15 nghìn đồng/3 bữa ăn/ngày cho học sinh miền núi: Thầy cô đau đầu

12/12/2020 11:16

Kinhte&Xahoi Học sinh bán trú là người đồng bào dân tộc miền núi ở Quảng Nam được nhà nước hỗ trợ với mức 40% lương cơ bản 1 tháng. Với số tiền này, các thầy cô rất "đau đầu" để cho các em ăn ngày 3 bữa.

Đến trường Phổ thông Dân tộc Bán trú (PTDTBT) Tiểu học Trà Tập, xã Trà Tập, huyện miền núi Nam Trà My, Quảng Nam vào đúng bữa trưa, chúng tôi đến ngay nhà ăn của học sinh để "mục sở thị" bữa ăn của các em có gì khác với các em học sinh cùng lứa tuổi ở miền xuôi.

Bảng thực đơn hàng ngày, hàng tháng của trường

Nhà trường có 5 cô chuyên phục vụ ăn uống cho các em. Buổi sáng, các cô phải dậy thật sớm để chuẩn bị bữa sáng. Bữa sáng của các em bán trú cũng đạm bạc, hôm thì bún xì dầu, bữa thì mì tôm, ngày thì mì quảng, có ngày các em được ăn bánh mì hay xôi…

Xong bữa sáng, các cô lại đi chợ chuẩn bị cho bữa trưa và tối. Cứ thế, các cô quay như "chong chóng" để lo 3 bữa ăn cho hàng trăm em học sinh của trường.

Thầy Lê Huy Phương - Hiệu trưởng trường PTDTBT Tiểu học Trà Tập cho biết, trường có tất cả 475 em học sinh, trong đó có gần 280 em học bán trú.

Sau khi tan học, các em về khu nội trú lấy đũa, muỗng trong cặp của mình để ăn cơm

Theo thầy Phương, chế độ ăn bán trú theo quy định chung, mỗi em được nhà nước cấp hàng tháng số tiền bằng 40% mức lương cơ bản và 15kg gạo. Số tiền này bao gồm tất cả chi phí từ điện, nước, phụ phí, mắm, muối, dầu ăn…, kể cả xà phòng, giấy vệ sinh cho các em.

Sau khi trừ phụ phí 3 ngàn đồng, tính ra 1 ngày ăn của mỗi em chỉ có 15 ngàn đồng cho 3 bữa. Tuy số tiền dành cho mỗi ngày ăn của các em rất eo hẹp nhưng các cô cũng phải tính toán để cho các em có đủ 3 món gồm món mặn, món xào và canh.

Gần 280 em học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập ăn bữa trưa

Tan học, các em bán trú ùa ra như ong vỡ tổ. Các em về khu nội trú, leo lên giường lấy đôi đũa và muỗng của mình, xếp hàng ngay thẳng rồi tiến ra bàn ăn. Dù bữa cơm rất "đạm bạc" nhưng các em ăn rất ngon lành.

Một điều rất ngạc nhiên là các em đều cất đũa và muỗng trong cặp. Khi được hỏi thì giáo viên của trường cho hay, đây là đồ dùng cá nhân của các em. Khi ăn xong, phần khay và đũa, muỗng các em tự rửa. Khay thì sắp lại một chỗ quy định, còn đũa và muỗng thì phần em nào em đó cất trong cặp của mình để bữa sau lấy ra dùng tiếp.

"Mưa lũ nhà trường không để đứt bữa vì nhà trường tổ chức ăn bán trú cho các em cũng được 5 năm nay. Đến khi mùa mưa bão, nhà trường thường trữ hàng để cho các em ăn trong vòng 10 ngày. Nếu lỡ đường sá bị cắt thì các em cũng có cái ăn. Giả sử như có đứt đường lâu hơn nữa thì cũng có sẵn gạo, mắm, đồ khô để cho các em ăn", thầy Phương chia sẻ.

Các em học bán trú từ thứ 2 đến thứ 6 thì có em tự đi về nhà, có em được bố mẹ đi xe máy đến đón. Do nhà các em ở xa nên mới ở bán trú, quãng đường đi bộ 2-3 tiếng đồng hồ mới đến nhà. Trời nắng còn đỡ, trời mưa các em đi bộ rất cực.

Có em bị ốm, cô giáo phải dỗ các em cố gắng ăn cơm

Thầy Lê Huy Phương cho hay, thường mùa mưa lũ, các em đi học không đều vì nhà xa, nước suối lên là phải nghỉ học. Em nào nghỉ học do mưa bão, ốm đau thì giáo viên có trách nhiệm dạy bù cho các em.

Cô giáo phục vụ cơm cho các em học sinh của mình

Đó là điểm trường chính, trường PTDTBT Tiểu học Trà Tập có 11 điểm trường lẻ nằm ở các thôn, nóc thì không có bán trú vì điểm trường nằm ở khu dân cư, nhà các em ở gần. Tuy nhiên, thầy Phương cho hay nếu có mạnh thường quân hỗ trợ thì các thầy cô ở điểm trường lẻ cũng tổ chức nấu ăn cho các em "có thêm chất".

"Dù còn rất nhiều khó khăn, nhà trường cũng lo cho các em ăn no, đủ 3 bữa miễn là các em đi học đầy đủ là niềm vui rất lớn đối với thầy giáo ở vùng cao này", thầy Phương chia sẻ.

Kho lương thực của trường

Trao đổi với phóng viên, thầy Võ Đăng Thuận - Trưởng Phòng Giáo dục huyện Nam Trà My cho biết, toàn huyện có 7.000 học sinh, trong đó có trên 3.000 học sinh học bán trú. Để lo cho các em ăn uống đầy đủ là cả vấn đề.

"Đối với huyện miền núi Nam Trà My, mưa bão, sạt lở thường xuyên nhưng chuyện dạy, học và ăn uống của các em thì cũng phải lo cho đầy đủ; không để em nào phải bỏ học giữa chừng, không để em nào phải đói ăn", thầy Võ Đăng Thuận chia sẻ.

 Công Bính - Theo Dân Trí

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Liên kết mô hình kinh tế tập thể, hợp tác cùng phát triển

Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2020 với chủ đề “Liên kết, hợp tác cùng phát triển – Xu hướng hội nhập quốc tế và thời đại cách mạng công nghệ 4.0” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã được tổ chức vào ngày 11/12 vừa qua tại Hà Nội.

Hiệu quả “mắt thần” nơi công cộng

Sự việc người đàn ông hành hung nữ sinh dã man sau khi va chạm giao thông trên đường và nhanh chóng bị xử lý đã cho thấy, hệ thống “mắt thần” cùng với sự giám sát của người dân đã phát huy hiệu quả cao độ, khiến những người vô ý thức, thiếu văn hóa, vi phạm pháp luật nhanh chóng bị xử lý rốt ráo, đúng người đúng tội.

Link bài gốc https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/15-nghin-dong-3-bua-anngay-cho-hoc-sinh-mien-nui-thay-co-dau-dau-20201211090650920.htm