Vụ bé gái 22 tháng tuổi ở Bắc Giang bị đánh đập dã man: Người quản lý phải có trách nhiệm bồi thường

27/10/2021 15:11

Kinhte&Xahoi Qua sự việc bé gái 22 tháng tuổi liên tục bị bé trai lớn hơn đánh đập như phim hành động trong lớp mầm non ở Bắc Giang, chuyên gia pháp lý cho rằng, để trẻ em gây ra thiệt hại tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì người quản lý trẻ em có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, đồng thời phải chịu trách nhiệm pháp lý, bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xót xa bé gái 22 tháng tuổi bị đánh như phim hành động

 Ngày 26/10, trao đổi vớ PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về sự việc bé trai khoảng 4 tuổi liên tục tấn công một bé gái 22 tháng tuổi ở lớp mầm non Vân Vũ (xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), khiến dư luận xót xa, bức xúc trong những ngày qua, Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm: Sự việc cho thấy nguy cơ mất an toàn ở cơ sở giáo dục này, bởi vậy cơ quan chức năng cần đình chỉ hoạt động của cơ sở giáo dục này để xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật.

Bé gái 22 tháng tuổi ở Bắc Giang bị bạn đánh đập với nhiều thương tích trên cơ thể

Chắc rằng khi xem clip thì nhiều người đã phải rùng mình, xót xa bởi bé gái mới 22 tháng tuổi liên tục bị một bạn lớn hơn (3 tuổi) đấm, đạp, cắn cấu khiến cháu bé đau đớn, sợ hãi. Chưa dừng lại ở đó, bé trai còn liên tục túm tóc đập đầu bé gái vào tường, xuống sàn nhà… Cháu bé còn quá non nớt bị bạo hành như vậy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng, lâu dài đến tâm lý, sức khỏe và tâm thần; Gây thương tích trên cơ thể, tổn thương não và có thể thiệt mạng.

Để những đứa trẻ đánh nhau gây thương tích nghiêm trọng như vậy thì cần phải xem xét trách nhiệm của người quản lý, chăm sóc trẻ em. Các cháu ở độ tuổi này chưa nhận thức được việc làm của mình nên sẽ không được xác định là có lỗi, không chịu trách nhiệm pháp lý.

Tuy nhiên người quản lý, giáo dục trẻ em mà không quản lý được, để trẻ em gây ra sự việc, làm thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì người quản lý trẻ em có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại theo quy định của bộ luật dân sự, đồng thời phải chịu trách nhiệm pháp lý, trong đó có trách nhiệm kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chuyện trẻ con va chạm, đánh nhau là chuyện hết sức bình thường nhưng qua clip cho thấy hành vi đánh người của bé trai rất tàn nhẫn, chỉ có trong phim bạo lực, các trò chơi game và các đối tượng giang hồ thanh toán lẫn nhau… Cơ quan chức năng cần đưa bé gái đi chụp chiếu, thăm khám và có thể giám định thương tích để xác định hậu quả của sự việc.

Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường

Trẻ con ba tuổi thường chưa có nhận thức nhiều. Các hành động, hành vi của các cháu thường là học theo, làm theo, mô phỏng hành động của người lớn. Bởi vậy, rất có thể cháu bé trong tình huống này đã bị ảnh hưởng bởi phim ảnh, các trò chơi game… nên mới có những hành vi nguy hiểm, có khả năng gây thương tích nghiêm trọng cho bạn cùng lớp. Vì vậy cần phải có sự quan tâm đặc biệt, giám sát kịp thời của gia đình, các thầy cô giáo, đồng thời phải có định hướng giáo dục mang tính chuẩn mực, để cháu bé nhận thức được hành vi của mình.

Cần tìm ra nguyên nhân để xử lý, phòng ngừa

 Hành vi của cháu bé trong tình huống này là vô thức, chỉ là hành động có tính chất mô phỏng, làm theo. Tuy nhiên nếu không giáo dục đúng hướng, có hiệu quả, không làm cho cháu bé nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm thì cháu bé hoàn toàn có thể gây nguy hiểm cho các bạn xung quanh bất cứ lúc nào; Sẽ hình thành thói quen, nhận thức lệch lạc và có thể tạo ra một con người có nhân cách không hoàn thiện, có thể trở thành mối nguy hiểm cho xã hội.

Bởi vậy, việc tìm ra nguyên nhân, có sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt đối với cháu học sinh này là cần thiết để đảm bảo giáo dục có hiệu quả, hạn chế các hành vi tiêu cực mà cháu này sẽ gây ra cho các bạn cùng lớp.

Camera ghi lại hình ảnh bé gái bị bạn trai đánh đập dã man

Khi chứng kiến hành vi của cháu bé qua clip thì chắc hẳn các bậc phụ huynh đều thấy bất ngờ, lo sợ và rất hoang mang đối với sự việc. Bởi vậy cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc xác minh làm rõ sự việc để xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định pháp luật.

Trước tiên, cơ quan chức năng cần xem xét trách nhiệm của cơ sở giáo dục cũng như đối với giáo viên đứng lớp. Căn cứ vào tính chất, mức độ của sự việc, căn cứ vào hậu quả xảy ra và quy trình giáo dục của cơ sở này mà giáo viên quản lý lớp và cơ sở giáo dục này sẽ bị xem xét xử lý ở mức độ nghiêm khắc để phòng ngừa các sự việc tương tự có thể xảy ra.

Việc giáo viên đứng lớp thiếu trách nhiệm, không quản lý lớp dẫn đến việc học sinh đánh nhau, tai nạn hoàn toàn có thể xảy ra đối với các học sinh. Ở độ tuổi này thì ai cũng nhận thức được rằng người lớn không được rời mắt khỏi trẻ nhỏ, ở môi trường giáo dục, có đông học sinh thì nguy cơ tai nạn, rủi ro đối với các cháu sẽ cao hơn.

Bởi vậy, việc người chăm sóc, quản lý trẻ em mà thiếu trách nhiệm dẫn đến trẻ em thương tích nghiêm trọng hoặc thiệt mạng thì sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý, trong đó có thể áp dụng chế tài hình sự. Trong trường hợp xảy ra án mạng thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với giáo viên đứng lớp về hành vi thiếu trách nhiệm.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ cơ sở giáo dục này có hoạt động hợp pháp hay không? Việc tiếp nhận, chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non được thực hiện như thế nào, có đảm bảo quy trình, quy định, có đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của Nhà nước hay không?

Trường hợp cơ sở giáo dục này hoạt động chui hoặc không đủ điều kiện đảm bảo an toàn cho trẻ em thì có thể đình chỉ hoạt động, tước giấy phép hoặc có những chế tài nghiêm khắc đối với cơ sở giáo dục này để tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra.

 Thành Lộc - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/vu-be-gai-22-thang-tuoi-o-bac-giang-bi-danh-dap-da-man-nguoi-quan-ly-phai-co-trach-nhiem-boi-thuong-181379.html