Vận chuyển vải thiều ra các điểm thu mua tại Bắc Giang.

Vải được mùa, được giá

Theo báo cáo của Vụ Thị trường trong nước (TTTN - Bộ Công Thương), tính đến hết ngày 7/6/2021 tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ được khoảng 55.038 tấn vải với mức giá dao động từ 12.000-32.000 đồng/kg. Cá biệt, giá thấp nhất 8.000 đồng/kg đối với vải chất lượng thấp; 58.000 đồng/kg đối với vải xuất khẩu (XK) đi Nhật.

Trong số đó, vải XK đạt hơn 19 nghìn tấn (thị trường Trung Quốc đạt 18.971 tấn; Nhật Bản 45 tấn; Hoa Kỳ 5 tấn). Tiêu thụ tại TTTN đang được đẩy mạnh như chủ trương ban đầu với tổng số lượng đã đạt 36.017 tấn, qua các kênh phân phối chủ yếu như chợ đầu mối (19.529 tấn); siêu thị, trung tâm thương mại (4.243 tấn); thương mại điện tử (710 tấn); chế biến (170 tấn); và hệ thống thương nhân khác (11.535 tấn).

Với vải thiều Hải Dương, đến ngày 8/6/2021, địa phương này đã thu hoạch và tiêu thụ khoảng 40.000 tấn (tương đương gần 60% sản lượng vải toàn tỉnh). Riêng Thanh Hà đã thu hoạch khoảng 30.000 tấn. Giá vải vẫn duy trì ở mức cao, dao động từ 18.000-30.000 đồng/kg (giá tại vườn) tùy theo chủng loại và phương thức đóng gói.

Sản lượng tiêu thụ nội địa của vải thiều Hải Dương chiếm khoảng 50% tổng sản lượng, tương đương 20.000 tấn. Thị trường tiêu thụ trong nước chủ yếu vẫn là khu vực phía Nam, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số địa phương lân cận. Vải thiều của Hải Dương bán trong nước chủ yếu do các thương lái thu mua tập trung vào các chợ đầu mối (khoảng trên 15.000 tấn) sau đó phân phát tới các điểm bán lẻ trên toàn quốc và được bán tại hệ thống của các siêu thị trên toàn quốc (khoảng trên 4.000 tấn).

Thị trường XK chính của vải Hải Dương cũng vẫn là Trung Quốc với khoảng 15.000 tấn. Ngoài ra còn đến các thị trường khác như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Úc, Singapore, Malaysia, Lào, Campuchia… Trong đó, đáng chú ý, 1 tấn vải thiều Thanh Hà đã được xuất từ đường hàng không sang châu Âu theo Hiệp định Tự do thương mại Việt Nam – châu Âu và hạ cánh tại Cộng hoà Czech, nơi có dân số đông và cộng đồng người Việt Nam lớn nhất nhì châu Âu. Dự kiến, một số DN như Rồng Đỏ, Ameii, Chính Thu… sẽ thu mua và XK 1.000 tấn vải thiều tươi đi Nhật Bản và khoảng 4.000 tấn vải đi Mỹ, châu Âu…

Theo đại diện Vụ TTTN, nhờ huy động tổng lực các kênh tiêu thụ, nên đến thời điểm này, vải thiều vẫn đang được tiêu thụ khá tốt với mức giá ổn định, không có hiện tượng bị ép giá. Bộ Công Thương vẫn tiếp tục duy trì bộ phận thường trực gồm đại diện Vụ TTTN và đại diện Phòng Quản lý Thương mại của 63 Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để sát sao trong tiêu thụ nông sản trong mùa dịch này.

Tiêu thụ trong nước đang tăng cao

“Điều tích cực nữa là hiện chúng ta đang đẩy mạnh rất tốt các kênh tiêu thụ trong nước. Nếu các mùa trước, vải vẫn chủ yếu trông chờ vào XK sang Trung Quốc thì năm nay, chúng tôi đã chuẩn bị tốt nhất cho thị trường nội địa, để gánh được phần nào sản lượng mà thương nhân Trung Quốc không thể thu mua do vướng dịch Covid-19” - đại diện Vụ TTTN chia sẻ.

Cụ thể, hệ thống chợ đầu mối chính của TP Hồ Chí Minh đang tiêu thụ khá tốt khi chợ đầu mối Thủ Đức đã tiêu thụ tổng cộng khoảng 4.500 tấn vải thiều; chợ đầu mối Hóc Môn khoảng 350 tấn; chợ đầu mối Bình Điền khoảng 300 tấn. Các trung tâm thương mại, siêu thị cũng tích cực thu mua vải như Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) đã thu mua khoảng hơn 1.000 tấn vải; Saigon Co.op; Central Retail cũng vẫn lên kế hoạch thu mua khoảng vài trăm tấn trong vụ vải này.

Đáng chú ý, Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (sở hữu chuỗi Thế giới di động, Điện máy xanh, Bách hóa xanh) cũng đã bắt đầu nhập vải thiều từ ngày 31/5/2021, được 24 tấn, dự kiến sẽ thu mua tối đa 300 tấn/tháng. Hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart + đã công bố con số thu mua dự kiến lên đến 2.000 tấn (trong khi vụ vải năm ngoái, hệ thống này tiêu thụ chỉ được khoảng 200 tấn vải).

Đại diện Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động tiêu thụ nông sản của tỉnh Bắc Giang, đặc biệt biệt là quả vải (do thời gian thu hoạch ngắn, có sản lượng lớn nhưng khó bảo quản, chế biến); Bộ cũng bám sát, theo dõi hỗ trực tiếp và gián tiếp hoạt động lưu thông, tiêu thụ nông sản của tỉnh Bắc Giang, đảm bảo nông sản được lưu thông, tiêu thụ thông suốt không bị ùn ứ như một số địa phương có dịch giai đoạn trước.

UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) vừa tổ chức Lễ ký kết hợp đồng, xuất hành cung ứng sản phẩm vải thiều với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). Tại Lễ ký kết, đại diện 3 Tổng công ty (TCT) thuộc TKV (TCT Công nghiệp Hóa chất Mỏ, TCT Điện lực, TCT Công nghiệp Mỏ Việt Bắc) đã thông qua Biên bản thỏa thuận hợp tác, tiêu thụ vải thiều năm 2021 với 3 DN được UBND huyện Lục Ngạn lựa chọn gồm: Công ty CP Xuất nhập khẩu Thực phẩm Toàn Cầu, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu An Như, Công ty TNHH Thương mại và Xuất nhập khẩu Hùng Thảo. Các bên thỏa thuận và thống nhất, về phía TKV cam kết tiêu thụ tối thiểu 190 tấn vải thiều Lục Ngạn đến hết ngày 30/7/2021.

T.Lan

 Nhật Thu - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội được mùa lúa Xuân

Thời điểm này, Hà Nội đã cơ bản thu hoạch xong 100% diện tích lúa Xuân. Năng suất lúa trung bình của toàn TP cán mốc 61,2 tạ/ha, nhiều huyện đạt tới 66 tạ/ha - cao nhất trong 3 năm trở lại đây.

Hà Nội: Dừng hoạt động nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ, chỉ cho phép bán hàng mang về

Từ 12h00 ngày 25/5/2021: Tạm dừng hoạt động một số cơ sở kinh doanh dịch vụ để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đến khi có thông báo mới của Thành phố, cụ thể: Nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), không tổ chức ăn uống, liên hoan tập trung đông người; các cửa hàng cắt tóc, gội đầu.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/vai-thieu-tieu-thu-tot-gia-on-dinh-d157953.html