Ba chính sách về giáo dục có hiệu lực từ tháng 2/2024

01/02/2024 06:30

Kinhte&Xahoi Trao quyền quyết định chọn sách giáo khoa cho các cơ sở giáo dục; Bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp THCS; Không đào tạo từ xa ngành sư phạm, sức khoẻ là 3 chính sách về giáo dục có hiệu lực từ tháng 2/2024.

Trao quyền quyết định chọn sách giáo khoa cho các cơ sở giáo dục

Từ ngày 12/2/2024, Bộ Giáo dục & Đào tạo chính thức trao quyền quyết định chọn sách giáo khoa cho các cơ sở giáo dục (trước đây là UBND cấp tỉnh) theo quy định tại Thông tư 27/2023/TT-BGDĐT.

Cụ thể, tại Điều 4, Bộ Giáo dục & Đào tạo quy định hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục do Hiệu trưởng cơ sở giáo dục hoặc Giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên, Giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, người đứng đầu các cơ sở giáo dục thành lập.

Mỗi cơ sở giáo dục thành lập 1 hội đồng lựa chọn sách giáo khoa.

Việc lựa chọn sách giáo khoa dựa trên các nguyên tắc: Lựa chọn sách giáo khoa trong danh mục sách giáo khoa đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo phê duyệt để sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục; Mỗi khối lớp lựa chọn 1 sách giáo khoa cho mỗi môn học, hoạt động giáo dục được thực hiện ở cơ sở giáo dục.

Việc lựa chọn sách giáo khoa bảo đảm thực hiện dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, vì quyền lợi của học sinh; Tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa là phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục.

Bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp trung học cơ sở

Quy chế xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở mới ban hành tại Thông tư 31/2023/TT-BGDĐT chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2024.

Theo đó, điều kiện xét tốt nghiệp trung học cơ sở có nhiều điểm mới như: Học sinh trung học cơ sở nghỉ quá 45 buổi vẫn được tốt nghiệp.

Trước đây, để tốt nghiệp trung học cơ sở thì học sinh không được nghỉ học quá 45 buổi học ở năm học lớp 9 (nghỉ một lần/nhiều lần cộng lại).

Bỏ xếp loại tốt nghiệp trung học cơ sở. Trước đây, kết quả tốt nghiệp của học sinh được xếp loại giỏi, khá, trung bình căn cứ vào hạnh kiểm và học lực.

Bằng tốt nghiệp THCS sẽ không còn ghi xếp loại giỏi, khá, trung bình. Ảnh; Linh Anh

Tổ chức xét tốt nghiệp trung học cơ sở 2 lần/năm. Theo Điều 3 Thông tư 31, các cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS được tổ chức xét công nhận tốt nghiệp nhiều nhất 2 lần trong năm có học sinh học hết lớp 9.

Lần xét công nhận tốt nghiệp thứ nhất được thực hiện ngay sau khi kết thúc năm học. Lần xét công nhận tốt nghiệp thứ hai (nếu có) được thực hiện trước khai giảng năm học mới. Trong khi trước đây, các cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS chỉ được xét tốt nghiệp 1 lần trong năm.

Quy chế này được áp dụng từ năm học 2024 - 2025.

Không đào tạo từ xa ngành sư phạm, sức khoẻ

Thông tư 28 của Bộ Giáo dục & Đào tạo sẽ có hiệu lực từ ngày 12/2, quy định về đào tạo từ xa với bậc Đại học. Theo quy chế, hình thức đào tạo từ xa là hình thức đào tạo có 50% tổng khối lượng của chương trình đào tạo trở lên được thực hiện theo một hoặc kết hợp giữa phương thức đào tạo từ xa mạng máy tính và viễn thông, thư tín, phát thanh - truyền hình.

Căn cứ vào chương trình chính quy, các trường sẽ xây dựng khung chương trình đào tạo từ xa cho phù hợp với hình thức về phương pháp dạy - học, thời lượng dạy - học, học liệu, đánh giá kết quả học tập, trong đó yêu cầu sử dụng chủ yếu phương thức mạng máy tính và viễn thông.

Thông tư 28 của Bộ Giáo dục & Đào tạo sẽ có hiệu lực từ ngày 12/2.

Thông tư cũng quy định, không thực hiện đào tạo từ xa các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề và nhóm ngành đào tạo sư phạm.

Các Đại học phải có phòng kỹ thuật với đầy đủ thiết bị của hệ thống đào tạo từ xa; có hệ thống quản lý tuyển sinh, đào tạo và cấp văn bằng; Có thư viện và thư viện điện tử với đầy đủ giáo trình, tài liệu; Có đủ học liệu chính và bổ trợ cho hai năm đầu của chương trình.

Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng đưa ra quy định đình chỉ hoạt động đào tạo từ xa - điều trước đây chưa nêu cụ thể. Các trường sẽ bị đình chỉ đào tạo từ xa khi không đáp ứng được một trong các yêu cầu tối thiểu ở trên. Thời gian đình chỉ từ 6 tháng đến một năm.

Ngoài ra, các trường chỉ được đào tạo từ xa với ngành được cấp phép và tuyển sinh được tối thiểu ba khóa chính quy. Trong khi đó, theo quy chế cũ ban hành từ năm 2017, các trường được đào tạo từ xa với tất cả ngành đã được phép đào tạo chính quy. Điều này cho thấy quy định mới chặt chẽ hơn.

Chương trình đào tạo từ xa được thực hiện ở Việt Nam từ năm 1993. Các trường được phép đào tạo hệ này đầu tiên có thể kể đến Đại học Mở Hà Nội và TP HCM. 

Hoa Tiên - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/giao-duc/ba-chinh-sach-ve-giao-duc-co-hieu-luc-tu-thang-2-2024-d203989.html