Ý nghĩa và việc nên làm vào ngày rằm tháng Giêng mà không phải ai cũng biết

26/02/2021 08:01

Kinhte&Xahoi Rằm tháng Giêng là ngày trăng tròn đầu tiên của năm mới, tục xưa gọi là Tết Nguyên tiêu. Vào ngày này, người Việt thường đi chùa lễ Phật để cầu nguyện sự an lành cho bản thân và gia đình.

Ý nghĩa của ngày rằm tháng Giêng

 Tết Nguyên tiêu có nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới. “Nguyên” là thứ nhất, “tiêu” là đêm. Tết Nguyên tiêu còn gọi là Tết Thượng Nguyên, bởi còn có Tết Trung Nguyên (rằm tháng Bảy) và Tết Hạ Nguyên (rằm tháng Chạp). Tết Nguyên Tiêu là dịp lễ Tết quan trọng nên ông bà ta có câu: “Cúng quanh năm không bằng rằm tháng Giêng” hay “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng”.

Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.

Ngoài ra, rằm tháng Giêng còn được gọi là “Tết muộn” vì diễn ra ngay sau Tết Nguyên đán, là dịp để các gia đình không may có người thân bị ốm, hay đi vắng vào vào đúng dịp Tết Nguyên đán có cơ hội đoàn viên gia đình. Đây cũng là dịp những người đau yếu, gia đình có tang ma được ăn Tết bù.

Trong ngày lễ này, tùy vào điều kiện kinh tế và phong tục tập quán, mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng của mỗi gia đình, vùng miền có thể khác nhau nhưng đều thể hiện tấm lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với Phật, thánh, ông bà, tổ tiên, cầu mong một năm an lành, may mắn và nhiều tài lộc. Theo phong tục, đêm ngày 15/1 âm lịch (đêm rằm tháng Giêng), bất cứ ở thành thị hay nông thôn, đâu đâu cũng treo đèn kết hoa (hiện nay đã hạn chế nhiều) và thực hiện các nghi lễ cúng rằm.

Những việc nên làm vào ngày rằm tháng Giêng

Đi lễ chùa dịp đầu năm thường mang ý nghĩa cầu mong được bình an, may mắn và khỏe mạnh, công việc cả năm hanh thông, đặc biệt trong ngày Tết Nguyên tiêu việc đi lễ chùa càng được khuyến khích.

Khi đi lễ chùa, người dân chú ý không sắm lễ mặn, chỉ nên dâng đồ chay lên tam bảo ở chùa và ăn mặc nghiêm trang, kin đáo. Quan trọng nhất, phải có thái độ thành tâm, bình thản, không mong cầu những thứ vật chất,... Thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khi đi lễ Phật, người dân càng cần chú ý giữ khoảng cách tối thiểu 2m, đeo khẩu trang và xịt khuẩn tay mỗi khi vào chùa.

Làm việc thiện được xem là nghĩa cử cao đẹp của mỗi người trong cuộc sống. Điều này không chỉ giúp đỡ những người kém may mắn hơn mà còn tạo được sự bình an trong tâm hồn của chính người trao đi. Từ đó, cuộc sống lan tỏa những giá trị tốt đẹp và ý nghĩa hơn.

Phóng sinh được xem là một trong những việc nên làm trong ngày rằm tháng Giêng, một số loài động vật thường được thả trong ngày này đó là cá chép, cá cảnh, chim sẻ, chim ri, bồ câu, cua, lươn, ốc, rùa... hoặc bất cứ loài vật nào mà bạn thấy ngoài chợ họ bán làm thức ăn, bạn có thể dùng tiền để chuộc thân cho con vật đó và đem đi phóng sinh, tốt nhất là phóng sinh ra những sông, hồ lớn hoặc vào ao của nhà chùa.

Đồng thời, nên chọn nơi vắng vẻ, không có người săn bắt để đảm bảo khi thả ra, các loại động vật đều có thể sinh sống được.

Ví dụ như nếu phóng sinh cá, hãy chờ cá bơi khuất rồi đi về. Không nên cầm cả xô, hay túi ni lon vứt ra ao, hồ, sông, suối. Hãy phóng sinh có ý thức và bảo vệ môi trường thì hành động tốt đẹp này mới mang ý nghĩa vốn có của nó.

Một số lưu ý khi làm lễ cúng vào ngày rằm tháng Giêng

Ngày rằm tháng Giêng được xem là một trong những dịp quan trọng trong năm, vì vậy mâm cúng lễ cần chuẩn chị chỉn chu và đầy đủ. Hoa dùng để thờ cúng trên bàn thờ bắt buộc phải là hoa tươi, nên chọn hoa cúc vàng, cúc vạn thọ, huệ trắng để dâng ban thờ. Đối với quả, chọn 5 loại quả có màu sắc tươi tắn, thơm ngon.

Ngày rằm tháng Giêng các gia đình có thể sắm hai lễ: Lễ cúng Phật và lễ cúng gia tiên.

- Lễ cúng Phật là mâm lễ chay tinh khiết gồm hương, hoa, đèn, nến, hoa quả tươi, nếu cần có thể có xôi, chè chay...

- Lễ cúng gia tiên cũng gồm có hương hoa, đèn nến và kèm thêm trầu cau, rượu và mâm cỗ mặn hoặc chay gồm nhiều món như thịt gà luộc, đĩa giò, đĩa xào, bát canh.

- Hai lễ phải để riêng, đồ lễ Phật thì để ở ban trên, còn đồ cúng gia tiên thì nên kê thêm bàn để ở dưới sau đó thắp hương.

- Các đồ dùng để đựng các lễ cúng Phật, cúng gia tiên như bát, đĩa, đũa, thìa... cần phải sử dụng những đồ mới, hoặc đồ riêng biệt.

- Khi thắp hương, người ta thường thắp theo số lẻ, bởi số lẻ tượng trưng cho phần âm. Do đó, có thể thắp 1, 3, 5, 7 hoặc 9 nén hương trên mỗi bát hương.

- Khi thắp hương cần phải ăn mặc chỉnh tề, đứng đắn. Tuyệt đối không được mặc quần đùi, áo cộc hay ăn mặc luộm thuộm...

- Khi khấn cần phải liền mạch, thành tâm cúng bái nhằm thể hiện sự tôn kính với các vị Phật, thần linh và tổ tiên.

 Như Hương - Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội đạt bước tiến vượt bậc về quy hoạch phân khu nội đô lịch sử và sông Hồng

Chiều 25-2, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã thống nhất về chủ trương đối với cả 6 đồ án quy hoạch phân khu (1/2.000) nội đô lịch sử bao phủ 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Dự kiến, 6 quy hoạch này sẽ được trình Ban Thường vụ Thành ủy trong tuần sau để UBND thành phố chính thức phê duyệt, ban hành trong thời gian sớm nhất, dự kiến trong quý I-2021.

Link bài gốc http://kinhtedothi.vn/y-nghia-va-viec-nen-lam-vao-ngay-ram-thang-gieng-ma-khong-phai-ai-cung-biet-411198.html