Xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng: Thấp thỏm trước giờ G!

21/02/2022 11:02

Kinhte&Xahoi Nếu không có đại dịch COVID-19 thì Nghị quyết 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) có thể sẽ hoàn thành sứ mệnh vào ngày 15/8 tới. Thời điểm Nghị quyết 42 hết hiệu lực đang đến gần trong khi câu chuyện nợ xấu vẫn đang là nỗi lo không chỉ với ngành ngân hàng.

Xử lý nợ xấu đạt những kết quả tích cực

Tại hội thảo “Cần Luật hoá Nghị quyết 42 để giải bài toán xử lý nợ xấu ngân hàng” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp với Báo Lao động tổ chức mới đây, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký VNBA đánh giá, Nghị quyết 42 đã tác động đến nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19.

“Nghị quyết 42 đã phá tan “cục máu đông” nợ xấu, đưa dòng vốn luân chuyển vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Từ đó đã tạo tiềm lực cho các TCTD đổi mới ứng dụng công nghệ, chuẩn bị trước một bước cho giai đoạn tiếp theo.

Do đó, khi dịch COVID-19 xảy ra, các TCTD đã chủ động vượt qua khó khăn, tích luỹ lợi nhuận và đầu tư bổ sung công nghệ” - ông Hùng nhận định.

Cũng theo Tổng thư ký VNBA, kể cả trích lập dự phòng rủi ro (DPRR) 30% nhưng trong năm 2021, tình hình tài chính của các TCTD vẫn rất khả quan. “Nguồn thu chính của nhà băng không chỉ đến từ tín dụng mà còn từ những hoạt động dịch vụ và đổi mới công nghệ.

Ảnh minh họa.

Các TCTD trở thành ví của người dân và tận dụng tối ta tiền gửi tăng vượt bậc trong năm 2021 và đầu 2022. Tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) của các ngân hàng lên đến 40 - 45% là điều không tưởng cách đây chục năm. Những điều này đã cho thấy Nghị định 42 hiệu quả như thế nào” - ông phân tích.

Tính đến cuối năm 2021, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được trên 1.300 nghìn tỷ đồng nợ xấu (Giai đoạn 2012-2015 xử lý được 493,1 nghìn tỷ đồng; giai đoạn 2016-2021 xử lý được trên 800 nghìn tỷ đồng); Tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 của toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được khoảng 368,9 nghìn tỷ đồng (không bao gồm nợ xấu xử lý bằng sử dụng DPRR).

Số nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 được xử lý thu hồi trong giai đoạn từ 15/8/2017 đến cuối năm 2021 đạt trung bình khoảng 6,92 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 3,94 nghìn tỷ đồng/tháng so với giai đoạn trước khi có Nghị quyết 42 (2012 - 2017).

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD trong giai đoạn 2016-2021 được duy trì dưới mức 3%. “Nếu không có dịch COVID-19, tỷ lệ nợ xấu sẽ đạt được mục tiêu như Nghị quyết đề ra” - Tổng thứ ký VNBA nói.

TS Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV không ngạc nhiên khi tỷ lệ nợ xấu toàn ngành ngân hàng tăng mạnh kể từ năm 2020 và dự kiến sẽ còn tăng trong giai đoạn tới. “Trên thực tế, để ứng phó với diễn biến tiêu cực của nợ xấu, các TCTD đã chủ động phân loại nợ, trích lập DPRR (tỷ lệ bao phủ nợ xấu bình quân của 28 ngân hàng thương mại niêm yết và Agribank - chiếm khoảng 80% thị phần tổng tài sản đã tăng lên mức 150% cuối năm 2021, là mức cao nhất từ trước tới nay), song không thể phủ nhận nợ xấu vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, gánh nặng đối với hệ thống TCTD là không nhỏ, đặc biệt áp lực xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD kể từ quý III/2022 là rất lớn” - Chuyên gia này phát biểu.

Gia hạn hay luật hóa Nghị quyết 42?

“Trong điều kiện Nghị quyết 42 sắp hết hiệu lực, áp lực nợ xấu đang ngày một hiện hữu, việc gia hạn Nghị quyết 42 và tiến tới luật hóa Nghị quyết 42 là những bước đi cần thiết” - Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật ANVI quả quyết. Theo Luật sư Đức, cần phải kéo dài Nghị quyết 42 nếu chưa kịp ban hành Luật. “Không phải vì ngân hàng mà vì cả nền kinh tế…”- Luật sư nhấn mạnh.

Tuy nhiên, sau gần 5 năm trển khai Nghị quyết 42, nhiều bất cập đã phát sinh đòi hỏi cần có sự điều chỉnh. Theo Tổng thư ký VNBA Nguyễn Quốc Hùng, có 5 vướng mắc lớn hiện nay gồm: Vướng mắc trong thu giữ tài sản bảo đảm (TSBĐ); Vướng mắc trong áp dụng thủ tục rút gọn; Vướng mắc trong việc xác định thứ tự ưu tiên thanh toán từ tiền bán/phát mại TSBĐ; Khó khăn về nhận lại TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự; Vướng mắc trong nguyên tắc áp dụng pháp luật về xử lý nợ xấu, xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu...

Theo TS Cấn Văn Lực, có 6 lý do đáng để cân nhắc gia hạn Nghị quyết 42: Thứ nhất, tác động, hiệu quả của Nghị quyết 42 là rất tích cực, rõ nét; Thứ hai, còn một số vướng mắc chính khi thực hiện Nghị quyết 42 trong thời gian qua; Thứ ba, nợ xấu là vấn đề liên tục, hiện hữu của ngành ngân hàng và có xu hướng gia tăng; Thứ tư, Nghị quyết 42 sẽ góp phần cải thiện, tăng hiệu lực, hiệu quả của thể chế, một trong 3 đột phá chiến lự; Thứ năm, về trách nhiệm quốc tế, đây là lúc rà soát các quy định pháp luật về kinh doanh, quản lý và xử lý nợ xấu; Thứ sáu, xử lý bất cập, tăng hiệu quả xử lý nợ xấu.

Chuyên gia này cũng nhấn mạnh, các giải pháp mạnh mẽ để xử lý triệt để nợ xấu, đặc biệt các giải pháp liên quan đến khung pháp lý, cần phải được đặc biệt chú trọng trong năm 2022 để nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu, tránh tình trạng nợ xấu cũ chưa được xử lý, nợ xấu mới gia tăng nhanh hơn, nhằm tháo gỡ rủi ro tiềm tàng cho nền kinh tế.

 Thanh Thanh - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Các khu di tích Hà Nội tăng cường phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn cho du khách

Ngay sau khi có thông tin thành phố Hà Nội cho phép mở cửa trở lại các khu di tích, danh thắng trên địa bàn thành phố, đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của người dân Thủ đô và du khách thập phương. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, ngành Văn hóa cùng các đơn vị liên quan đã triển khai các biện pháp tăng cường phòng chống dịch COVID-19.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/tai-chinh/xu-ly-no-xau-cac-to-chuc-tin-dung-thap-thom-truoc-gio-g-d176821.html