Xem xét nhân rộng mô hình khám sức khỏe toàn dân tới các địa phương của Hà Nội

15/05/2023 14:44

Kinhte&Xahoi Sáng 15-5, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với huyện Mê Linh tổ chức “Phát động chương trình khám, quản lý sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn huyện Mê Linh năm 2023”.

Dự lễ phát động có các đồng chí: Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 08 của Thành ủy Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương cùng lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố…

Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại lễ phát động.

Chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc

Theo báo cáo của UBND huyện Mê Linh, chương trình khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho người dân huyện Mê Linh có ý nghĩa nhân văn sâu sắc và thiết thực trong công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe cho người dân. Hoạt động này được triển khai từ ngày 24-4 đến hết tháng 5-2023, với sự tham gia của hơn 400 y, bác sĩ đến từ 15 bệnh viện trung ương và thành phố Hà Nội. Ngoài ra, huyện Mê Linh còn huy động gần 1.000 đoàn viên, thanh niên, hội viên các đoàn thể, giáo viên, tình nguyện viên tham gia hỗ trợ.

Trong đợt này, huyện Mê Linh tổ chức khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho hơn 180 nghìn người dân (chiếm khoảng 75% dân số toàn huyện). Trong đó, có 5 đối tượng được khám và tư vấn, quản lý sức khỏe, gồm: Trẻ em dưới 5 tuổi; học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông; người cao tuổi, hưu trí; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước và người dân lao động tự do.

Kiểm tra, động viên cán bộ, y, bác sĩ tại buổi khám sức khỏe.

Người dân được các y, bác sĩ đo huyết áp, nhịp thở, thị lực; khám nội tổng quát: Tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu, cơ xương khớp, thần kinh, tâm thần; khám cận lâm sàng đối với các trường hợp cần thiết có chỉ định; siêu âm ổ bụng tổng quát theo chỉ định của bác sĩ... Sau khám, bác sĩ kết luận tình trạng sức khỏe cho từng người và tổ chức nhập dữ liệu sức khỏe vào phần mềm; hướng dẫn người dân tải app, cài đặt phần mềm theo dõi tình trạng sức khỏe trên điện thoại thông minh.

 Sau 20 ngày triển khai chương trình, huyện Mê Linh đã tổ chức khám, thiết lập hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cho 41.352 người tại các xã, thị trấn. Riêng trong ngày 15-5, tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao Mê Linh, các y, bác sĩ khám cho khoảng 500 người. Dự kiến đến ngày 31-5, huyện sẽ hoàn thành khám sức khỏe và thiết lập hồ sơ sức khỏe cho hơn 180.000 người dân trong đợt này. Đặc biệt, toàn bộ nguồn kinh phí hơn 20 tỷ đồng được huyện kêu gọi hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

Xem xét nhân rộng mô hình ra các quận, huyện, thị xã

Phát biểu tại lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, huyện Mê Linh đã đi trước, đón đầu trong công tác chăm sóc sức khỏe toàn dân. Sau lần khám này, đề nghị huyện Mê Linh tiếp tục nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, nhất là các đối tượng người già, trẻ em, các đối tượng yếu thế, tiến tới 100% người dân trên địa bàn được khám sức khỏe ít nhất 1 lần/năm.

Lãnh đạo Bộ Y tế và thành phố Hà Nội tặng quà cho người dân đến khám sức khỏe.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, trong những năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND và các cấp, ngành của thành phố đã quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt công tác an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Thành phố xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, là yêu cầu cấp thiết để bảo đảm sự phát triển bền vững, tiến bộ, công bằng xã hội, thể hiện truyền thống nhân ái, cao đẹp của dân tộc ta.

Xuất phát từ ý nghĩa đó, Thành ủy khóa XVII đã ban hành 10 Chương trình công tác, trong đó có Chương trình số 08 về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025” với 27 chỉ tiêu, 12 nhiệm vụ và 5 nhóm giải pháp trọng tâm, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, liên quan trực tiếp đến cuộc sống của nhân dân Thủ đô.

“Đây là hoạt động hết sức thiết thực, ý nghĩa trong công tác bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế trên địa bàn huyện; kịp thời phát hiện, tư vấn, phân luồng điều trị các trường hợp mắc bệnh, tư vấn chăm sóc sức khỏe, lập hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cho nhân dân; giảm tải công tác khám, chữa bệnh cho các cơ sở y tế tuyến trên”, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

Để chương trình khám, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn huyện Mê Linh đạt hiệu quả cao, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị, huyện Mê Linh tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch công tác khám, quản lý, chăm sóc sức khỏe nhân dân bảo đảm thiết thực, ý nghĩa; thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Quá trình thực hiện, huyện đánh giá, rút kinh nghiệm, báo cáo Ban Chỉ đạo Chương trình 08 Thành ủy, Sở Y tế kết quả thực hiện. Trên cơ sở đó, thành phố sẽ xem xét nhân rộng mô hình này tới các địa phương khác của Hà Nội.

 
Các bác sĩ khám sức khỏe cho người dân.

Chủ tịch HĐND thành phố cũng đề nghị đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ của các bệnh viện tuyến trung ương, các bệnh viện của Hà Nội phát huy tinh thần y đức người thầy thuốc, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền huyện Mê Linh tổ chức tốt công tác khám sức khỏe cho nhân dân, tư vấn điều trị kịp thời các trường hợp phát hiện bệnh.

Cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội huyện Mê Linh cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để nhân dân biết và tham gia chương trình ý nghĩa này; bảo đảm tối đa người dân được thụ hưởng các chính sách của Nhà nước về y tế và chăm sóc sức khỏe.

Hoàng Sơn - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Hà Nội mới http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Suc-khoe/1064277/xem-xet-nhan-rong-mo-hinh-kham-suc-khoe-toan-dan-toi-cac-dia-phuong-cua-ha-noi