Không phải lần đầu INFRAVI cản trở SFC
Liên quan đến quản lý, vận hành nhà máy này, việc Cty Công ty cổ phần Quản lý và phát triển hạ tầng đô thị Vinh (INFRAVI) ngăn không cho người của Công ty Cổ phần đầu tư phát triển môi trường Việt Nam (SFC) tiếp cận phòng vận hành vào đầu chiều 31/5/2019 không phải lần đầu xảy ra.
Nhà máy xử lý nước thải TP Vinh
Trước đó, ngày 22/1/2015, khi nhân viên SFC đang vận hành nhà máy thì bị bảo vệ của INFRAVI đuổi ra rồi khóa cổng nhà máy. Sự việc lúc đó không chỉ người của SFC bức xúc mà còn khiến dư luận bất bình bởi cách hành xử của INFRAVI. Trước sự lên tiếng của dư luận và kiến nghị của SFC, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo UBND TP Vinh tổ chức nhiều buổi làm việc và kết thúc bằng phương án ký hợp đồng quản lý, vận hành Nhà máy từ ngày 18/6/2015 với liên danh SFC - INFRAVI. Từ đó đến trước ngày 30/5/2019, hoạt động liên danh vận hành nhà máy được phối hợp tốt.
Vậy nhưng, chiều 31/5/2019 INFRAVI lại có động thái tương tự như 4 năm trước khi lãnh đạo công ty này cùng một số cán bộ đến phòng vận hành nhà máy “mượn phòng để làm quan trắc”. Sau khi nghiệm thu quan trắc xong thì khóa cửa, không cho nhân viên SFC vào, đồng thời chuyển tủ tài liệu, thiết bị của SFC xuống tầng 1.
Theo báo cáo của INFRAVI với UBND tỉnh Nghệ An và TP Vinh, căn cứ Phụ lục Hợp đồng số 01/2018 ngày 3/4/2018 về quản lý, vận hành nhà máy được ký giữa UBND TP Vinh với liên danh SFC - INFRAVI thì ngày kết thúc hợp đồng là 31/12/2018 và thỏa thuận liên danh chấm dứt khi hợp đồng hết thời hạn. Tuy nhiên theo SFC, Khoản 3 Điều 19 Nghị định 80/2014/NĐ-CP ngày 6/8/2014 về Thoát nước và xử lý nước thải quy định “Hợp đồng quản lý, vận hành hệ thống thoát nước có thời hạn ngắn nhất là 5 năm và dài nhất là 10 năm”. Đối chiếu trường hợp này thời gian vận hành của Liên danh ít nhất phải đến ngày 17/6/2020. Việc hai bên ký hợp đồng từng năm một vì đây là tiền ngân sách, đồng thời quá trình hoạt động có sự điều chỉnh nhằm tạo thuận lợi trong việc vận hành, quản lý. Vì vậy sau từng năm, hai bên lại ký tiếp phụ lục hợp đồng như Phụ lục số 01/2018. “Chúng tôi nghĩ như mọi năm, phụ lục hợp đồng hết hiệu lực thì hai bên lại ngồi bàn ký tiếp. Ai ngờ INFRAVI không ký tiếp mà còn bất ngờ cản trở người của SFC tiếp cận phòng điều hành, chuyển đồ của SFC xuống tầng 1 và hàn cửa bịt lên tầng 2”, đại diện SFC bức xúc.
Cũng theo đại diện SFC: “Cách làm việc của INFRAVI không minh bạch đàng hoàng, bởi nếu muốn chấm dứt thì nên thông báo với chúng tôi một tiếng. Đằng này họ âm thầm loại chúng tôi theo kiểu chuyện đã rồi”.
Theo đánh giá, thắc mắc của SFC không phải là không có lý. Bởi thực tế ngày 4/4/2019, UBND TP Vinh tổ chức họp bàn chấm dứt liên danh với SFC về vấn đề hợp đồng quản lý, vận hành nhà máy. Mặc dù là một trong 2 bên liên danh được UBND TP Vinh ký hợp đồng để quản lý vận hành, nhưng thành phần dự họp chỉ có mặt INFRAVI chứ không hề có SFC. Tiếp đó, INFRAVI ngày 10/5/2019 có văn bản báo cáo với UBND tỉnh Nghệ An xin chấm dứt hợp đồng với liên danh SFC. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Nghệ An ngày 15/5/2019 có văn bản giao UBND TP Vinh lựa chọn đơn vị quản lý và vận hành nhà máy theo đúng quy định của pháp luật.
Đấu thầu – phương án tối ưu
Thực tế cho thấy, INFRAVI đã hai lần cản trở SFC tham gia vận hành nhà máy và ngay như báo cáo của INFRAVI cũng như ý kiến của UBND TP Vinh đều thể hiện việc liên danh giữa hai công ty để quản lý, vận hành vẫn còn bất cập, vướng mắc.
Các chuyên gia cho rằng, trường hợp này đang có hai đơn vị quan tâm nên cần phải tổ chức đấu thầu để chọn đơn vị quản lý, vận hành nhằm chọn đơn vị có chuyên môn, năng lực kinh nghiệm và tiết kiệm chi phí. Việc đấu thầu còn thể hiện sự phù hợp với ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An khi Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa ngày 15/5/2019 ký văn bản “giao UBND TP Vinh lựa chọn đơn vị quản lý và vận hành nhà máy theo đúng quy định pháp luật”.
Đối chiếu với pháp luật, Điều 17 Nghị định 80/2014/NĐ-CP quy định: “Việc lựa chọn đơn vị thoát nước tuân thủ theo quy định pháp luật hiện hành về cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích”. Việc lựa chọn đơn vị cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13; Nghị định 63/2014/NĐ-CP; Nghị định 130/2013/NĐ-CP và Nghị định 32/2019/NĐ-CP đều quy định thực hiện đấu thầu.
Thực tế cho thấy, đấu thầu vận hành giúp chọn được đơn vị có chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm giúp làm chủ được công nghệ, đảm bảo tuổi thọ công trình, tiết kiệm chi phí vận hành hơn so với công tác đặt hàng.
Như vậy, việc quyết định áp dụng hình thức đấu thầu để lựa chọn đơn vị quản lý, vận hành là có căn cứ, cơ sở pháp lý, nhằm chọn được đơn vị có chuyên môn, năng lực và kinh nghiệm để giảm thiểu các hỏng hóc trong quá trình vận hành như thời gian vừa qua, giúp giảm thiểu chi phí sửa chữa hỏng hóc do năng lực vận hành không đáp ứng; đảm bảo an toàn, ổn định vận hành nhà máy bảo vệ môi trường; phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về minh bạch, xã hội hóa các dịch vụ công ích đảm bảo quyền lợi người dân.
Theo Pháp luật Plus