Một số công trình xây dựng tại huyện Sóc Sơn.
Phương án xử lý là đối với những công trình "có thể vận dụng được quy định của pháp luật" thì tiếp cho "khắc phục", còn lại, nếu "không phù hợp với quy hoạch" thì huyện "kiên quyết tháo gỡ, trả lại mặt bằng".
Phương án này nghe quen quen và chẳng có gì mới. Vẫn là sự "du di", "vận dụng" cho các công trình sai phạm mà thôi.
"Khắc phục" kiểu gì mà chỉ có mỗi một phương thức là thu tiền sử dụng đất, phương án này na ná như các phương án ngày trước đã bị phê phán là "phạt cho tồn tại" giờ nó khoác một chiếc áo mới "phù hợp quy hoạch" và cho "khắc phục".
Đáng phải nhắc lại là các biệt thự "khủng" được báo chí phát hiện từ lâu, trong quá trình phá rừng xây dựng, Thanh tra Hà Nội có kết luận từ năm 2016 mà cho đến hôm nay, các biệt thự cùng chủ nhân của nó vẫn "vững như bàn thạch".
Cũng cần nhấn mạnh thêm là các công trình sai phạm này đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra và yêu cầu xử lý.
Các cán bộ liên quan đến sai phạm này bị xử lý kỷ luật vẫn chỉ là cảnh cáo, khiển trách và "rút kinh nghiệm sâu sắc" mà thôi.
Dư luận chờ xem các biệt thự sai phạm "không phù hợp quy hoạch" sẽ bị "kiên quyết tháo dỡ" như thế nào. E rằng, sự "kiên quyết" đó sẽ được tái hiện như vụ xử lý các công trình xây dựng vi phạm trong rừng phòng hộ Sóc Sơn, cũng thuộc địa bàn Hà Nội, đâu lại vào đấy thôi.
Đã vi phạm, hành vi giống nhau thì cần xử lý như nhau, đó là sự công bằng. Trường hợp này được "vận dụng" thì trường hợp khác có cớ để "vận động", "xin xỏ" hoặc so bì, tị nạnh "anh được tồn tại, cớ sao chúng tôi lại không?".
Cách xử lý nửa vời hoặc "đánh bùn sang ao" trực tiếp làm tổn hại đến tính nghiêm minh pháp luật và là tiền đề vững chắc để các sai phạm khác tiếp tục xảy ra. Đây cũng chẳng phải điều gì mới mà thực tế nó đã tồn tại nhiều năm nay và những hệ quả xấu đang tác động trực tiếp đến ổn định xã hội cũng như sự tôn trọng và tuân thủ pháp luật.