Xây dựng Nông thôn mới - phong trào thi đua thiết thực nhất ở ngoại thành

08/05/2020 17:43

Kinhte&Xahoi Sáng 7/5, Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đã tổ chức họp giao ban đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện phát triển nông nghiệp, xây dựng Nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân và chương trình OCOP đến hết tháng 4/2020, nhiệm vụ giải pháp đến hết năm 2020.

Tập trung thực hiện nhiệm vụ “kép”

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội chủ trì Hội nghị. Cùng dự có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu và các đồng chí đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội chủ trì Hội nghị giao ban đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình số 02 của Thành ủy và Chương trình mỗi xã một sản phẩm

Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng Nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020”, đồng chí Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: Phát huy những kết quả đạt được năm 2019, ngay từ đầu năm 2020, Ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy, UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các Sở, ban ngành thành phố; Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã tập trung tổ chức triển khai thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy và Kế hoạch số 188/KH-UBND của UBND thành phố.

Về công tác phát triển sản xuất nông nghiệp, theo số liệu của Cục Thống kê thành phố Hà Nội, tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp quý I/2020 giảm 1,17% so với cùng kỳ (trong đó tăng trưởng giá trị sản xuất trồng trọt giảm 0,6%, chăn nuôi giảm 2,83%, thủy sản tăng 7,3%).

Toàn cảnh Hội nghị giao ban đánh giá kết quả thực hiện xây dựng Nông thôn mới và chương trình mỗi xã một sản phẩm

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, nguyên nhân chính gây giảm tăng trưởng là do dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện từ tháng 2/2019 đến tháng 2/2020 mới được khống chế, kiểm soát dẫn đến sản lượng thịt lợn hơi quý I/2020 chỉ đạt khoảng 51 nghìn tấn, giảm 41,20% so với cùng kỳ.

Cùng với đó, diện tích gieo trồng cây vụ đông giảm chủ yếu do tính hiệu quả kinh tế trong sản xuất không cao so với làm thuê thời vụ cho các ngành phi nông nghiệp nên người dân đã không tập trung sản xuất. Một số địa phương có ngành nghề phụ, gần các điểm sản xuất công nghiệp đã thu hút lượng lao động lớn làm công nhân nên thiếu hụt lao động trong sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên người dân mua sắm tối thiểu nhu yếu phẩm thiết yếu nên cũng ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng của ngành.

Về công tác xây dựng Nông thôn mới, đến nay thành phố có 6 huyện được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai và Gia Lâm. Ngoài ra đoàn thẩm tra của thành phố đã tiến hành thẩm định thị xã Sơn Tây đủ điều kiện, đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND thành phố xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới năm 2019.

Về công tác nâng cao đời sống nhân dân, trong giai đoạn vừa qua, đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2019 đạt 51,5 triệu đồng/người/năm.Trong đó, một số huyện có thu nhập bình quân đầu người cao như Thạch Thất (63 triệu đồng/người/năm); Đông Anh (60 triệu đồng/người/năm); Hoài Đức (55 triệu đồng/người/năm)...

Công tác đảm bảo an sinh xã hội nói chung, thực hiện chính sách giảm nghèo nói riêng luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành. Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 1,81% xuống còn 0,69%. Trong đó, nhiều huyện không còn hộ nghèo như: Đông Anh, Gia Lâm. Một số huyện có tỷ lệ hộ nghèo thấp như Hoài Đức 0,05%; Đan Phượng 0,14%; Quốc Oai 0,22%...

Về kết quả thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, trong 4 tháng đầu năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng, lấy ý kiến và ban hành hướng dẫn tạm thời về quản lý, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận OCOP vào tem, nhãn các sản phẩm tham gia Chương trinh mỗi xã một sản phẩm của thành phố.

Tính đến hết năm 2019, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thành phố đã tổ chức đánh giá, xếp hạng đối với 301 sản phẩm. Trong đó có 6 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP quốc gia; 207 sản phẩm đạt 4 sao; 88 sản phẩm đạt 3 sao...

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu phát biểu tại hội nghị

Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành uỷ và Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn huyện Phúc Thọ, đồng chí Nguyễn Đình Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ cho biết: Trong 4 tháng đầu năm 2020, mặc dù chịu nhiều tác động của dịch bệnh Covid-19 nhưng UBND huyện đã tập trung đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo hướng sâu sát, quyết liệt, rõ trách nhiệm; cùng với sự nỗ lực của nhân dân nên tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn chuyển biến tích cực.

Công tác xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn huyện Phúc Thọ tiếp tục được triển khai tích cực. An sinh xã hội được đảm bảo; công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt; công tác giảm nghèo được quan tâm. Sự nghiệp văn hóa, giáo dục tiếp tục phát triển.

Trong thời gian tới, huyện Phúc Thọ sẽ xây dựng chuỗi liên kết, sản xuất, chăn nuôi hữu cơ, tái đàn lợn an toàn gắn với công tác phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, huyện sẽ triển khai mô hình bảo quản chuối tại xã Vân Nam và quy hoạch vùng trồng bưởi Phúc Thọ tại xã Vân Hà, đưa vào hình thành HTX bưởi Tam Vân. Trong quý III, huyện sẽ tập trung chỉ đạo gieo trồng vụ mùa và chăm sóc, phòng chống dịch bệnh. Quý IV, huyện chỉ đạo các xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung vào sản xuất rau an toàn

Đẩy mạnh các giải pháp phát triển nông nghiệp, xây dựng Nông thôn mới

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, thành phố đang thực hiện nhiệm vụ kép vừa bảo đảm các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng chống dịch bệnh. Đối với nông nghiệp, để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, Hà Nội tập trung tái đàn vật nuôi, đặc biệt là đàn lợn. Tuy vậy, các địa phương cần đặc biệt lưu ý đến công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; phòng, chống lụt bão... 

Kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định: Mặc dù quý I/2020, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố gặp nhiều khó khăn song đáng mừng là các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp vẫn tăng.

Về công tác xây dựng Nông thôn mới, dù còn khó khăn song thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm, ưu tiên kinh phí đầu tư cho xây dựng Nông thôn mới. Ước tính, tổng kinh phí huy động thực hiện chương trình Nông thôn mới từ đầu năm 2016 đến hết tháng 4/2020 là 56.096,5 tỷ đồng (tăng 11.379,5 tỷ đồng so với cuối năm 2019).

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy phát biểu kết luận Hội nghị

Bên cạnh kết quả đã đạt được, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cũng chỉ ra một số hạn chế trong xây dựng Nông thôn mới như: Tiến độ điều chỉnh quy hoạch Nông thôn mới tại một số địa phương còn chậm; công tác vệ sinh môi trường nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức; thu nhập và đời sống của một bộ phận nông dân vùng xa trung tâm, vùng đồng bào dân tộc... còn khó khăn. Ở các huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa, tỷ lệ hộ nghèo còn cao...

Nhấn mạnh nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu: “Các huyện, thị xã phải coi xây dựng Nông thôn mới là phong trào thi đua thiết thực nhất ở ngoại thành, lập thành tích chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ các cấp. Các huyện, thị xã đã tích cực với chương trình Nông thôn mới cần tích cực hơn, phải quyết tâm cao và vào cuộc quyết liệt”.

Đối với phát triển nông nghiệp, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai ngay gói hỗ trợ 700 tỷ đồng “kích cầu” nông nghiệp; triển khai phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt của thành phố; tập trung tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển thị trường, tạo cơ hội mới cho kinh tế nông nghiệp.

Các huyện, thị xã dựa trên tiềm năng, lợi thế của địa phương để xây dựng sản phẩm nông nghiệp đặc trưng; có giải pháp căn cơ, bền vững, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất... để bảo đảm tăng trưởng ngành Nông nghiệp đạt 4,12% năm 2020.

Về xây dựng Nông thôn mới, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị các địa phương tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về chương trình này. Thành phố tập trung phấn đấu để 100% số xã hoàn thành Nông thôn mới trong năm 2021, trong đó, năm 2020 phải đạt 20 xã.

Đối với nâng cao đời sống nông dân, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu các địa phương phải tập trung vào tiêu chí môi trường, xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp; đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến công, tạo việc làm cho lao động nông thôn; đẩy nhanh tiến độ chương trình giảm nghèo; hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; vận động nhân dân sử dụng nước sạch đối với các vùng đã có mạng lưới nước sạch... 

Nhấn mạnh phát triển Chương trình OCOP nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương phải nâng cao vai trò trách nhiệm, hỗ trợ các sản phẩm nông sản, làng nghề của địa phương xây dựng OCOP.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện Chương trình OCOP năm 2020 để đến cuối năm, Hà Nội có 1.000 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng.

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/xay-dung-nong-thon-moi--phong-trao-thi-dua-thiet-thuc-nhat-o-ngoai-thanh-d2083419.html