Bối rối chọn trường

Trước các thông tin mới của kỳ thi lớp 10, nhiều phụ huynh cho rằng, chỉ còn ba tháng nữa thi nhưng Sở GD&ĐT chưa cho biết môn thi thứ 4 để thầy trò sớm có kế hoạch ôn tập. Bởi nói là 4 môn thi, nhưng thực tế, thường sang tháng ba học sinh mới biết môn thứ 4, nên ngay từ đầu năm học, các em phải lo lắng ôn tới... 9 môn. Chưa kể nhiều phụ huynh đã hi vọng năm nay sẽ bớt môn thi thứ 4 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo chị Thu Anh (quận Ba Đình, Hà Nội) và nhiều phụ huynh khác, lứa học sinh thi vào lớp 10 năm nay thiệt thòi vì phải chịu ảnh hưởng của dịch bệnh với các môn học đều qua online qua nhiều học kỳ, chất lượng có thể không như đến trường học, kể cả với các môn Toán, Văn, Anh. 

Trước đó trao đổi với báo chí, ông Phạm Văn Đại - Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, không phải vì dịch bệnh Covid-19 mà phải giảm số môn, bởi chương trình học vẫn vậy và việc dạy học trực tuyến được tổ chức và có kiểm soát chất lượng. Khoảng cuối tháng 3/2021, Sở GD&ĐT mới công bố môn thứ tư để học sinh học toàn diện tất cả các môn, tránh chuyện vì thi cử mà học lệch, học tủ.

Năm ngoái, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên Sở GD&ĐT mới quyết định không tổ chức môn thứ tư để giảm bớt áp lực cho học sinh. Còn năm nay, nếu tình hình dịch bệnh vẫn được kiểm soát, tinh thần sẽ tổ chức như kỳ thi năm trước. Tuy nhiên, theo ông Đại, trong trường hợp tình hình dịch phức tạp, Sở có thể xem xét trình UBND TP giảm bớt số môn.

Cùng với đó, trước quyết định “thí sinh đăng ký nguyện vọng theo khu vực tuyển sinh mà học sinh có hộ khẩu thường trú” của Hà Nội, không ít phụ huynh hoang mang. Nếu quy định cứng như vậy thì thiệt thòi cho các con học giỏi khu vực ít trường tốt hơn. Trong khi đó, hầu hết học sinh đều đã nhắm vào những trường mình thích, phù hợp với năng lực của mình.

Với những em có học lực tốt, các em có xu hướng cố gắng hết sức để được vào trường chuyên ở các trường ĐH, sẽ không phụ thuộc vào việc có hộ khẩu ở khu vực đó hay không. Và trước quyết định này, học sinh lớp 9 càng phải nỗ lực và căng thẳng hơn trong quá trình ôn thi, khi thời gian không còn nhiều...

Ở Hà Nội, với các em học giỏi, ngoài các trường công tốp đầu sẽ là cuộc cạnh tranh quyết liệt vào các trường chuyên với tỷ lệ chọi căng thẳng. Không ít phụ huynh đã tính tới chuyện chuyển hộ khẩu để con có thể đăng ký thi vào những trường tốp đầu, phù hợp với học lực của các em. Cùng với đó là xu hướng chọn trường chất lượng cao, trường chuyên...

Có thể nói, với quyết định thí sinh chọn trường theo khu vực tuyển sinh theo hộ khẩu, chứ không được thoải mái lựa chọn khu vực tuyển sinh như trước, sẽ tránh được việc thí sinh đổ dồn về các trường tốp đầu, các trường chất lượng cao... Tuy nhiên, do không được chuẩn bị tinh thần sớm, nên phụ huynh, học sinh lớp 9 sẽ thêm đòn “cân não” trước khi đặt bút chọn trường... 

Không ít phụ huynh đã tỏ ra băn khoăn trước quy định về việc NV1, NV2 phải thuộc khu vực tuyển sinh mà HS có hộ khẩu thường trú vì nhiều trường hợp học sinh có hộ khẩu ở một nơi, nhưng cư trú thực tế tại nơi khác. Nếu trúng tuyển NV1, NV2 sẽ đi học xa, gây bất tiện.

Trước ý kiến này, chiều 21/2, Phó Giám đốc Phụ trách Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại cho hay, trong các trường hợp cụ thể, Sở GD&ĐT Hà Nội vẫn tạo điều kiện cho HS được chuyển đổi khu vực tuyển sinh. Nếu HS có hộ khẩu ở địa bàn này nhưng cư trú tại nơi khác thì phụ huynh làm đơn, có xác nhận của địa phương, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ xem xét, cho phép được đăng ký NV dự tuyển ở khu vực tuyển sinh theo nơi cư trú thực tế. 

 Nguyễn Mỹ - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Mùa hè 2021, Hà Nội xảy ra 7-9 đợt nắng nóng trên diện rộng

Sau 3 ngày nữa, Hà Nội không còn rét về đêm và sáng sớm, chuyển sang trạng thái ấm áp. Từ nay đến tháng 5-2021, Hà Nội còn chịu ảnh hưởng của 4-6 đợt không khí lạnh, nhưng không xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại. Đặc biệt, mùa hè năm nay, Hà Nội có khả năng xảy ra 7-9 đợt nắng nóng trên diện rộng.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/tuyen-sinh-lop-10-o-ha-noi-phu-huynh-boi-roi-chon-truong-d149117.html