11 nhóm đối tượng được tiêm vaccine Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam

23/02/2021 07:54

Kinhte&Xahoi Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1210/QĐ-BYT về việc phê duyệt kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vaccine phòng Covid-19 giai đoạn 2021-2022 do Covax Facility hỗ trợ.

Theo đó, có 11 nhóm đối tượng cần tiêm vắc xin phòng Covid-19 sắp xếp theo mức độ ưu tiên, trong đó nhân viên y tế đứng đầu tiên. Mục tiêu của kế hoạch này là bảo đảm khoảng 20% dân số cả nước và 95% đối tượng nguy cơ được tiêm vắc xin phòng Covid-19.

 11 nhóm đối tượng được tiêm vaccine Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam.

11 nhóm đối tượng nguy cơ cao

Cụ thể, 11 nhóm đối tượng bao gồm:

- Nhân viên y tế.

- Nhân viên tham gia phòng chống dịch (ban chỉ đạo các cấp, nhân viên khu cách ly, phóng viên...).

- Nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh.

- Lực lượng công an.

- Lực lượng quân đội.

- Giáo viên

- Người trên 65 tuổi.

- Nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu: Hàng không, vận tải, du lịch, cung cấp dịch vụ điện, nước...

- Người mắc các bệnh mãn tính.

- Người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài.

- Người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, vaccine Covid-19 sẽ được triển khai tiêm chủng trên phạm vi cả nước, mức độ ưu tiên từ nguy cơ cao đến nguy cơ thấp dựa trên các tiêu chí: Khu vực đang ghi nhận ca mắc/tử vong do Covid-19; khu vực đô thị lớn, mật độ dân số cao; các tỉnh đầu mối giao thông...

Bộ Y tế cũng cho biết chỉ chọn mua các vaccine an toàn, có hiệu lực bảo vệ cao, được Tổ chức Y tế thế giới tiền thẩm định, đã được phê chuẩn bởi một cơ quan quản lý dược nghiêm ngặt (SRA), giá cả phù hợp.

30 triệu liều vaccine viện trợ, khoảng 15-16% dân số được tiêm miễn phí

Về vaccine sử dụng, Bộ Y tế cho biết chương trình COVAX- Giải pháp tiếp cận vaccine ngừa Covid-19 toàn cầu, do Liên minh Vaccine và tiêm chủng toàn cầu (GAVI) và Tổ chức Y tế thế giới đã có thư xác nhận phân bổ 4,8 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 trong quý 1 và 2/2021. Việt Nam được viện trợ vaccine Covid-19 AstraZeneca, tương tự loại Việt Nam đặt mua.

Trên cơ sở ước tính hiện tại, chương trình này sẽ cung cấp đủ vaccine, vật tư tiêm chủng cho 15-16% dân số của 92 quốc gia thành viên chương trình, trong đó có Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, tổng số vaccine từ chương trình COVAX viện trợ cho Việt Nam năm 2021 là 30 triệu liều, trong đó chủ yếu sử dụng vào nửa cuối năm 2021.

Bộ Y tế cho biết vaccine do COVAX hỗ trợ sẽ được miễn phí nhập khẩu, nhập khẩu qua cảng hàng không quốc tế Nội Bài hoặc Tân Sơn Nhất và thông quan lập tức ngay khi về đến cảng, chuyển về kho quốc gia hoặc kho khu vực để kiểm định. Việc vận chuyển vaccine tới các tuyến sẽ do cán bộ chuyên trách tiêm chủng đã được đào tạo thực hiện.

Bộ Y tế cũng đã khảo sát hệ thống kho lạnh hiện có và khẳng định hệ thống kho lạnh hiện có có thể bảo quản cùng lúc 3 triệu liều ở nhiệt độ âm sâu (-70 độ C), 1,8 triệu liều ở nhiệt độ -25 đến -15 độ C và sẵn sàng bảo quản hàng chục triệu liều ở nhiệt độ 2-8 độ C (hầu hết vaccine cần bảo quản ở nhiệt độ này)

 Thanh Bình - Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội sẽ hỗ trợ tiêu thụ hơn 1.600 tấn gà đồi Chí Linh

“Những ngày qua, các đơn vị TP Hà Nội đã thu mua, tiêu thụ gần 400 tấn nông sản từ Hải Dương. Đồng thời, đang nhanh chóng hỗ trợ tiêu thụ hơn 1.600 tấn gà đồi Chí Linh trong những ngày tới” – đại diện Sở Công Thương Hà Nội thông tin.

Có một Hà Nội nghĩa tình, Hà Nội kết nối trong đại dịch

Trong những ngày qua, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Hải Dương, một số địa phương và người dân vì quá lo lắng bảo đảm an toàn đã có những cách ứng xử, giải quyết có phần cực đoan, bế quan toả cảng. Nhưng ở Hà Nội, từ người đứng đầu thành phố đến nhân dân Thủ đô lại có cách nhìn, cách nghĩ rất nhân văn, khoa học. "Giúp bạn là tự giúp mình", trong đại dịch, Hà Nội đang toả sáng là một thành phố kết nối, thành phố nghĩa tình.

Link bài gốc http://kinhtedothi.vn/11-nhom-doi-tuong-duoc-tiem-vaccine-covid-19-dau-tien-tai-viet-nam-410861.html