3.500 người dân khát khô bên công trình nước sạch bỏ hoang

22/08/2019 10:44

Kinhte&Xahoi Dù được đầu tư với tổng mức kinh phí 6.545 triệu đồng trong giai đoạn 1, nhưng chỉ sau một thời gian đưa vào sử dụng, Công trình nước sạch tại xã Hồng Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) đã bị bỏ hoang, người dân ở đây phải sử dụng nguồn nước giếng không đảm bảo.

Hệ thống ống dẫn, van khóa đã gỉ sét, cây cỏ phủ đầy

Theo phản ánh của người dân xã Hồng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, công trình nước sạch trên địa bàn hiện đang bị bỏ hoang hơn một năm nay mặc dù chỉ mới đưa vào sử dụng từ cuối năm 2015.

Trước đó, công trình được xây dựng mới và chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 2012 – 2015 đầu tư xây dựng các hạng mục như: Đập dâng, hố thu – bơm cấp 1 – tuyến ống nước thô; Cụm xử lý công suất 20m3/h; Bể chứa 80m3; Nhà đặt bơm rửa lọc; San nền khu xử lý; Cấp điện khu xử lý; Mạng lưới cấp nước cung cấp nước cho ba thôn bức bách nhất gồm thôn Rục, thôn Văn hóa 1, thôn Văn hóa 2…

Toàn bộ giai đoạn 1 do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Quảng Bình làm chủ đầu tư và trực tiếp quản lý dự án. Giai đoạn 2 từ năm 2015 – 2017 sẽ được thực hiện khi có đủ khả năng về nguồn lực và chủ trương đầu tư của các cấp có thẩm quyền xây dựng các hạng mục còn lại.

Tổng mức đầu tư toàn bộ công trình là 8.724 triệu đồng, trong đó tổng kinh phí đầu tư giai đoạn 1 là 6.545 triệu đồng (nguồn vốn Ngân sách Nhà nước 5.894 triệu đồng, 651 triệu do nhân dân đóng góp).

Công trình được xây dựng nhằm cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho 3.546 người dân của xã Hồng Hóa cũng như Trạm y tế, Trường Mầm non, Trường THCS và các cơ quan đóng trên địa bàn xã, góp phần cải thiện điều kiện sống, nâng cao sức khỏe cho nhân dân, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ, tạo điều kiện phát triển kinh - tế xã hội vùng nông thôn.

Tuy nhiên, sau khi đưa vào sử dụng vào ngày 20/11/2015 do quá trình vận hành và cung cấp không đạt hiệu quả nên công trình hiện đã bị bỏ hoang. Tại khu vực khe được người dân gọi là Khe Si, theo ghi nhận của PV thì lượng nước xung quanh hố thu rất ít,  hệ thống hố thu bị hư hỏng nặng. Tại Nhà đặt bơm rửa lọc các đường ống dẫn nước đã bị gỉ sét, nhà đặt bơm rửa lọc hiện đang bị bỏ hoang và không có tổ vận hành… 
 
Theo ông Đinh Minh Chiến (SN 1964, Trưởng thôn thôn Vè, xã Hồng Hóa), công trình này bị bỏ hoang đã hơn năm nay, không có tổ vận hành. Bà con trước khi xây dựng công trình có đăng kí đồng hồ để được sử dụng nước sạch nhưng chưa bao giờ được dùng, chủ yếu là dùng nước giếng, còn công trình thì bị lãng phí, các hạng mục như hố thu bị vùi lấp, hư hỏng.

Sinh sống tại khu vực thuộc mạng lưới cung cấp nước trong giai đoạn 1 của công trình nói trên, nhưng theo lời một người dân ngụ tại thôn Văn hóa 1, chưa bao giờ được sử dụng nguồn nước sạch: “Thấy họ bắt ống nhưng lâu không thấy nước sạch đâu. Không có nước dùng tôi phải mượn người về khoan giếng để tìm nước, gia đình còn nợ 13 triệu tiền khoan giếng. Vì chưa có bể lọc nên nước giếng đào thì phèn lắm, còn giếng khoan thì đỡ phèn hơn nhưng nấu lên thì vôi. Giờ không có nước nên nhà nào cũng đa số khoan giếng để dùng cả”.

Trả lời về sự việc, Phó Chủ tịch phụ trách UBND xã Cao Thanh Hiển cho biết, phía xã chỉ có trách nhiệm vận hành công trình của giai đoạn 1 và “công trình vẫn được vận hành nhưng do thời gian gần đây không có nước nên dừng”. 

Đối với hồ sơ công trình giai đoạn 1, mặc dù phía đơn vị Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Quảng Bình đã bàn giao và có biên bản do trực tiếp ông Cao Thanh Hiển ký nhận vào ngày 20/11/2015, nhưng nói về hồ sơ thì ông Hiển cho rằng: “Hồ sơ giờ anh kiểm tra đó không có cái gì, chịu đó, ở đâu đó trong tỉnh, ở đây chỉ có hồ sơ giai đoạn 2 thôi”. Khi được hỏi về thời gian thi công giai đoạn 2, ông Hiển trả lời: “Giờ anh cũng không biết rõ”.

UBND xã nói về sự việc mập mờ như thế, vậy UBND huyện Minh Hóa và Chủ đầu tư nói gì?

PLVN sẽ tiếp tục thông tin.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

'Mỏ vàng' chưa được Việt Nam khai thác trên kênh Youtube

Youtube chính là ứng dụng mà các bậc cha mẹ tìm kiếm chương trình cho con cái xem thuộc top nhiều nhất. Tuy nhiên, nhìn vào danh sách các kênh thiếu nhi đang phổ biến hiện nay, đa số đều là kênh từ nước ngoài. Kênh Youtube Việt đặc sắc dành cho thiếu nhi đang là “kho vàng” chưa được khai thác hiệu quả.

Dịch vụ đo khúc xạ, chỉnh kính còn nhiều bất cập

Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo xây dựng chính sách quy định về vị trí việc làm và chức danh nghề nghiệp cho cử nhân khúc xạ nhãn khoa do Bộ Y tế, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, Bệnh viện Mắt Trung ương tổ chức sáng 21/8 tại Hà Nội.

Nguồn: Pháp luật Plus