Xem xét một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ

04/01/2022 15:22

Kinhte&Xahoi Sáng 4/1, tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội đã nghe tờ trình của Chính phủ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

Quang cảnh phiên họp

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 59-NQ/TƯ ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển thành phố Cần Thơ nhanh và bền vững, phấn đấu thực hiện mục tiêu của Bộ Chính trị đã đề ra.

Về mức dư nợ vay, thành phố Cần Thơ được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp.

Về tỷ lệ bổ sung có mục tiêu, hằng năm ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách Trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao (sau khi thưởng vượt thu theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước) và các khoản thu ngân sách Trung ương hưởng 100% quy định nhưng không vượt quá tổng số tăng thu ngân sách Trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước và ngân sách trung ương không hụt thu.

HĐND TP quyết định áp dụng trên địa bàn thành phố phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; Điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, trừ án phí, lệ phí Tòa án; Ngân sách thành phố được hưởng 100% số thu tăng thêm.

Các dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An – Cần Thơ bảo đảm chuẩn tắc luồng hàng hải cho tàu có trọng tải từ 10.000 tấn trở lên ra vào các cảng của thành phố Cần Thơ và có quy mô vốn từ 500 tỷ đồng trở lên được áp dụng các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư. Cụ thể, áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm đối với thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư; Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư; Miễn tiền thuê đất trong 15 năm và giảm 50% tiền thuê đất cho thời gian còn lại đối với diện tích đất để đổ chất nạo vét của dự án.

Đối với Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ là khu vực có ranh giới địa lý xác định được Thủ tướng Chính phủ thành lập phù hợp với các quy hoạch có liên quan, để thu hút các dự án đầu tư trong các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, sản xuất, chế biến và cung ứng dịch vụ, xuất khẩu nông, thủy sản. Các doanh nghiệp có dự án đầu tư tại Trung tâm được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hải quan và thủ tục về thuế theo quy định của pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được sản xuất, sơ chế, chế biến tại Trung tâm khi đáp ứng đủ một số điều kiện.

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, việc ban hành Nghị quyết sẽ tạo cơ chế thu hút đầu tư, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng thành phố Cần Thơ thành trung tâm phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước trong thời gian tới. Việc ban hành chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ cũng bảo đảm tính tương đồng với một số địa phương vừa được Quốc hội cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù.

Về việc cho phép thành phố Cần Thơ được vay không quá 60% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp, cần cân nhắc vì thực tế thời gian qua chưa địa phương nào vay được tối đa theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Do đó, việc quy định nội dung này chỉ mang tính hình thức.

Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ, để bảo đảm phát huy tối đa hiệu quả, đề nghị trước khi triển khai các dự án cụ thể, cần đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội gắn với quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Đặc biệt cần đánh giá đầy đủ tác động môi trường; Chế độ dòng chảy, bồi lắng trầm tích, địa hình đáy sông, sự tương tác giữa các yếu tố tác động thủy động lực học có thể dẫn đến gia tăng tình trạng xói mòn, sạt lở, bồi lắng bùn cát…; Đề xuất giải pháp khắc phục tối đa tác động tiêu cực môi trường đối với luồng hàng hải Định An - Cần Thơ gắn với ứng phó biến đổi khí hậu.

Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ, Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện ngay sau khi được Quốc hội thông qua để cụ thể hóa quy định tại Nghị quyết trên nguyên tắc chặt chẽ, đúng đối tượng, công khai, minh bạch về phạm vi và các điều kiện ưu đãi; Quy định danh mục dự án được đầu tư vào Trung tâm; Làm rõ tính tuân thủ các cam kết quốc tế; Có chính sách tiêu thụ trong nước đối với sản phẩm sản xuất tại Trung tâm…

 Hạnh Nguyên - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Trường học ở Hà Nội dạy học linh hoạt, ứng phó với cấp độ dịch Covid-19

Ngày 3-1-2022, thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Sở đã gửi thông báo tới các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã; các trường trung học phổ thông và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thuộc thành phố Hà Nội yêu cầu tổ chức dạy học linh hoạt, thích ứng với cấp độ dịch Covid-19 tại địa bàn.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/xem-xet-mot-so-co-che-chinh-sach-dac-thu-phat-trien-thanh-pho-can-tho-187219.html