Xuất khẩu lao động: Thận trọng khi đặt tiền cọc

23/01/2019 08:53

Kinhte&Xahoi Sau khi thu tiền cọc của người lao động, vị tự giới thiệu là Trưởng phòng Tuyển dụng lại thông báo "không được đi XKLĐ do Công ty bên Nhật phá sản" và chây ì hoàn lại tiền.

Tiền nộp dễ… khó đòi!

Trong đơn đề nghị gửi cơ quan báo chí, lao động N.H.H. (Hà Nội) cho biết: Qua sự giới thiệu của người quen, tháng 4/2018 anh H. có đến địa chỉ tại tòa nhà Sông Đà, đường Phạm Hùng, phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội gặp Nguyễn Đức Toàn - trong danh thiếp ghi là Trưởng phòng Tuyển dụng của Công ty cổ phần TMS Nhân lực để làm các thủ tục chuẩn bị cho việc đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. 

Sau khi anh N.H.H. thực hiện các thủ tục, hoàn thiện hồ sơ theo hướng dẫn của Nguyễn Đức Toàn (hồ sơ tuyển dụng, khám sức khỏe, văn bằng chứng chỉ, đặt cọc đảm bảo cho việc thi đơn hàng…) thì được Toàn giới thiệu sang nộp tiền để học tiếng Nhật tại một trung tâm đào tạo tiếng Nhật của bạn Toàn.

Phiếu thu tiền có tên Công ty cổ phần Kết nối nhân lực Việt.

 

Trong quá trình học tiếng Nhật tại trung tâm do Toàn giới thiệu, anh H. tiếp tục được Nguyễn Đức Toàn yêu cầu nộp số tiền 10 triệu đồng để đặt cọc đảm bảo cho việc thi đơn hàng. Ngày 22/5/2018, anh H. nhận được danh sách trúng tuyển đơn hàng kỹ sư cây xăng - phân xưởng gồm danh sách 32 lao động trúng tuyển theo hình thức tiến cử (không phải thi - PV) với thời gian dự kiến xuất cảnh sang Nhật Bản làm việc là trong tháng 11/2018.

Tiếp đó, Nguyễn Đức Toàn yêu cầu gia đình anh H. nộp thêm số tiền là 2.000 đô la Mỹ để đặt cọc cho đơn hàng kỹ sư cây xăng -phân xưởng mà anh H. đã được báo đỗ hôm 22/5/2018, khi nào xuất cảnh thì nộp nốt 3.500 đô la Mỹ. Tuy nhiên, khi đã quá thời gian dự kiến xuất cảnh theo danh sách đỗ đơn hàng, anh H. vẫn chưa nhận được bất cứ thông báo nào của Công ty cổ phần TMS Nhân lực và Nguyễn Đức Toàn về việc xuất cảnh sang Nhật Bản làm việc. Quá “sốt ruột”, anh H. và gia đình đã đến địa chỉ tại tầng 7, tòa nhà Sông Đà tìm gặp Nguyễn Đức Toàn thì được trả lời, anh H. không được xuất khẩu lao động sang Nhật Bản nữa do Công ty bên phía Nhật Bản đã bị phá sản.

Điều làm anh H. và gia đình rất bức xúc là dù luôn tuân thủ theo hướng dẫn nộp tiền của vị tự xưng Trưởng phòng tuyển dụng Công ty cổ phần TMS Nhân lực nhưng đến khi không được xuất cảnh, gia đình cũng không được thông báo. Sau rất nhiều lần liên lạc cho Nguyễn Đức Toàn và đi lại đến địa chỉ nói trên để đòi lại số tiền đã nộp và lấy lại hồ sơ nhưng Toàn luôn tìm cách chây ì và lẩn tránh trách nhiệm hoàn lại tiền và trả hồ sơ cho người lao động.

Ông Nguyễn Hữu Hải, bố đẻ của anh N.H.H. cho biết, đến nay đã gần một năm trôi qua kể từ ngày gia đình phải đi vay lãi số tiền cho anh H. đi XKLĐ, giờ anh H. không được đi Nhật Bản, tiền cũng không đòi lại được mà vẫn phải chịu lãi khoản vay, hồ sơ của anh H. thì không lấy lại được, gia đình đã khó khăn nay lại càng thêm khó khăn.

Bài học cho người lao động

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Hải - bố đẻ của lao động N.H.H. cho biết, trong đơn hàng kỹ sư cây xăng - phân xưởng mà anh H. được báo trúng tuyển ngày 22/5/2018 còn kèm theo 31 lao động khác trên khắp mọi miền đất nước.

Khi ông Hải cùng anh H. đã đến nộp số tiền 2.000 đô la Mỹ cho Nguyễn Đức Toàn nhưng anh H. vẫn không được Công ty cho ký hợp đồng đi xuất khẩu lao động. Thậm chí, sau khi nộp tiền cho Nguyễn Đức Toàn, ông Hải cũng không nhận được giấy biên nhận nào của Công ty cổ phần TMS Nhân lực, đến khi gia đình yêu cầu cần có giấy tờ chứng minh cho việc nộp tiền thì ông Hải lại nhận được một phiếu thu in tên một công ty khác là Công ty cổ phần Kết nối nhân lực Việt. Trên phiếu thu chỉ có số điện thoại của Nguyễn Đức Toàn nhưng không hề có bất cứ chữ ký hay dấu pháp nhân của công ty nào xác nhận.

Toàn bộ các thông báo gồm: danh sách trúng tuyển đơn hàng và đến khi thông báo công ty phía bên Nhật Bản phá sản, người lao động đều nhận được thông báo qua điện thoại và thông báo “bằng miệng”… (?!)

PV đã liên lạc theo số điện thoại trên danh thiếp của Nguyễn Đức Toàn và phiếu nộp tiền nhằm xác minh sự việc người lao động phản ánh. Trao đổi qua điện thoại, Nguyễn Đức Toàn xác nhận việc đã nhận 2.000 đô la Mỹ của gia đình anh  N.H.H. nhưng chưa cho anh H. kí hợp đồng xuất khẩu lao động (?!). Đáng nói, trong cuộc trao đổi với PV, Nguyễn Đức Toàn vừa nhận mình là Trưởng phòng Tuyển dụng Công ty cổ phần TMS Nhân lực lại vừa nhận là nhân sự Công ty cổ phần Kết nối nhân lực Việt (?!)

Nhằm làm rõ những thông tin bạn đọc và người lao động phản ánh, PV đã liên hệ làm việc với Công ty cổ phần TMS Nhân lực và Công ty cổ phần Kết nối nhân lực Việt để tìm hiểu có hay không mối liên hệ của các Công ty này với sự việc người lao động gửi đơn. Tuy nhiên, cho đến nay cả Công ty cổ phần Kết nối nhân lực Việt và Công ty cổ phần TMS Nhân lực đều chưa có thông tin phản hồi báo chí.

Dư luận đặt ra câu hỏi, Nguyễn Đức Toàn là nhân viên của Công ty cổ phần TMS Nhân lực, hay của Công ty cổ phần Kết nối nhân lực Việt, hay chỉ là một nhân sự mạo danh? Đã có bao nhiêu người lao động bị chiếm dụng tiền liên quan đến vị “Trưởng phòng” này? Vụ việc cần được các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ. 

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

 

Theo GĐ&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội chi gần 380 tỷ đồng tặng quà Tết cho các đối tượng chính sách

Ngày 14/1, tại hội nghị Thường trực Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội giao ban trực tuyến với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý 1/2019 về công tác phục vụ nhân dân Thủ đô đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đánh giá cao sự vào cuộc tích cực, chủ động, chuẩn bị tổ chức Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 của thành phố.

Hà Nội đồng loạt xén vỉa hè, mở rộng đường

Ngày 28/12/2018, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội công bố đồng loạt triển khai cắt xén vỉa hè, mở rộng đường trên địa bàn Hà Nội. Tổng chi phí cho các dự án triển khai trên toàn địa bàn thành phố lên đến hơn 125 tỷ đồng.