An toàn cho trẻ em ở chung cư: Đừng phó mặc cho trời!

05/03/2019 14:48

Kinhte&Xahoi Không nên chỉ "kêu trời", mà sự an toàn của trẻ em phụ thuộc vào việc làm của các bậc làm cha, làm mẹ mỗi ngày.

Câu chuyện về một bé trai 4 tuổi rơi từ chung cư Rice City Linh Đàm xuống tử vong một lần nữa dấy lên hồi chuông báo động về sự an toàn của trẻ em ở các khu chung cư. Sau mỗi cái chết đau lòng của trẻ, thì dư luận xôn xao bàn tán, nhưng sau đó thì mọi chuyện lại chìm đi và tính mạng các em vẫn luôn bị đe dọa. Sự an toàn cho trẻ em cần phải được những người có trách nhiệm và cha mẹ các em quan tâm nhiều hơn nữa.

Ảnh minh họa: Ngọc Dương/Thanh niên.

Câu chuyện xảy ra vào trưa chủ nhật vừa rồi, khi bố cháu bé gửi con cho chị vợ trông coi, nhưng người phụ nữ này đã đi ra ngoài, để cháu bé ở nhà một mình và sơ ý để cửa bị sập chốt không mở được. Trong khi người phụ nữ nhờ bảo vệ tòa nhà lên mở cửa thì cháu bé trèo lên cửa sổ không có chấn song và bị ngã xuống tầng 1. Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, bé trai được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Quân Y 103 ở quận Hà Đông, TP.Hà Nội, cách hiện trường khoảng 4 km, nhưng cháu đã tử vong.

Tại khu đô thị Linh Đàm, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tai nạn trẻ rơi từ tầng cao nhà chung cư xuống đất tử vong. Trước đó, tháng 7/2016, một tai nạn đau lòng khác cũng xảy ra khi bé gái 6 tuổi rơi từ tầng 11, chung cư Raibow xuống mái hiên tầng 2, tử vong tại chỗ. Còn tại TPHCM, đúng vào ngày đầu năm nay, một bé gái rơi từ trên cao xuống lầu 8 chung cư River Gate, phường 6, quận 4, TP.HCM tử vong. Trước đó, vào cuối tháng 12 năm ngoái, người dân một bé gái phát hiện trên nền đất chung cư Thủ Thiêm Sky, phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM khi đã tử vong. Thời điểm xảy ra vụ việc, bé nhà một mình xem ti vi và người lớn đi ra ngoài.

Ngoài các vụ trẻ em tử vong vì ngã từ chung cư cao tầng, sự an toàn của trẻ ở các chung cư còn bị đe dọa bởi các "vật thể lạ" từ trên cao rơi xuống dưới. Cuối tháng 12/2018, một bé trai 3 tuổi đang chơi đùa ở sân chung cư cao tầng Lotus house (nằm trên địa bàn phường Quang Trung, thành phố Nghệ An, tỉnh Nghệ An) bất ngờ bị một viên gạch từ toà chung cư rơi xuống trúng đầu và tử vong. "Hiểm họa vật thể bay” từ các chung cư cao tầng đã từng được cảnh báo nhiều lần từ nhiều năm nay.

Tuy nhiên, tại các khu đô thị lớn, các tòa nhà ngày càng cao, càng nhiều tầng, song ý thức của một số ít người ở các khu chung cư này không tương xứng, nên vẫn xảy ra chuyện vứt rác thải như: đầu thuốc lá, chai nhựa, giấy thải và bao bì các loại… Thậm chí, "những vật thể lạ" rơi tự do từ trên cao xuống đôi khi còn là: cái dao, khi thì thanh gỗ, viên gạch, hoặc mảnh vỡ của các chậu hoa...

Để xảy ra những tai nạn đau lòng cho trẻ em nguyên nhân cả từ hai phía: chủ quan và khách quan. Trách nhiệm trước hết là do người trông coi các em đã làm không tròn trách nhiệm. Trẻ em thường hay tò mò, khám phá và leo trèo nên nhiều tai nạn thương tâm đã xảy ra. Nhiều tai nạn xảy ra khi bố mẹ để trẻ nhỏ ở nhà một mình và ban công của nhà không có lưới bảo vệ, nên các em có thể bị ngã nếu trèo ra đó chơi.

Sự mất an toàn của các khu chung cư còn thuộc về trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế. Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà ở và công trình công cộng - an toàn sinh mạng và sức khỏe.

Theo đó, các cạnh trống của sàn, ban công, lô gia, mái, giếng trời và các lỗ mở phải có lan can chắn và đảm bảo các yêu cầu: từ tầng 9 trở lên, lan can, rào chắn phải có chiều cao tối thiểu 1,4 m (các vị trí khác tối thiểu 1,1 m); phải có khả năng chịu được tác động của lực ngang và đảm bảo khe hở của lan can không đút lọt quả cầu có đường kính 100mm; không có cấu tạo để trẻ em dễ trèo qua lan can.

Các yêu cầu kỹ thuật này đã được nghiên cứu, cân nhắc nhằm đảm bảo an toàn sinh mạng, phù hợp với điều kiện khí hậu, môi trường ở Việt Nam, đồng thời đảm bảo khả năng cứu nạn, cứu hộ và tự thoát nạn khi xảy ra cháy.

Thế nhưng, nhiều chủ đầu tư đã "lờ đi" các qui định này, nên nhiều tòa nhà cao tầng không có rào chắn ban-công, rất nguy hiểm cho cư dân sống tại đây. Câu chuyện này cho thấy "lỗ hổng" của việc thanh tra, kiểm tra của các ngành chức năng, rất cần được khắc phục một cách nghiêm túc.

Nhiều gia đình đã phải "tự cứu" con em mình bằng cách: lắp thêm lưới kín lên sát trần nhà; không để bàn, ghế hay vật gì có thể giúp trẻ trèo lên cao ở ban công và tuyệt đối không bao giờ để trẻ dưới 5 tuổi ở nhà một mình. Ban quản lý các chung cư cũng cần tăng cường giám sát, huấn luyện trẻ em về nhận biết nguy hiểm, như: không được leo trèo ngoài ban công, lan can cầu thang, lô gia... Để không còn các "vật thể bay" rơi xuống đe dọa các em khi đang vui chơi ở sân, Ban quản lý các tòa nhà cần tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân và có hình thức xử lý thật nghiêm đối với những người vi phạm.

Không nên chỉ "kêu trời", mà sự an toàn của trẻ em phụ thuộc vào việc làm của bạn, của tôi, của tất cả chúng ta mỗi ngày!.

Theo VOV/GĐPL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Kiên quyết chống “chạy chức, chạy quyền”

Đó là nhấn mạnh của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính tại hội nghị giao ban trực tuyến tháng 2 của Ban Tổ chức TƯ, diễn ra chiều qua (4/3) tại Hà Nội.

Công ty Kim Oanh “đá” trách nhiệm trong thương vụ bán đấu giá nghìn tỷ ở Bình Dương?

Mới đây, Công ty Kim Oanh đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng và báo chí thông tin chính thức về việc mua đấu giá dự án KDC Hòa Lân (Bình Dương). Tuy nhiên, những lập luận mà công ty này đưa ra có dấu hiệu “đá” trách nhiệm và đổ lỗi cho các cơ quan chức năng, trong đó có cả Thanh tra Bộ Tư pháp?