Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn TTXVN
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, hiện toàn thành phố đã giám sát 21.366 người về từ cách tỉnh, thành phố, trong đó có 11.250 người đi bằng máy bay, 4005 người đi tàu hỏa, 3826 người đi ô tô, xe khách, 2285 người đi bằng phương tiện cá nhân.
Đã ghi nhận 232 trường hợp dương tính, trong đó nhiều nhất là người về từ thành phố Hồ Chí Minh với 137 trường hợp dương tính.
Hiện có 3.375 bệnh nhân mắc Covid-19 đang được điều trị tại các cơ sở y tế của trung ương và của thành phố. Trong đó, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội điều trị cho 164 bệnh nhân; 12 bệnh viện của thành phố Hà Nội điều trị cho 980 bệnh nhân và 4 cơ sở thu dung (Phenikaa, cơ sở điều trị Đền Lừ III, cơ sở điều trị Thượng Thanh và cơ sở điều trị Pháp Vân-Tứ Hiệp) điều trị 2231 bệnh nhân.
Công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ, tổng số đã tiêm được 11.880.513 mũi cho người trên 18 tuổi.
Kết quả tiêm cho người trên 50 tuổi, được 3.591.069 mũi tiêm, trong đó mũi 1 là 1.860.735 mũi /2.124.223 người, đạt 87,6%, mũi 2 là 1.730.334 mũi/ 2.124.223 người, đạt 81,4%.
Toàn thành phố đã tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi, đã tiêm được 266.281 mũi/306.389 trẻ, đạt 86,9%.
Nghiên cứu nguy cơ khi đi thang máy với F0
UBND TP Hà Nội cũng vừa hỏa tốc ban hành Công điện số 25 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong bối cảnh dịch bệnh đã có ở 30 quận, huyện, thị xã.
Theo công văn này, Sở Y tế có trách nhiệm tổng hợp, phân loại các trường hợp F1, F2, đánh giá phân tích các nguy cơ trong một số trường hợp theo đặc thù của những đô thị lớn (như với các trường hợp đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19, có đeo khẩu trang, đứng trong cùng khoang thang máy với người nhiễm SARS-CoV-2 trong thời gian ngắn)… Hoàn thiện phương án tăng cường nhân lực hỗ trợ cho y tế phường, để tránh bị quá tải.
Bình An - Pháp luật Plus