Bệnh viện Thanh Nhàn tuân thủ việc tổ chức khu cách ly, khám phân luồng.
Ngoài ra, 11 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội đã tiếp nhận 233 trường hợp tiếp xúc gần với ca dương tính từ các quận, huyện chuyển đến; những trường hợp có triệu chứng và có các yếu tố dịch tễ để cách ly.
Cụ thể, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội và trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã, các đơn vị liên quan tiến hành điều tra dịch tễ lập danh sách những người tiếp xúc gần (F1) với các bệnh nhân dương tính và những người tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2). Đến thời điểm hiện tại đã có danh sách F1 là 191 người và F2 là 569 người.
Hiện 11 bệnh viện của thành phố, gồm: Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Bệnh viện Bắc Thăng Long, Bệnh viện Vân Đình, Bệnh viện Đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Gia Lâm, Bệnh viện Thu Cúc, Bệnh viện Mê Linh và Bệnh viện Hoài Đức tiếp nhận 233 người tiếp xúc gần với ca dương tính từ các quận, huyện chuyển đến; các trường hợp có triệu chứng và có các yếu tố dịch tễ để cách ly.
Sở Y tế Hà Nội cũng đã tổ chức họp trực tuyến rút kinh nghiệm về công tác phân luồng, hướng dẫn và khám chữa bệnh cho bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19. Sở Y tế đã yêu cầu các cơ sở y tế tổ chức phân luồng và bố trí các buồng khám bệnh riêng đối với người bệnh có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính (ho, sốt, khó thở...). Các buồng khám bệnh này phải có lối đi riêng biệt và có vị trí tách biệt với các phòng khám khác của cơ sở.
Theo kế hoạch của Sở Y tế, số giường bệnh điều trị cách ly hiện tại (theo cấp độ 1 và 2) của 41 bệnh viện công lập và 3 bệnh viện ngoài công lập trực thuộc ngành là 650 giường bệnh. Khi dịch ở cấp độ 3, số giường bố trí điều trị cách ly sẽ là 1.290 giường. Trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp hơn, ngành Y tế Hà Nội có thể bố trí đến 4.040 giường bệnh (50% số giường bệnh kế hoạch của các bệnh viện đa khoa).