Sẽ có 3 loại tiền lương đồng loạt tăng từ 1/7/2024 bao gồm tăng lương công chức khi cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, lương tối thiểu vùng cho người lao động.
Theo đó, trong chính sách tiền lương mới mở rộng quan hệ tiền lương từ hệ số lương 1 - 2,34 - 10 của hiện nay lên thành 1 - 2,68 - 12.
Với việc mở rộng quan hệ tiền lương này thì mức lương thấp nhất của công chức, viên chức sẽ tăng khá cao (so với mức lương khởi điểm 3,5 triệu đồng của công chức, viên chức có trình độ trung cấp, hệ số lương 1,86 hiện nay).
Khi thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7, sẽ có nhiều nhóm đối tượng được điều chỉnh lương hưu. (Ảnh: Hà Linh).
Đồng thời, mức lương trung bình của công chức, viên chức cũng có mức khởi điểm với hệ số 2,68 (cao hơn so với hệ số 2,34 hiện nay). Được biết, với hệ số 2,34 thì công chức, viên chức có trình độ đại học có mức lương khởi điểm hơn 4,2 triệu đồng/tháng.
Mức lương cao nhất của công chức, viên chức tương ứng với bậc 3 của chuyên gia cao cấp (bằng lương Bộ trưởng) cũng được nới rộng từ hệ số 10 lên hệ số 12. Do đó, mức lương mới cao nhất của công chức, viên chức dự kiến sẽ cao hơn (so với con số 18 triệu đồng hiện nay).
Như vậy, từ ngày 01/7/2024 tiền lương trung bình của công chức, viên chức tăng khoảng 30%. Mức tăng lương cụ thể cho từng đối tượng sẽ phụ thuộc vào vị trí việc làm, hiệu quả công việc…
Đối với công chức, viên chức, việc tăng lương sẽ góp phần cải thiện đời sống của công chức, viên chức, góp phần thu hút và giữ chân nhân tài cho bộ máy nhà nước. Đối với người lao động, việc tăng lương tối thiểu vùng sẽ giúp người lao động có thu nhập cao hơn, cải thiện đời sống. Đồng thời, kích thích tăng trưởng kinh tế, việc tăng lương cho người lao động sẽ giúp kích thích tiêu dùng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…
PV- Pháp luật Plus