'Ván bài lật ngửa' tại MBLand

01/12/2018 09:05

Kinhte&Xahoi Hai cổ đông mới, một cá nhân và một pháp nhân đã hoàn tất sở hữu tổng cộng 96,43% vốn của MBLand. Dù vậy, có nhiều chỉ dấu cho thấy họ không phải những nhà đầu tư thực sự đứng sau thương vụ thâu tóm đình đám này.

Đổi chủ

Công ty CP Tổng công ty MBLand ngày 26/11 vừa có sự thay đổi quan trọng ở cấu trúc thượng tầng. Theo đó, bà Lâm Thị Thuý là Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật thay cho ông Nguyễn Gia Long - người cũng chỉ mới ngồi "ghế nóng" ở MBLand chưa đầy ba tuần (từ 6/11).

Ông Gia Long là Chủ tịch kiêm TGĐ CTCP Tập đoàn Mường Phăng - đơn vị trúng đấu giá cổ phần MBLand của Tổng công ty Trực thăng Việt Nam hôm 26/10. Doanh nhân sinh năm 1977 còn được biết đến nhiều với vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP Tài Nguyên, nơi bà Lâm Thị Thuý - "người mới" ở MBLand từng có gần ba năm làm Trưởng ban Kiểm soát, trước khi từ nhiệm ngày 22/10 vừa qua.

Bà Lâm Thị Thuý, ở một chi tiết khác, lại là Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư F&S - nhà đầu tư còn lại trong phiên đấu giá cổ phần MBLand ngày 26/10, bên cạnh Mường Phăng.

"Sợi dây" Lâm Thị Thuý là mối liên hệ thấy rõ giữa Mường Phăng và F&S, phần nào lý giải tại sao phiên đấu giá diễn ra nhẹ nhàng, khi Mường Phăng chỉ trả cao hơn mức khởi điểm 200 triệu đồng để sở hữu trọn lô 31,02% cổ phần MBLand.

Sau khi Tổng công ty Trực thăng thoái vốn, công ty con của MBBank là MB AMC ngày 8/11 cũng đã bán toàn bộ 65,29% vốn trong MBLand. Đối tác nhận chuyển nhượng không được công bố. Dù vậy, việc bà Lâm Thị Thuý thế chân "người quen" Nguyễn Gia Long dấy lên đồn đoán Mường Phăng đã mua nốt cổ phần từ MB AMC.

Trong chiến lược phát triển dài hạn, dù đã thoái vốn, MBBank vẫn là một đối tác đặc biệt quan trọng của MBLand. Đâu là căn cứ cho sự tự tin đó?. Ảnh: ĐTCK.

Tuy nhiên, dữ liệu của Nhadautu.vn cho biết trực tiếp bà Thuý mới là bên đã mua toàn bộ phần vốn MBLand từ MB AMC, qua đó nâng số lượng sở hữu lên 42,76 triệu đơn vị, tương đương 65,41% vốn MBLand. Không có thông tin về giá trị của thương vụ, song toàn bộ lô cổ phần được Ngân hàng NCB định giá 574,3 tỷ đồng, tương đương 13.400 đồng/CP.

Với tỷ lệ nắm giữ chi phối, không rõ bà Lâm Thị Thuý muốn đầu tư lâu dài tại MBLand hay còn dự định nào khác. Biết rằng một tuần sau khi nhận "sang tay" từ MB AMC, bà Thuý ngày 15/11 đã mang toàn bộ cổ phần MBLand thế chấp để vay vốn tại một phòng giao dịch của NCB Chi nhánh Hà Nội.

Một nhà đầu tư cá nhân chưa thực sự có tên tuổi, sẵn sàng đi vay để mua số cổ phần chi phối MBLand với giá trị hơn nửa nghìn tỷ đồng có chăng sẽ được giải thích hợp lý hơn với hướng tư duy rằng, đứng sau bà Lâm Thị Thuý, thậm chỉ cả Mường Phăng là những nhà đầu tư thực sự sở hữu MBLand, mà vì nhiều lý do, họ chưa muốn trực tiếp ra mặt.

Nếu giả thiết này là đúng, thì băn khoăn lớn nhất: Nhóm nhà đầu tư đã thâu tóm thành công MBLand là ai?

Như đã lưu ý, bà Lâm Thị Thúy còn là Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư F&S, pháp nhân dù đặt cọc tới 25 tỷ đồng (10% giá khởi điểm), song lại chịu về nhì khi bỏ thua Mường Phăng vỏn vẹn 200 triệu đồng trong phiên đấu giá ngày 26/10. 

Tasmania & Partner Group

CTCP Đầu tư F&S được thành lập ngày 18/12/2017, hiện đóng trụ sở tại Tầng 5 toà nhà Central Field 219 Trung Kính, P. Yên Hoà, Q. Cầu Giấy - một dự án do MBLand phát triển.

Các cổ đông sáng lập của F&S là CTCP Đầu tư Golden Field Quốc tế (30%), Công ty TNHH MTV Đông Phú 1932 (19%) và Công ty TNHH B&F (51%). Trong đó, B&F và Đông Phú 1932 đều là công ty con 100% vốn của CTCP Tập đoàn Tasmania & Partner - một doanh nghiệp được thành lập tháng 4/2015 với tên gọi ban đầu CTCP Đầu tư VCN Quốc tế. Trong khi Golden Field Quốc tế cũng là một pháp nhân có nhiều liên hệ.

Tasmania & Partner Group hiện có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, thuộc sở hữu 99,995% của nữ doanh nhân Vũ Thị Hương Giang. Bà Hương Giang, chi tiết hơn, là phu nhân của cựu TGĐ MBLand Vũ Thành Huế, người có thời gian dài gắn bó và để lại dấu ấn đậm nét trong quá trình phát triển của MBLand.

Trong chiến lược trung và dài hạn, MBLand giới thiệu cải tạo, xây mới hàng chục phòng giao dịch, chi nhánh của MBBank mỗi năm sẽ mang về nguồn thu ổn định, giúp cân bằng với mảng bất động sản vốn chịu nhiều rủi ro. MBBank hiện cũng là nhà băng duy nhất cấp tín dụng cho MBLand, với các khoản tài trợ chiếm tới 2/3 nguồn vốn của doanh nghiệp bất động sản này.

Với mối quan hệ phần nào đó mang tính cộng sinh như vậy, "cặp bài trùng" MBLand - MBBank hoàn toàn có thể tiếp tục đồng hành, dù không còn là công ty mẹ - con như trước. 

Sự tham gia (nếu có) của những cựu lãnh đạo - những người hơn ai hết hiểu rõ về MBLand, cũng như có quan hệ tốt với MBBank sẽ là chất xúc tác tốt hơn cả, mở ra một thời kỳ phát triển nhanh chóng của MBLand. Miễn là các bên tuân thủ quy định trong lĩnh vực tín dụng, thì mối quan hệ này là tích cực, đôi bên đều "win-win" và đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội.

Luật Doanh nghiệp 2014 (Khoản 4, Điều 103) quy định Kiểm soát viên không được đồng thời là Tổng giám đốc của doanh nghiệp khác. Bà Lâm Thị Thuý từ nhiệm Trưởng BKS tại CTCP Tài Nguyên ngày 22/10, trước phiên đấu giá bốn ngày, để rồi hiện nay trở thành TGĐ MBLand, xem chừng không phải một sự trùng hợp ngẫu nhiên. 


Theo nhadautu.vn/Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Độc đáo con đường nón lá ở Hà Nội

Mới đây, phố Đào Duy Từ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) như "khoác lên mình chiếc áo mới" khi được trang trí bằng hàng nghìn nón lá cùng những chiếc đèn lồng in hình nghệ thuật, đã thu hút nhiều du khách trong ngoài nước đến chiêm ngưỡng.

Hà Nội không thu phí xe máy vào nội đô

Ông Vũ Văn Viện – Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, TP sẽ thu phí vào nội đô đối với ô tô, còn xe máy do đến năm 2030 sẽ cấm vào nội đô nên không thuộc đối tượng thu phí.