Vicem kinh doanh ngoài ngành bế tắc, muốn chuyển nhượng Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem

30/06/2020 09:23

Kinhte&Xahoi Đây là “tâm tư, nguyện vọng” của Vicem cũng như Bộ Xây dựng, nhưng chưa được cơ quan chức năng “chốt” phương án xử lý.

Xin chuyển nhượng toàn bộ dự án

Tại các bài viết trước, toà soạn đã thông tin rõ những tồn tại của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) khi được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) nêu trong báo cáo được ban hành gần đây. Nhiều đơn vị thuộc Vicem rơi vào tình trạng thua lỗ lớn, mất vốn chủ sở hữu; đề nghị Vicem kiểm điểm trách nhiệm nhiều tập thể, cá nhân...

Đáng chú ý là việc Vicem đề xuất thay đổi phương án sắp xếp, xử lý nhà đất đã được Bộ Xây dựng phê duyệt đối với 3 lô đất, song chưa hoàn thành thủ tục hoặc chưa được phê duyệt lại.

Đối với dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem được Hội đồng thành viên Vicem phê duyệt đầu tư năm 2010, với tổng mức đầu tư điều chỉnh hơn 2.743 tỷ đồng thì Vicem lại “xin chuyển nhượng toàn bộ dự án”.

Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem được Hội đồng thành viên Vicem phê duyệt đầu tư năm 2010, với tổng mức đầu tư điều chỉnh hơn 2.743 tỷ đồng.

Được biết, tại lô đất 8.476m2 tại 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy, phường Mễ Trì (quận Nam Từ liêm, Hà Nội), Vicem đề xuất thay đổi từ “tiếp tục xây dựng Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem” thành “chuyển nhượng toàn bộ dự án”. Đề xuất này đã được Bộ Xây dựng đồng ý về chủ trương nhưng tổng công ty chưa hoàn thành thủ tục, nội dung điều chỉnh phương án trình phê duyệt.

Được biết, Dự án có quy mô cao 31 tầng và 4 tầng hầm, bố trí làm văn phòng, hội trường và thương mại... dự kiến hoàn thành vào 31/12/2020 nhưng đến nay, dự án vẫn để sắt gỉ và cỏ mọc, rêu bám.

Được biết, từ năm 2013 đến nay, ngoài việc tập trung quyết toán các gói thầu đã hoàn thành, thi công các gói thầu đã kí hợp đồng đang thực hiện dở thì dự án không triển khai gì thêm.

Hiện dự án đã thực hiện thi công xong toàn bộ phần ngầm; kết cấu phần thô công trình (31 tầng nổi) theo thiết kế kỹ thuật được duyệt. Giá trị khối lượng ước thực hiện từ khi khởi công khoảng 1.299 tỷ đồng; giá trị vốn giải ngân từ khởi công đến nay khoảng 1.231 tỷ đồng, trong đó tiền đất 369,12 tỷ; suất đầu tư cơ sở hạ tầng 4,48 tỷ; chi phí lãi vay 206,7 tỷ đồng và thi công các gói thầu xây dựng, tư vấn khoảng 650 tỷ đồng.

Được biết, theo chủ trương của Bộ Xây dựng, cổ phần hoá thành công, tối đa hoá lợi ích nhà nước, doanh nghiệp phải mạnh mới có giá trị. Vì vậy, Vicem thực hiện song song tái cấu trúc và cổ phần hoá. Đề án tái cấu trúc dựa vào ngành nghề chính là sản xuất xi măng. Không tham gia bất cứ ngành nghề khác.

Bởi vậy, lô đất tại Cầu Giấy, lãnh đạo Vicem đã tính toán thấy hiệu quả không đạt được như mong muốn và việc kinh doanh thêm ngành nghề bất động sản là không phù hợp nên đã đề nghị Bộ Xây dựng cho phép chuyển nhượng dự án.

Dự án hơn 2.700 tỷ đồng nay chậm tiến độ, Vicem đề xuất bán dự án.

Bàn luận về nội dung này, ông Hà Quang Hiện - Chánh Văn phòng Vicem cho hay: “Về toà nhà (tại lô đất 8.476 m2 tại 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy, phường Mễ Trì (quận Nam Từ liêm, Hà Nội) thì trước đây Chính phủ cũng có yêu cầu, liên quan đến việc đầu tư ngoài ngành thì phải thoái vốn. Phương án thì báo cáo Bộ Xây dựng, và xin ý kiến Bộ Tài Chính… thì hồ sơ đến nay vẫn chưa xong, Vicem sẽ tập hợp lại và báo cáo Chính phủ  xin ý kiến chốt lại.

Đang có phương án chuyển nhượng quyền sử dụng đất và bán nhà trên đất, nhưng có liên quan đến phần vốn Nhà nước vì đang cổ phần hoá. Có thể để trong cổ phần hoá hay đưa ra khỏi cổ phần hoá, thì đang báo cáo Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính hướng dẫn, thì các Bộ đang yêu cầu tập hợp lại và báo cáo Chính phủ. Khi có ý kiến rồi thì Vicem mới triển khai được. Sau đó còn phải tìm các đối tác để triển khai, phải đảm bảo hiệu quả, đảm bảo phần vốn nhà nước…”.

Như vậy, có thể thấy số phận của dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem đến nay vẫn chưa rõ ràng. Nhưng có điều có thể nhìn thấy trực quan đó là phần vốn Nhà nước tại Vicem đã đầu tư ngoài ngành nay không hiệu quả, dự án đình trệ, toà tháp ngổn ngang gây mất mỹ quan đô thị.

Vậy, trách nhiệm của những người đứng đầu Vicem sẽ làm gì để vực dậy “con tàu Vicem” thoát khỏi câu chuyện lỗ - lãi, đưa ngành xi măng Việt Nam trở nên hùng cường.

Bộ Xây dựng sẽ xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan tại Vicem ra sao khi “xây dựng” lên những dự án hoành tráng, thiếu hiệu quả nguy cơ mất vốn, để rồi xong xuôi Vicem lại “xin chuyển nhượng toàn bộ dự án”.

Được biết, giữa tháng 6/2020, Đoàn kiểm tra của KTNN đã làm việc với Vicem về việc thực hiện kết luận của KTNN, vậy Vicem đã thực hiện ra sao?

Đ/c Bùi Hồng Minh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV VICEM (phải) trao Quyết định của HĐTV bổ nhiệm Tổng giám đốc VICEM cho đ/c Lê Nam Khánh (trái). Ảnh Vicem

 

Được biết, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam đã ban hành văn bản số 664/VICEM-HĐTV ngày 24/3/2020 gửi HĐQT Công ty cổ phần Xi măng Vicem Bỉm Sơn v/v kiểm tra, báo cáo về các nội dung tố cáo đối với người quản lý của công ty.

Nội dung văn bản số 664 có đoạn: Nội dung đơn tố cáo ông Nguyễn Hoành Vân – Bí thư Đảng uỷ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Vicem Bỉm Sơn về các vấn đề sau: Khai man ký lịch…Ngày 19/12/2017, ông Bùi Hồng Minh – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xi măng Bỉm Sơn ký quyết định số 3015/QĐ-XMBS về việc bổ nhiệm cán bộ. Bổ nhiệm ông Nguyễn Hoành Vân giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Bỉm Sơn kể từ ngày 19/12/2017.

Tháng 8/2018, ông Nguyễn Hoàng Vân giữ chức vụ Tổng Giám đốc. 

Trách nhiệm “kéo con tàu” khỏi lỗ - lãi

Trước câu hỏi của PV, liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu Vicem liên quan đến những tồn tại của Kết luận KTNN.

Bàn luận về nội dung này, Chánh văn phòng Vicem ông Hà Quang Hiện cho hay: "Ở góc độ người đứng đầu thì anh Minh (Bùi Hồng Minh) đang chỉ đạo khắc phục kết luận kiểm toán. 4 đơn vị từng thua lỗ thì đều có lợi nhuận cả rồi, các đơn vị mà giấy phép khai thác hết hạn thì đã có rồi, đã điều chỉnh rồi. Đối với các toà nhà, lô đất thì đã có các báo cáo, xin ý kiến để tìm phương án để xử lý. Bộ cũng có văn bản, Vicem cũng có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị có hướng dẫn và báo cáo xin ý kiến Chính phủ. Với vai trò là người đứng đầu đã chỉ đạo quyết liệt để thực hiện Kết luận Kiểm toán".

Như vậy có thể thấy, trách nhiệm của Chủ tịch HĐTV liên quan đến những vi phạm được KTNN nêu rõ trong báo cáo mới đây là rất lớn. Vậy, ông Bùi Hồng Minh sẽ làm gì để "kéo con tàu Vicem" thoát khỏi những chuyện lỗ - lãi trước khi cổ phần hoá.

Ông Bùi Hồng Minh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV VICEM phát biểu trong buổi làm việc với Vicem Bút Sơn.

Bộ Xây dựng bàn luận gì?

Tại buổi họp báo 6 tháng đầu năm 2020 của Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Phúc Hưởng - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Xây dựng) đã thông tin liên quan đến các kết luận kiểm toán đối với các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, trong 2019, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán một số doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng trong đó có Tổng Công ty Xi măng - Vicem. Riêng Vicem có 2 cuộc kiểm toán, trong đó liên quan đến xử lý tài sản Nhà nước năm 2018 và một cuộc kiểm toán kết quả tư vấn định giá giá trị doanh nghiệp để thực hiện Cổ phần hóa. 

“Đến thời điểm hiện tại, hai tổng công ty này (HUD và Vicem) đã thực hiện toàn bộ các nội dung kiến nghị, yêu cầu xử lý hành chính của kết luận kiểm toán. Xử lý thu hồi, kiểm điểm cũng đã hoàn tất”,ông Nguyễn Phúc Hưởng - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp cho hay.

Theo Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp thì tại Kết luận của KTNN liên quan đến xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa của Vicem. Theo quy định của pháp luật, sau khi tư vấn thẩm định giá xong, Bộ Xây dựng cử cơ quan chủ quản kiểm tra kết quả do tư vấn định giá đã chính xác hay chưa. Đây là việc tốt trong bước cổ phần hóa, giúp Bộ hoàn thiện cổ phần hóa trong thời gian tới.

Như vậy, theo như vị lãnh đạo Vụ Quản lý doanh nghiệp thì phía Vicem đã kiểm điểm và hoàn tất. Vậy, trách nhiệm của ông Bùi Hồng Minh – Chủ tịch HĐTV và lãnh đạo Vicem, những cá nhân có liên quan (Công ty thành viên) đã kiểm điểm ra sao và ở mức độ nào, trách nhiệm đến đâu.

Liên quan đến nội dung này, Pháp luật Plus sẽ tiếp tục cập nhật tại các bài viết sau.




 
Quang Vũ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội: Cuộc đua chưa bao giờ giảm nhiệt

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT tại Hà Nội năm học 2020-2021 sẽ diễn ra vào hai ngày 17 và 18/7/2020, được dự báo là căng thẳng bởi ngoài tỷ lệ “chọi” cao. Cùng với đó, năm học tới tiếp tục chứng kiến sức hút mạnh mẽ vào lớp 10 của các trường THPT chuyên ở Hà Nội và các trường đại học.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/bat-dong-san/vicem-kinh-doanh-ngoai-nganh-be-tac-muon-chuyen-nhuong-du-an-trung-tam-dieu-hanh-va-giao-dich-vicem-d128272.html