Vì sao doanh nghiệp bất động sản lớn cũng phải kêu cứu?

06/02/2020 16:10

Kinhte&Xahoi Theo đó, doanh nghiệp lớn về BĐS là Novaland vừa gửi đơn cầu cứu Bộ trưởng Xây dựng tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ dự án 32 ha chậm triển khai.

Kêu cứu vì dự án chậm triển khai

Từ năm 2018 đến nay, các dự án bất động sản (BĐS) của nhiều chủ đầu tư đã gặp phải nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh doanh của thị trường BĐS nói riêng và môi trường đầu tư nói chung. Theo đó, Novaland vừa gửi đơn cầu cứu Bộ trưởng Xây dựng tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ dự án 32 ha chậm triển khai.

Trong đơn cầu cứu, ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland) cho biết những khó khăn ở dự án 32,224 ha ở Bình Khánh, quận 2, TP HCM đang khiến công ty kiệt sức. 

Dự án Khu Dân cư Bình Khánh (diện tích 30,224 ha tại quận 2, TP HCM) do Công Ty TNHH Phát Triển Quốc Tế Thế Kỷ 21 - là công ty thành viên của Tập đoàn Novaland - làm chủ đầu tư. 

Trong văn bản, ông Nhơn đề xuất Bộ Xây dựng cho phép Novaland được tiếp tục thực hiện dự án 32,224 ha ở Bình Khánh, Quận 2, TP đã bị tạm dừng 2 năm nay vì vướng một số thủ tục pháp lý. 

Đơn kêu cứu của Novaland.

Cụ thể, tại dự án KDC Bình Khánh đã hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 với hơn 506 căn hộ tái định cư và đã xây dựng xong cơ sở hạ tầng kỹ thuật toàn khu. Dự án đang tiếp tục thực hiện đầu tư xây dựng giai đoạn 2.

Nằm trong thỏa thuận mua lại các căn hộ tái định cư thuộc dự án giữa chủ đầu tư và đại diện thành phố là Ban quản lý Khu quản lý Đầu tư – Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Ban quản lý Thủ Thiêm), tuy nhiên, do ngân sách thành phố có khó khăn nên được thống nhất thực hiện phương án hoàn tất giai đoạn 1, không đầu tư xây dựng giai đoạn 2, và dùng quỹ đất giai đoạn 2 để tạo vốn thanh toán cho giai đoạn 1.

Việc bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với toàn bộ diện tích khu đất cho dự án đã được Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng Quận 2 hoàn tất. UBND TP HCM đã ban hành Quyết định chủ trương đầu tư số 3990/QĐ-UBND chấp thuận cho chủ đầu tư dự án KDC Bình Khánh tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 là căn hộ thương mại do không còn nhu cầu sử dụng cho tái định cư.

Tuy nhiên, trong quá trình rà soát chung của khu Thủ Thiêm, Quận 2, dự án này cũng như các dự án BĐS khác bị rà soát kéo dài dẫn đến việc chậm triển khai và phát sinh nhiều hệ quả, đặc biệt là phát sinh chi phí vốn cho đầu tư, xây dựng…

Cụ thể, Novaland cùng các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào dự án này khoảng gần 6.000 tỷ đồng. Tuy vậy, đến nay, Novaland và các bên liên quan vẫn chưa thể tiếp tục triển khai phát triển dự án. Việc đình trệ này đã và đang ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh chung của Tập đoàn, ảnh hưởng đến lợi ích của nhà đầu tư trong và ngoài nước, từ đó cũng ảnh hưởng đến môi trường đầu tư chung của TP HCM. 

Trong đơn cầu cứu, ông Nhơn khẳng định Novaland cam kết sẽ chấp hành mọi quyết định của Chính phủ. 

Khó khăn, thách thức 
 
Theo thống kê của Cục Đăng ký quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) năm 2019, lĩnh vực bất động sản (BĐS) có số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc bị giải thể cao nhất, với 598 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động, tăng 36,8% và 686 doanh nghiệp giải thể, tăng 39,4%, so với năm 2018.

Còn báo cáo của Hiệp hội BĐS TP HCM (HoRea) cho biết, năm 2019, tại TP HCM chỉ có 1 dự án nhà ở thương mại có quyền sử dụng đất ở được UBND thành phố “chấp thuận chủ trương đầu tư”, giảm 12 dự án, tương đương giảm 92% so với năm trước đó. Bên cạnh đó, chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được “chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư”, giảm 24 dự án, tương đương giảm 85%; Có 16 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư, giảm 64 dự án, tương đương giảm 80% và số căn hộ chung cư đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, giảm 14,1%.

Dự án KDC Bình Khánh của Novaland đang phải cầu cứu Chính phủ và Bộ trưởng.

Có thể thấy rõ, từ năm 2018 đến nay, các dự án bất động sản (BĐS) của nhiều chủ đầu tư từ nhỏ đến lớn đã gặp phải nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh doanh của thị trường BĐS nói riêng và môi trường đầu tư nói chung.

Đặc biệt, thị trường BĐS năm 2019 chứng kiến nhiều “biến động”, khó khăn, đặc biệt khó khăn về mặt pháp lý dự án. Cụ thể, rất nhiều dự án không thể triển khai theo đúng tiến độ đề ra. Một trong những nguyên nhân chính đó là vì sự chậm trễ trong quá trình cấp giấy phép đầu tư, xây dựng. Việc phát triển dự án không diễn ra như đúng kế hoạch, trong khi chủ đầu tư vẫn phải duy trì các chi phí hoạt động chung, chi phí đầu tư, lãi vay ngân hàng,…

Việc chậm trễ trong quá trình cấp giấy phép đầu tư, xây dựng có nguyên nhân từ phía các chủ đầu tư lẫn chính quyền. Như việc chủ đầu tư không đảm bảo đúng và đầy đủ hồ sơ pháp lý theo yêu cầu. Về phía chính quyền, quá trình thẩm tra, rà soát hồ sơ, thủ tục mất quá nhiều thời gian.

Một điểm đáng chú ý hơn nữa cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường BĐS trong năm qua, đó là công tác thanh kiểm tra toàn diện các dự án. Việc thanh kiểm tra này mặc dù rất tích cực ở chỗ khiến thị trường minh bạch hơn về mặt pháp lý nhưng cũng dẫn đến việc trì hoãn tiến độ của hàng loạt dự án.

Ngoài ra, trong 2 năm qua, nguồn vốn vay cho BĐS đã bị siết chặt. Việc siết chặt này tuy không đột xuất và có lộ trình nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến chủ đầu tư cũng như khách hàng muốn tiếp cận nguồn vốn để đầu tư. Và như thế, các dự án BĐS trong tương lai gần cũng sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức, vì chủ đầu tư sẽ phải cân đối nguồn vốn lại nhằm đảm bảo bước đi vững chắc.

“Khó khăn và thách thức trong năm 2019 cũng là khó khăn và thách thức của thị trường BĐS trong năm 2020. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải tỉnh táo, lựa chọn bước đi hợp lý, chắc chắn; Về phía chính quyền cần có cơ chế giải quyết nhanh chóng, đúng quy định để tháo gỡ những nút thắt đã kìm kẹp trong thời gian qua, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tạo nên môi trường đầu tư thông thoáng để nhà đầu tư an tâm kinh doanh, ổn định và phát triển”, một chuyên gia BĐS cho biết.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết đã nhận được đơn cầu cứu của Novaland và chuyển cho Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản xử lý.

Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho hay, đây mới là những trình bày của doanh nghiệp, còn hiện Bộ Xây dựng chưa nắm được cụ thể hồ sơ vụ việc. Do đó, cơ quan này sẽ làm việc với địa phương trước khi nêu quan điểm và tháo gỡ cho doanh nghiệp.

Ông Ninh cũng nói thêm, đây chỉ là một trong rất nhiều vụ việc, hồ sơ mà cơ quan quản lý phải xử lý hằng ngày nên sẽ không có ưu tiên hay trường hợp ngoại lệ hơn so với các vấn đề khác.

- Theo Vnexpress 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/bat-dong-san/vi-sao-doanh-nghiep-bat-dong-san-lon-cung-phai-keu-cuu-d116718.html