Áp thuế phân bón – Lợi cả dân và nước

01/11/2024 10:20

Kinhte&Xahoi Phân bón đang ở diện không phải chịu thuế - tưởng như đó là một lợi thế. Tuy nhiên tại nghị trường Quốc hội, các đại biểu đã khẩn thiết đề nghị đưa phân bón trở lại chịu thuế suất 5% như trước đây, với lý do: quy định này sẽ là một đòn bẩy cho việc phát triển nông nghiệp.

(ảnh minh hoạ).

Khó khăn từ việc bỏ thuế VAT với phân bón

Theo Luật Thuế giá trị gia tăng số 71, có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, các mặt hàng phân bón, máy móc, và thiết bị chuyên dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc nhóm không chịu thuế VAT. Chính sách này dù được kỳ vọng giúp người nông dân mua phân bón với giá rẻ hơn.

Nhưng sau 10 năm thực hiện, chính sách này đã bộc lộ những bất ổn, gây ảnh hưởng, bất lợi rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước suốt thời gian vừa qua. Theo phân tích, vì không phải chịu thuế, nên vì thuế VAT đầu vào của các doanh nghiệp này không được khấu trừ, phải hạch toán vào chi phí. Điều này đặt trong xu thế cung vượt cầu trên thị trường phân bón thế giới từ 2015 đến trước thời điểm dịch COVID-19 đã làm nhiều doanh nghiệp trong nước lỗ lớn, phải thu hẹp sản xuất.

Đại biểu quốc hội lên tiếng

Trong các phiên thảo luận Quốc hội, nhiều đại biểu đã lên tiếng ủng hộ việc đưa ra phân tích đồng ý với việc cần áp thuế VAT đối với phân bón. ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho rằng chính sách thuế cần phải đưa ra tỷ lệ nội địa hóa cho các ngành công nghiệp quan trọng như phân bón. ĐBQH Nghĩa thúc đẩy, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Việt Nam cần hướng đến tự chủ, tự cường, và để làm điều đó, các doanh nghiệp trong nước phải được hỗ trợ từ các chính sách thuế công bằng và hiệu quả .

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa chỉ ra rằng việc áp dụng thuế VAT 5% sẽ tạo điều kiện cho ngành phân bón nội địa phát triển mạnh hơn, từ đó cung cấp sản phẩm có giá cả hợp lý, chất lượng cao cho người dân nông thôn.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đồng Tháp, nói: phân bón không phải chịu thuế đã gây ảnh hưởng, bất lợi rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước suốt thời gian qua. Vì thuế giá trị gia tăng đầu vào của các doanh nghiệp này không được khấu trừ, phải hạch toán vào chi phí, bao gồm cả thuế đầu vào rất lớn đối với đầu tư, mua sắm sản phẩm cố định làm giá thành sản phẩm trong nước tăng cao, không thể cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu được, cho nên không công bằng đối với những sản phẩm phân bón sản xuất trong nước. Quan điểm của tôi là phải áp thuế suất 5% đối với ngành phân bón. Ngành phân bón hiện nay là loại hình bình ổn giá, cho nên nếu phân bón có lên thì Qũy bình ổn giá của nhà nước sẽ chi ra để đảm bảo phân bón không tăng cao như thời gian vừa qua.

Trên cơ sở phân tích nguyên tắc tài chính, đại biểu Trịnh Xuân An - Đồng Nai khẳng định: việc chúng ta áp dụng thuế 5% đối với phân bón sẽ có lợi được cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân: “Tôi cho rằng khi Chính phủ, Quốc hội bàn những lĩnh vực nhất là lĩnh vực liên quan đến người dân, liên quan đến doanh nghiệp thì chắc chắn chúng ta không thể ban hành một chính sách ảnh hưởng, gây thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp. Chúng ta hướng tới một chính sách tốt nhất cho nền kinh tế của người dân, doanh nghiệp. Tôi nghĩ việc chúng ta áp dụng thuế 5% đối với phân bón sẽ có lợi được cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.”

Đại biểu An phân tích thêm: “Thuế giá trị gia tăng phải có tính chất luân hồi, đầu vào và đầu ra phải đi cùng với nhau, không có nguyên lý đầu ra không chịu thuế mà đầu vào lại phải chịu. Tôi nhớ từ khi chúng ta làm Luật 71 đưa thuế giá trị gia tăng từ 5% về không chịu thuế, hồi đó ý tưởng định đưa vào, sau đó ta tính sẽ cho khấu trừ đối với doanh nghiệp, về sau ta không được khấu trừ nữa thì vô hình trung rất bất lợi cho doanh nghiệp. Tôi lấy một ví dụ, nếu doanh nghiệp có sản phẩm đầu vào mua khoảng 80 đồng thì họ sẽ chịu thuế giá trị gia tăng đầu vào là 8 đồng, bán giá phân bón ra là 100 đồng, nếu giá đó không được khấu trừ thì về nguyên tắc họ phải đưa vào chi phí, phải tính vào giá và giá đó sẽ là 108 đồng. Nếu chúng ta đưa vào 5% thì doanh nghiệp đó được khấu trừ đầu vào 8 đồng, ta cộng với 5% nữa thì giá chỉ còn 105 đồng. Khi làm giá phải theo nguyên tắc của kế toán, của tài chính, không phải đương nhiên chúng ta cứ áp dụng thuế 5% thì giá tăng lên 5%, ta phải tính tính chất của Luật Thuế trị gia tăng như vậy.”

“Tôi cho rằng doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu phải bình đẳng với nhau. Việc áp dụng thuế 5% chỉ ảnh hưởng tới doanh nghiệp nhập khẩu, còn doanh nghiệp trong nước chúng ta bảo vệ được và người dân của chúng ta sẽ có cơ hội được giảm giá. Nguyên tắc làm giá phải theo quy định của tài chính, không phải đương nhiên sẽ tăng lên 5% và người dân sẽ bị ảnh hưởng.”- đại biểu nói.

Cùng nỗi lo lắng, nhìn thừ góc độ kinh nghiệm từ quốc tế, đại biểu Đặng Bích Ngọc - Hoà Bình lo lắng việc Việt Nam áp dụng chính sách thuế như hiện nay sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước. Đại biểu cho biết: Các nước trên thế giới đều áp dụng thuế giá trị gia tăng đối với ngành phân bón. Ví dụ, Trung Quốc là quốc gia sản xuất và tiêu thụ phân bón lớn nhất thế giới hiện đang áp dụng thuế giá trị gia tăng ở mức 11% với phân bón. Đồng thời nước này cũng ban hành một số chính sách miễn giảm thuế tiêu thụ doanh nghiệp cho doanh nghiệp sản xuất phân bón, đặc biệt là những doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ, phân vi sinh, phân bón thân thiện với môi trường và những doanh nghiệp sản xuất phân bón đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển hoặc sử dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất.

Tương tự, như Nga đất nước xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới cũng đang áp dụng thuế suất giá trị gia tăng đối với ngành phân bón nhằm nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, góp phần bảo đảm an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững.

Đại biểu Đặng Bích Hòa khẳng định: Ngành phân bón đang đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, góp phần bảo đảm an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do vậy, cần có các chính sách thuế hỗ trợ phát triển ngành phân bón theo hướng phát triển bền vững kết hợp hài hòa giữa các sắc thuế trực thu và gián thu trong hệ thống thuế như thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường, thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp.

“Trường hợp tiếp tục giữ phân bón trong diện không chịu thuế giá trị gia tăng như hiện hành, có thể thấy các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón tiếp tục là đối tượng hưởng lợi từ việc phân bón không chịu thuế giá trị gia tăng tính từ thời điểm sửa đổi luật số 71. Đối tượng bị ảnh hưởng là tất cả các doanh nghiệp trong ngành sản xuất phân bón trong nước và ngành sản xuất này có thể bị thu hẹp dần và được thay thế bằng phân bón nhập khẩu. Khu vực nông nghiệp về lâu dài sẽ phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu và khó có thể thực hiện mục tiêu phát triển nền nông nghiệp bền vững, vì phân bón là đầu vào thiết yếu cho sản xuất nông nghiệp và chịu nhiều tác động của cung cầu thị trường trên thế giới.” bà Hòa lo lắng cho sự bền vững của nông nghiệp Việt Nam.

Giải pháp tiềm năm hướng tới nền tảng nông nghiệp phát triển bền vững

Việc đưa ra phân tích hoàn lại thuế GTGT 5% là một giải pháp tiềm năng để giải quyết các vấn đề hiện nay trong phân tích lớn. Chính sách này sẽ giúp giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của phân vùng nội địa, hỗ trợ nông dân trong việc sản xuất sản phẩm tối ưu hóa. Đồng thời, nó còn giúp thúc đẩy quá trình nội địa hóa ngành công nghiệp, hướng tới nền tảng nông nghiệp phát triển bền vững.

Đại biểu Quốc hội và các doanh nghiệp nông nghiệp đều kỳ vọng Nhà nước sẽ sớm đưa ra chính sách áp thuế VAT đối với phân bón. Vừa để ổn định giá cả thị trường, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp nông nghiệp tiếp tục đầu tư và phát triển. Chính sách này nếu được thông qua sẽ là bước đệm giúp người nông dân tự tin hơn trong quá trình sản xuất, phát triển kinh tế và ổn định cuộc sống.

phapluatplus.baophapluat.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Công an điều tra vụ Giám đốc trung tâm giám định y khoa tự ý sửa 29 kết quả giám định

Giám đốc Trung tâm Giám định y khoa Thanh Hóa đã tự ý sửa 29 kết quả giám định của 29 trường hợp làm thay đổi kết quả giám định, giúp các đối tượng hưởng lợi không đúng chế độ, chính sách của Nhà nước, quyền lợi của người tham gia BHXH bắt buộc và tham gia các loại hình bảo hiểm thương mại.

https://phapluatplus.baophapluat.vn/ap-thue-phan-bon-loi-ca-dan-va-nuoc-204190.html