Vựa lúa lớn nhất nước - Sông cạn trơ đáy, lúa chết trơ gốc!

31/03/2020 10:36

Kinhte&Xahoi Hạn, mặn ở ĐBSCL năm nay xuất hiện sớm đã làm hàng chục ngàn héc ta lúa chết rụi, hàng trăm ngàn héc ta cây ăn trái, hoa màu đang héo rũ, ước tính có đến 160.000 hộ dân thiếu nước ngọt...

Nước mặn tràn vào ruộng ruộng lúa của người dân ở ấp Tân Quy A, xã Tân Hưng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng

Hiện đã có 12/13 tỉnh thành thuộc miền Tây chịu ảnh hưởng, thiệt hại vì hạn hán, xâm nhập mặn. Trong đó, tỉnh Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau, Long An đã công bố tình huống hạn mặn khẩn cấp.

Một số tỉnh như Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, chịu thiệt hại và ảnh hưởng của hạn, mặn nặng nề nhất. Nhiều hộ dân ở Bến Tre, Tiền Giang phải bỏ ra hàng trăm ngàn đồng để mua 1m3 nước ngọt phục vụ sinh hoạt và tưới vườn cây ăn trái. Nhiều vườn cây lâu năm như sầu riêng, chôm chôm, khô héo vì thiếu nước ngọt.

Ruộng lúa của người dân huyện Long Phú, Sóc Trăng chết trơ gốc

Tại Cà Mau, hạn mặn ảnh hưởng trên toàn tỉnh, hàng ngàn người dân thiếu nước ngọt. Toàn tỉnh có hơn 20.800 hộ gia đình bị thiếu nước ngọt sinh hoạt, phần lớn tập trung ở các huyện như U Minh, Trần Văn Thời, huyện Đầm Dơi…

Nhiều hộ dân địa bàn ven biển phải chắt chiu từng giọt nước ngọt. Hạn hán còn làm nhiều tuyến đường ở Cà Mau bị sụt lún nghiêm trọng, khiến giao thông đi lại hết sức khó khăn.

Người nông dân ngồi bần thần giữa ruộng lúa nứt nẻ

Lúa chết cháy.

... đành để cho bò ăn.

Theo Chi cục Trồng trọt tỉnh Sóc Trăng, mùa khô năm nay, địa phương này có hơn 3.000 ha lúa bị thiệt hại nặng nề. Còn lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cho biết, diễn biến hạn mặn trong mùa khô 2019 - 2020 phức tạp và nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của các địa phương nằm ở hạ lưu sông Tiền.

Tỉnh này cũng đã yêu cầu các cấp, các ngành, trong tỉnh lãnh đạo tốt công tác phòng chống hạn mặn với những giải pháp đối phó thích hợp và hữu hiệu trên tinh thần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; kiên quyết không để thiên tai gây ra thiệt hại cho sản xuất và đời sống của người dân, tạo niềm tin của nhân dân đối với các chủ trương, biện pháp ứng phó tích cực và chủ động của chính quyền các cấp.

Những con kênh ở Tiền Giang cạn trơ đáy.

PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu Trường Đại học Cần Thơ cho biếtmùa khô năm 2020 đang nóng hơn mọi năm ở vùng ĐBSCL. Giữa mùa mưa 2019, nhiều nhà khoa học ở vùng châu thổ đã khuyến cáo vụ canh tác Đông Xuân 2019-2020 sẽ thiếu nước nghiêm trọng, có nhiều khả năng vượt kỷ lục hạn, mặn năm 2016. Điều dự báo này thấy rất sớm, ngay từ tháng 12/2019 khi mùa mưa vừa chấm dứt, nước mặn có nồng độ 4g/l đã đi sâu vào sông Hàm Luông (Bến Tre) tới 57km (từ ngày 12-15/12/2019). Mức nhiễm mặn sâu này đã vượt 17km so với năm 2015.

Đến ngày 16/2/2020, dòng nước mặn 4g/l theo đợt triều cường đã đi vào sông Hàm Luông đến 75km. Tương tự, các nhánh sông Cửu Long đổ ra biển Đông và các sông đổ ra Biển Tây, mặn đã đi vào rất sâu.

 Đất ở đáy sông nứt toác
Kênh Tham Thu, ngay trạm bơm Bình Phan, xã Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) gần 2 tháng qua cạn trơ đáy

Ông Tuấn cũng cho biết, xâm nhập mặn năm 2020 có 3 đặc điểm lưu ý: thứ nhất mặn đến sớm hơn (gần 1 tháng); thứ 2, mặn đi vào nội địa sâu hơn (từ 2-11 km, tính đến thời điểm hiện nay); thứ 3, nồng độ mặn cao hơn ở các điểm đo vùng ven biển.

TP Cần Thơ là địa phương gần như không bị nhiễm mặn trong quá khứ gần 300 năm nay. Tuy nhiên, năm 2016, nước mặn có nồng độ 2 phần ngàn (2‰) chạm đến quận Cái Răng, thì ngày 10/2/2020 vừa qua, nước mặn đo được tại Cảng Cái Cui (quận Cái Răng) là 3,5 ‰. Nguy cơ xâm nhập mặn sẽ tiếp tục gia tăng trong những tháng tới.

Trước tình hình hạn mặn khốc liệt, ông Tuấn khuyến cáo, các địa phương không nên tính đến chuyện ồ ạt “giải cứu” cây trồng do hạn, mặn vì việc này chỉ tốn thêm nguồn nước, kinh phí, năng lượng, công sức mà hiệu quả và sản lượng sẽ không đáng kể, thậm chí mất trắng.

Nguồn nước còn lại nên ưu tiên để dành cho việc cấp nước sinh hoạt, nếu còn thừa thì dùng cho chăn nuôi (trâu, bò, heo, gà). Cần giúp người dân nâng cao ý thức trong việc bảo vệ chất lượng nước, hạn chế việc khoan rút nước ngầm.

Người dân miền Tây đang khóc ròng vì hạn, mặn
Sông cạn trơ đáy nên tàu thuyền ngừng hoạt động

Bên cạnh đó nên tập trung kinh phí hoặc vốn dự phòng phòng chống thiên tai để làm vùng trữ nước trong nội đồng, mương vườn, các bồn trữ nước cho cộng đồng. Không nên vì những khó khăn hiện nay mà đầu tư xây dựng những công trình quá lớn như cống, đập chặn sông, vừa lãng phí, kém hiệu quả và tác hại lớn cho môi trường, tính đa dạng sinh học.

Việc tiếp tục đầu tư hệ thống cảnh báo sớm và mạng lưới thông tin đến cộng đồng là cần thiết… Thực tế, lịch sử hàng trăm năm qua cho thấy, người dân nơi đây đã biết chủ động thích ứng tự nhiên, tôn trọng quy luật tự nhiên theo điều kiện thực tế.

Người dân ven biển dùng lu, khạp, ao, đìa… để trữ nước ngọt mùa mưa dùng cho mùa khô. Trong một số tiểu vùng bị hạn mặn nghiêm trọng vẫn có nhiều nông dân “né hạn” nhờ chủ động lịch thời vụ, sử dụng giống ngắn ngày, có những rẫy màu chủ động nước tưới, tránh được thiệt hại. Đó cũng là cách mà người đồng bằng đã hiện thực hóa thành công triết lý “sống chung với lũ, vượt lên đỉnh lũ”.



 

 




 


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Phó Thủ tướng - Trưởng BCĐ phòng chống Covid-19 Vũ Đức Đam: Hà Nội phối hợp làm rất tốt!

Nguy cơ lây nhiễm đối với những người ngồi cùng chuyến bay, những người trong gia đình, hàng xóm và những người có tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm Covid19 sẽ ở mức độ nào? Bộ Y tế đã giải đáp chi tiết trong cuộc họp mới nhất. Cùng với đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống Covid-19 - cũng nhận xét: Hà Nội phối hợp làm rất tốt!

https://dantri.com.vn/xa-hoi/vua-lua-lon-nhat-nuoc-song-can-tro-day-lua-chet-tro-goc-20200329225711132.htm