Áp lực lạm phát năm 2023 ra sao?

08/01/2023 13:34

Kinhte&Xahoi Nhiều dữ liệu phân tích cho thấy áp lực lạm phát tại Việt Nam trong năm 2023 sẽ không quá lớn. Lạm phát so với cùng kỳ được dự báo có xu hướng giảm dần sau khi đạt đỉnh vào tháng 1/2023.

Dự báo áp lực lạm phát năm 2023 không quá lớn. (Ảnh minh họa)

Tại Hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2022 và dự báo 2023” do Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) vừa tổ chức, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính đã đưa ra một loạt dẫn chứng để nhận định áp lực lam phát của Việt Nam trong năm 2023 là không quá lớn.

Thứ nhất, trước áp lực lạm phát cơ bản gia tăng bền vững từ giữa năm 2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng trong nửa sau năm 2022. Theo các số liệu được Tổng cục Thống kê công bố, tổng phương tiện thanh toán đến ngày 21/12/2022 mới tăng 3,85% so với cuối năm 2021, trong khi đến ngày 20/6/2022 đã tăng 3,3%, tức là cung tiền gần như không tăng trong nửa sau của năm 2022. Đồng thời, mặt bằng lãi suất năm 2022 đã tăng khoảng 2-2,5 điểm phần trăm so với năm 2021. “Đây sẽ là những nhân tố có tác động kiềm chế lạm phát trong năm 2023…” - Chuyên gia khẳng định.

Thứ hai, áp lực về tỷ giá cũng đã giảm đáng kể từ cuối năm 2022. Trên thị trường quốc tế, nhiều khả năng chỉ số đồng đô la đã đạt đỉnh vào tháng 9/2022 và đang trong xu hướng giảm giá, mặc dù sẽ có những giai đoạn phục hồi trong năm 2023. Ở thị trường trong nước giá USD cũng đã giảm mạnh trong tháng 12/2022. Tính từ cuối năm 2021 đến cuối năm 2022, VND chỉ giảm giá khoảng 3,7% so với USD.

Thứ ba, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đang gia tăng cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ tại các nước phát triển. Mặc dù lạm phát tại các nước phát triển nhiều khả năng đã đạt đỉnh, nhưng hiện vẫn ở mức cao so với mục tiêu. Xu hướng tăng lãi suất tại Mỹ và châu Âu nhiều khả năng vẫn tiếp tục trong giai đoạn đầu năm 2023.

Cùng với đó, việc tăng trưởng tại các nước phát triển được dự báo sẽ chậm lại đáng kể (IMF dự báo kinh tế thế giới trong năm 2023 chỉ tăng trưởng 2,7%), thậm chí rơi vào suy thoái tác động đến lạm phát tại Việt Nam theo 2 kênh: Một mặt, tổng cầu đối với hàng hóa của Việt Nam sẽ tăng trưởng chậm lại do nền kinh tế có độ mở lớn. Mặt khác, nguy cơ suy thoái toàn cầu sẽ gây áp lực giảm giá hàng hóa cơ bản trên thế giới. Bởi vậy, giá xăng dầu và các loại nguyên vật liệu trong năm 2023 sẽ khó tăng mạnh ngay cả khi Trung Quốc mở cửa lại nền kinh tế hay các rủi ro liên quan đến xung đột Nga – Ukraine gia tăng. Thực tế, giá dầu trung bình năm 2022 đang ở vùng đỉnh.

“Như vậy, các áp lực đối với lạm phát từ các biến số như tiền tệ, tỷ giá hay giá nhiên, nguyên vật liệu nhiều khả năng đã đạt đỉnh trong năm 2022 và sẽ giảm trong năm 2023. Trên thực tế, lạm phát đã có dấu hiệu hạ nhiệt trong tháng 12/2022, khi lạm phát cơ bản chỉ tăng 0,33% so với tháng trước. Tuy nhiên, áp lực tăng giá điện, giá một số dịch vụ do Nhà nước kiểm soát trong năm 2023 sẽ lớn hơn so với năm 2022, nhưng tác động cụ thể còn phụ thuộc vào thời điểm và mức độ điều chỉnh giá của cơ quan quản lý…” - Chuyên gia phân tích, đồng thời nhận định, năm 2022, trong bối cảnh giá hàng hóa cơ bản và tỷ giá tăng mạnh, CPI đã tăng trung bình khoảng 0,37%/tháng. Nhưng với áp lực lạm phát được dự báo sẽ giảm trong thời gian tới như phân tích ở trên, tốc độ tăng CPI trung bình hàng tháng trong năm 2023 sẽ giảm đáng kể so với năm 2022.

Theo đó, lạm phát so với cùng kỳ có khả năng sẽ đạt đỉnh vào tháng 1/2023 và sau đó giảm dần về mức 3% vào cuối năm 2023. Lạm phát trung bình trong năm 2023 được dự báo sẽ nằm trong khoảng 3-4%, hay nói cách khác là xoay quanh mức 3,5% (+/- 0,5%). “Áp lực lạm phát trong năm 2023 có thể đến từ việc Nhà nước điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục cũng như giá điện. Mặc dù vậy, nếu việc điều chỉnh giá được thực hiện trong nửa cuối năm 2023 với mức điều chỉnh không quá lớn, mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4,5%, hay thậm chí dưới 4%, là hoàn toàn khả thi…” - TS. Nguyễn Đức Độ nhấn mạnh.

 Thanh Thanh - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Dự kiến tăng phí sát hạch lái xe từ 10-20%

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đóng góp đối với dự thảo Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sát hạch lái xe; lệ phí cấp bằng, chứng chỉ hoạt động trên các phương tiện và lệ phí đăng ký, cấp biển xe máy chuyên dùng. Đáng chú ý, theo dự thảo Thông tư, mức phí sát hạch lái xe sẽ tăng từ 10-20%.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/suc-khoe-doi-song/ap-luc-lam-phat-nam-2023-ra-sao-d188842.html