Vụ hai Phó chủ tịch ở Thanh Hóa bị tống tiền: Yêu cầu bỏ tiền vào vali, đưa lên xe nhà báo

29/10/2021 08:51

Kinhte&Xahoi Trong thư gửi hai Phó chủ tịch thị xã, đối tượng yêu cầu một người chi 5 tỷ và một người chi 20 tỷ để trong vali và đưa cho nhà báo.

Liên quan đến vụ án cựu công an giả danh doanh nghiệp, dàn dựng kịch bản đưa tiền, quà rồi quay video tống tiền hai Phó chủ tịch thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa), ông Hồ Đình Tùng giao nộp một miếng cao động vật và một thư tống tiền, còn ông Trương Bá Duyên giao nộp một miếng cao động vật, 15 triệu đồng; 1.000 USD và một thư tống tiền.

Cả 2 bức thư có nội dung tương đồng về cách thức, thủ đoạn, chỉ khác nhau về số tiền. Trong thư đối tượng yêu cầu ông Tùng chi 5 tỷ đồng còn ông Duyên 20 tỷ đồng. Việc lấy tiền thông qua 2 phóng viên bằng cách cho tiền vào vali sau đó bỏ lên xe hai phóng viên này.

 Ảnh cắt từ clip.

Vụ án "Cưỡng đoạt tài sản" trên được cơ quan điều tra xác định là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra ở địa bàn trọng điểm về kinh tế, chính trị xã hội của tỉnh Thanh Hóa.

Đặc biệt, thời điểm này (tháng 5/2020) những người bị hại đang giữ những vị trí chủ chốt trong bộ máy chính quyền thị xã. Vụ án xảy ra trước thềm Đại hội Đảng các cấp đã gây dư luận xấu, ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự an toàn xã hội.

Theo cơ quan Công an thì bức thư gửi ông Trương Bá Duyên để tống tiền có nội dung: "Kính gửi anh Trương Bá Duyên. Toàn bộ hình ảnh và âm thanh 4 lần anh nhận tiền đã được thu lại trọn vẹn. Sai trái như vậy trước thềm đại hội chắc anh hiểu hậu quả hơn ai hết.

Nếu dính phốt anh khó có thể tiếp tục làm PCT (phó chủ tịch) chứ chưa nói hi vọng lên chủ tịch… Vì vậy, chúng tôi cần anh chi hỗ trợ chúng tôi 20 tỷ. Con số này tuy lớn nhưng chi để tiếp tục sự nghiệp đang phơi phới của anh thì chúng tôi tin anh đủ khôn ngoan để chấp nhận.

Thay vì việc bỏ thời gian đi tìm hiểu ai ghi hình mình "ăn" tiền doanh nghiệp, anh nên chuẩn bị tiền vì anh chỉ còn thời gian đến hết ngày thứ sáu 22/5/2020.

Sau khoảng thời gian này, hình ảnh của anh sẽ được tung lên mạng đến khi nào anh giải quyết xong việc thì thôi. Khi đó ai vô tình phát hiện được hình ảnh anh "ăn" tiền ở trên mạng rồi chia sẻ… Sau thứ 3 tới, nếu anh chưa thực hiện xong, anh cứ lên Youtube gõ: "Tĩnh Gia chọn nhầm người" sẽ có hình ảnh anh nhận tiền ở đó.

Cách anh đưa tiền cho chúng tôi như sau: Anh bỏ 20 tỷ vào một vali cỡ lớn có mật khẩu. Khi nhà báo nào đến tìm hiểu sự việc đầu tiên (đó là báo mà chúng tôi nhờ) anh tự xin họ bỏ qua rồi hẹn họ tầm mấy giờ của ngày thứ sáu (22/5) là tùy anh, nhờ họ qua cơ quan anh để anh gửi lại những gì đã nhận của người gửi đơn.

Sau đó anh hoặc thư ký của mình xách vali đó bỏ lên xe cho họ. Anh tuyệt đối không để cho họ biết trong vali có gì và có bao nhiêu. Nếu anh làm sai điều đó thì sinh mệnh chính trị của anh chấm hết…

Còn tôi khẳng định với anh ở đây không có yếu tố chính trị, không có ai đứng sau, tất cả là vì tiền. Anh chuyển tiền rồi thì mọi chuyện sẽ như không có gì xảy ra.

Anh đừng quá nghi ngờ sợ đưa tiền ra rồi liệu việc có xong không thì anh phải hiểu khi doanh nghiệp đưa tiền cho anh họ cứ vậy đưa rồi anh giúp họ đâu có mặc cả. Sau mốc thời gian trên, con số sẽ lớn hơn 20".


Trong đó, bị can Lê Xuân Hoàng giữ vai trò là người tổ chức, chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện. Hoàng cũng là người chuẩn bị tiền Việt Nam và tiền USD, cao động vật, vỏ phong bì in công ty; mua thiết bị ghi hình siêu nhỏ dạng cúc áo rồi cắt cúc áo để cài quay lén.

Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa nêu rõ, mặc dù đối tượng Lê Xuân Hoàng chưa chiếm đoạt được số tiền nêu trên nhưng hành vi của Hoàng đủ yếu tố cấu thành tội "Cưỡng đoạt tài sản" quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 170 Bộ luật hình sự.

Các bị can Lê Trần Tiến Đạt, Nguyễn Quốc Hưng, Lê Trần Sính và 2 phóng viên Phạm Văn Ân, Lê Doãn Tài đủ yếu tố cấu thành tội "Cưỡng đoạt tài sản", quy định tại khoản 1, Điều 170 Bộ luật hình sự.

 Quốc Bảo - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội hướng tới nền nông nghiệp đô thị

Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững trong bối cảnh đô thị hóa mạnh mẽ đang đặt ra những yêu cầu mới đối với Hà Nội. Để giải bài toán này, TP cần có tư duy mới trong việc tổ chức nông nghiệp đô thị cùng những giải pháp hết sức căn cơ, bài bản.

Nguồn: Pháp luật Plus