570 chuyến lên rừng xuống biển

25/03/2021 09:40

Kinhte&Xahoi Một nhiệm kỳ Chính phủ 5 năm, nghĩa là gần 1800 ngày, nhưng lãnh đạo Chính phủ đã phải 570 chuyến công tác lên rừng xuống biển.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, giai đoạn 2016 - 2020, lãnh đạo Chính phủ đã thực hiện 570 chuyến công tác "lên rừng, xuống biển".

Đó là một con số biết nói, thể hiện sự vất vả của những người đứng đầu Chính phủ, sự tận tụy của những cán bộ với công việc và nhân dân.

Nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ cũng là quãng thời gian cả nước và thế giới gặp nhiều biến cố về thiên tai, nhân tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu gây thiệt hại nặng nề. Có thể kể đến sự cố ô nhiễm môi trường ở ven biển miền Trung năm 2016, dịch tả lợn châu Phi năm 2019, hạn hán, xâm nhập mặn ở Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, bão lũ lịch sử ở miền Trung...

Đặc biệt, từ đầu 2020, đại dịch Covid-19 ập đến đã tàn phá nặng nề nền kinh tế thế giới và các quốc gia. Trong khi đó, cạnh tranh địa chiến lược giữa các nước, đối tác lớn ngày càng gay gắt...  

Trước những khó khăn ấy, Chính phủ đã tích cực đổi mới, cải cách mạnh mẽ và quyết liệt hành động. Lãnh đạo Chính phủ thực hiện 570 chuyến công tác “lên rừng, xuống biển” làm việc với địa phương, cơ quan, đơn vị cơ sở, chỉ đạo cụ thể, kịp thời tháo gỡ nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách.

Những sự cố gắng của Chính phủ nhiệm kỳ vừa qua đã cho những trái ngọt. Năm 2020, quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với 2015, đạt trên 340 tỷ USD. Chúng ta đã kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đến nay Việt Nam có dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục gần 100 tỷ USD. Bội chi ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 3,45%. Nợ công giảm từ khoảng 64,5% GDP vào đầu nhiệm kỳ xuống còn 55,3% GDP, được cơ cấu lại bền vững, an toàn hơn.

Nhờ có được tích lũy thu nhập cũng như những cải thiện đáng kể về không gian tài khóa, nhất là trong 4 năm tăng trưởng cao 2016 - 2019, chính là “của để dành” góp phần quan trọng giúp nền kinh tế và người dân vượt qua khó khăn của dịch Covid-19. Mới đây, ngày 18/3, tổ chức Moody’s đã nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam lên mức “tích cực”, cho thấy nền tảng vĩ mô của Việt Nam là “khá chắc chắn và tiếp tục được cải thiện ngay cả trong dịch Covid-19”.

Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh do Chính phủ đề xuất đã tập trung vào các ưu tiên và tập trung nguồn lực cho thực hiện, tháo gỡ các ách tắc, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, hội nhập của hệ thống pháp luật. Chất lượng văn bản hướng dẫn được nâng lên; đến nay chỉ còn 12 văn bản nợ đọng, thấp nhất trong nhiều nhiệm kỳ.

Chính phủ cũng luôn nỗ lực tháo gỡ bằng nhiều biện pháp, đầu tư nâng cao chất lượng nhân lực, giải quyết việc làm cho gần 8 triệu lao động, coi con người là trung tâm của sáng tạo. Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (GII) của Việt Nam gần đây liên tục tăng cao, dẫn đầu Nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp (năm 2020 xếp thứ 42/131).

Đột phá về kết cấu hạ tầng đồng bộ mang tính dẫn dắt cho thu hút đầu tư, phát triển của các ngành, lĩnh vực, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Nhiều công trình hạ tầng được hoàn thành, đưa vào sử dụng, tạo thêm năng lực, sức cạnh tranh và diện mạo mới cho đất nước.

654 km đường cao tốc Bắc - Nam đang được đầu tư mới, cùng các tuyến cao tốc kết nối các vùng; đầu tư xây dựng mới, mở rộng hệ thống sân bay; tập trung nâng cao năng lực hệ thống cảng biển, logistics, hạ tầng công nghiệp, viễn thông, mạng 5G...

Xin cảm ơn những người cán bộ đã tận tụy vì dân và xin chúc các anh, các chị phát huy tài năng ở những cương vị mới. 

 Minh Khang - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lại thêm địa phương muốn có sân bay

Địa phương mới nhất bày tỏ mong muốn có sân bay để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế là tỉnh Đắk Nông. Điều này cho thấy “phong trào” xin làm sân bay của các tỉnh, TP vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/570-chuyen-len-rung-xuong-bien-d151693.html