40 năm bán tào phớ, người đàn ông nuôi 2 con trai trưởng thành

10/06/2022 07:45

Kinhte&Xahoi Khởi nghiệp với chiếc xe đạp và nồi tào phớ, người đàn ông quê Nam Định đã có hơn 40 năm mưu sinh bằng nghề này tại Hà Nội.

Trong bức tranh đô thị nhiều màu sắc, nét sinh hoạt đời thường rất riêng, lặng lẽ trong lòng phố Thủ đô, đó là những người mưu sinh với chiếc đòn gánh trên đôi vai, hai chiếc thúng. Những đôi quang gánh không chỉ phục vụ cho người dân Hà Nội mà còn khơi gợi sự tò mò của du khách nước ngoài khi rong chơi trên phố cổ.

Nặng trĩu đôi vai với đôi quang gánh, những người bán hàng rong bán đủ các loại như trái cây, đồ ăn vặt, đồ dùng sinh hoạt gia đình… dầm mưa, dãi nắng, dù ngày hay đêm họ vẫn miệt mài mưu sinh để lo cho cuộc sống của bản thân, gia đình.

Ông Phạm Văn Lân, người đàn ông 40 năm bán tào phớ, người đàn ông nuôi 2 con trai trưởng thành

Đi dạo trên phố cổ, tôi bắt gặp hình ảnh mưu sinh, đầy thú vị, gánh hàng rong của người đàn ông quê Nam Định đã có 40 năm bán tào phớ ở Hà Nội, đó là ông Phạm Văn Lân. Ông Lân trọ tại một căn phòng với giá 900 nghìn đồng/tháng ở Phúc Tân, Hoàn Kiếm. Hằng ngày, ông dậy từ 3h để chuẩn bị cho chuyến hàng tào phớ.

Khoảng 8h, khi xong, ông rong ruổi khắp các con phố ở Hà Nội như Hàng Bạc, Hàng Bông, Đồng Xuân, Hàng Lược, vòng qua ga Hà Nội rồi về ngồi ở vỉa hè phố Hàng Cót bán đến khi hết tào phớ. “Ai tào phớ đây, ai tào phớ nào” - là tiếng rao quen thuộc của ông Lân trong suốt 40 năm qua.

“Mỗi ngày tôi bán được gần 100 bát tào phớ, lãi hơn 400 nghìn đồng. Được như vậy là nếu ông trời thương, chứ ông trời có giận mà đổ mưa thì cũng phải chịu” - ông Lân ngậm ngùi.

Theo như ông Lân, ông là người bán tào phớ có thâm niên của Thủ đô. Từng là bộ đội ở Bình Dương, sau ngày giải phóng đất nước ông về Hà Nội để mưu sinh và từ đây bén duyên với nghề bán tào phớ. Ông tự học, tự mày mò tìm hiểu các công thức để làm món tào phớ. Ít ai biết, khởi nghiệp từ một chiếc xe đạp với nồi tào phớ, ông Lân đã tần tảo nuôi 2 đứa con trai trưởng thành.

Nhờ những gánh hàng rong, ma những người lao động này nuôi sống gia đình, con cái ăn học.

Cũng tần tảo mưu sinh như ông Lân, chị Phạm Thị Nhung (quê Hải Phòng) cho rằng, đã đi “mòn” trên các con phố, thậm chí có khi phải đi hàng chục cây số để bán hoa quả. Xe đạp chất đầy hoa quả, ngày nắng cũng như ngày mưa, chị Nhung chưa một lần nghĩ đến ngày nghỉ.

“Nếu nghỉ một ngày, đồng nghĩa với việc 3 đứa con phải chịu đói, tôi phải nhịn chi tiêu. Có ngày, đi hết phố này sang phố kia, hết người này cầm lên ngó nghiêng một hồi rồi lắc đầu, không bán được hàng tôi cũng buồn. Còn có hôm nào may mắn bán hết hàng sớm, gánh nặng kinh tế như được trút bỏ” – chị Nhung bày tỏ.

Nặng trĩu đôi vai với đôi quang gánh, những người bán hàng rong bán đủ các loại như trái cây, đồ ăn vặt, đồ dùng sinh hoạt gia đình

Hà Nội – điểm xuyết những đôi quang gánh của nhiều người đến từ các vùng quê, tạo nên nét riêng cho phố cổ. Có lẽ, không mơ ước cao sang nhưng những người bán hàng rong đều chung mong ước nhỏ nhoi là mỗi ngày, bán hết chuyến hàng để bản thân, gia đình được ấm no, hạnh phúc hơn.

 Hà Anh - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Các Bộ trưởng trả lời thẳng thắn, không vòng vo, né tránh vấn đề khó

Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, các Bộ trưởng, trưởng ngành đã thể hiện bản lĩnh, nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực mình phụ trách, trả lời thẳng thắn, không vòng vo, né tránh nhiều vấn đề khó, phức tạp.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/40-nam-ban-tao-pho-nguoi-dan-ong-nuoi-2-con-trai-truong-thanh-d183459.html