Bài cuối: Thước đo là hiệu quả và sản phẩm cụ thể

05/02/2022 19:50

Kinhte&Xahoi Nhằm khơi dậy sức mạnh văn hóa Thăng Long - Hà Nội, đúng như chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, thành phố đã bắt tay vào hành động bằng những việc làm cụ thể. Trong tương lai, hiệu quả của nhiệm vụ này cũng như thực hiện Nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hóa sẽ lấy sản phẩm làm thước đo.

Trong những ngày cuối năm Tân Sửu 2021, cán bộ và người dân xã Minh Quang, huyện Ba Vì không chỉ hân hoan trong không khí chuẩn bị đón mừng xuân mới Nhâm Dần 2022, mà còn phấn chấn khi chứng kiến di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền Hạ, thuộc quần thể Cụm di tích lịch sử - văn hóa Tản Viên Sơn Thánh trên địa bàn được tôn tạo. “Nhìn ngôi đền quê hương xuống cấp từng ngày chúng tôi xót lắm. Nay thấy thành phố cho tu sửa, chúng tôi mừng lắm”, bà Lê Thị Đức, xã Minh Quang nói. 

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho biết: “Do được xây dựng cách đây hàng trăm năm, chịu tác động của thời tiết, đền Hạ bị xuống cấp ngày càng nghiêm trọng. Năm 1993, nhân dân địa phương và khách thập phương công đức đã thực hiện tu bổ đền Hạ, nhưng công trình tiếp tục xuống cấp”. Cách đây vài năm, dự án tôn tạo đã được khởi động, nhưng do vướng mắc về vốn nên bị đình trệ. Khi biết được tình hình này, trên cơ sở đề xuất của huyện, lãnh đạo thành phố, trực tiếp là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo tháo gỡ và nhờ đó, dự án được khởi công. 

“Dự án này sẽ mở đầu cho chuỗi các dự án phục dựng các di tích quan trọng tạo sức bật mới cho du lịch văn hóa, lịch sử Thủ đô như điện Kính Thiên (Hoàng thành Thăng Long), đền thờ Ngô Quyền (Khu di tích Cổ Loa, huyện Đông Anh), chùa Trầm (huyện Chương Mỹ)...”, Bí thư Thành ủy Hà Nội chia sẻ.

Những dự án, công trình kể trên thực sự được chờ mong không chỉ bởi đông đảo người dân Thủ đô và người yêu Hà Nội trong và ngoài nước, mà còn bởi niềm tin từ các chuyên gia, nhà khoa học. Nói về khả năng phục dựng điện Kính Thiên, GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và Phát triển Thủ đô khẳng định: “Hoàn toàn có cơ sở”. Ông cho rằng, trên thế giới có những di tích không có cơ sở như điện Kính Thiên của Thăng Long - Hà Nội, nhưng họ đã phục dựng thành công. 

Trưởng Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft thì cam kết, UNESCO sẵn sàng huy động các nước và các tổ chức quốc tế để giúp đỡ Hà Nội bảo tồn Khu di sản Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Ông khuyên Hà Nội nên tham vấn ý kiến của Hội đồng Di sản thế giới để bảo đảm việc phục dựng các di tích như điện Kính Thiên không ảnh hưởng đến các giá trị toàn cầu của di sản. 

Trong khi đó, với Khu di tích lịch sử văn hóa cách mạng chùa Trầm, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến từng nhìn nhận: “Việc quy hoạch, đầu tư, tôn tạo Khu di tích lịch sử văn hóa cách mạng chùa Trầm nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch, văn hóa, lịch sử, tâm linh là một yêu cầu cấp thiết, phù hợp với định hướng phát triển của thành phố; thể hiện lòng biết ơn sâu sắc công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại với quê hương Chương Mỹ nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung; để chùa Trầm trở thành “địa chỉ đỏ” trong hành trình về nguồn, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau”.

Chủ trương này cũng chính là niềm mong mỏi của đông đảo nhân dân không chỉ xã Phụng Châu mà của cả huyện Chương Mỹ. Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Đình Hoa khẳng định, việc thành phố cho phép tôn tạo Khu di tích chùa Trầm sẽ giúp hình thành một điểm sinh hoạt chính trị, giáo dục truyền thống yêu nước, điểm du lịch văn hóa cách mạng đặc sắc của huyện. 

Có thể nói, Hà Nội đang đi đúng hướng với những “sản phẩm” rất cụ thể. Tuy nhiên, để phát huy sức mạnh văn hóa Thăng Long - Hà Nội, biến những tiềm năng còn tiềm ẩn dưới tầng tầng lớp lớp trầm tích văn hóa nghìn năm sống dậy thành động lực phát triển kinh tế, đem lại ấm no cho người dân các địa phương đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. 

Đúng như Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã khẳng định, phát triển văn hóa phải đặt trong tổng thể phát triển chung, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh; hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Xây dựng và phát triển văn hóa, con người là sự nghiệp lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, thận trọng; luôn tìm tòi, đổi mới tư duy phát triển, vừa bảo đảm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, bảo đảm “đúng vai, thuộc bài” đối với từng cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa.

Muốn làm tốt, cấp ủy, chính quyền các cấp của thành phố cần chỉ đạo hoạch định chiến lược phát triển văn hóa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô; bảo đảm bố trí nguồn lực đầu tư phù hợp, tạo cơ chế thuận lợi thu hút nguồn lực xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển. Trong quá trình đó, chúng ta phải đặt Hà Nội trong dòng chảy của thời đại và đất nước, quyết tâm xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Khơi dậy sức mạnh văn hóa Thăng Long - Hà Nội nay phải gắn với thúc đẩy mạnh mẽ việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng “Thành phố sáng tạo”. 

Các chuyên gia cũng góp thêm cho Hà Nội nhiều vấn đề cần lưu ý và cả những gợi ý để hiện thực hóa mục tiêu đưa văn hóa trở thành nguồn lực nội sinh. Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân sáng tạo Lê Quốc Vinh cho rằng, Hà Nội vẫn còn thiếu những chính sách hiệu quả, đột phá để huy động nguồn đầu tư thúc đẩy công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo phát triển.

Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia Việt Nam Đặng Văn Bài nêu đề xuất: “Hợp tác công - tư là một giải pháp để thúc đẩy công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, thành phố cần tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở, khoa học - công nghệ cho các ngành văn hóa sáng tạo; kết nối giữa truyền thống và hiện đại trong sản phẩm công nghiệp văn hóa; có cơ chế tài chính thu hút vốn cho công nghiệp văn hóa...”.

Các chuyên gia còn khẳng định, "điểm nghẽn" ngăn chặn việc phát huy sức mạnh văn hóa hay ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam tăng tỷ trọng đóng góp cho GDP hiện nay là chưa có sự đồng bộ, liên thông giữa các chính sách đầu tư phát triển văn hóa giữa các bộ, ngành. Đối với cấp độ địa phương như Hà Nội, vấn đề tương tự cũng đang tồn tại. 

Theo GS. Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, yếu tố quan trọng nhất quyết định hiệu quả đầu tư cho văn hóa là con người, nghĩa là đầu tư cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhân viên chuyên môn, người hoạt động các phong trào, văn nghệ sỹ, đội ngũ trí thức hoạt động văn hóa… Ông cũng cho rằng, Hà Nội cần phải tính toán và thiết kế quy hoạch để bảo đảm sự kết nối hạ tầng đồng bộ với các yếu tố văn hóa mới có thể khơi dậy được sức mạnh văn hóa.

Có thể thấy, văn hóa là một ưu thế tuyệt đối, riêng có của Thăng Long - Hà Nội, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô còn rất nhiều việc phải làm để thực sự khơi dậy sức mạnh này, biến tiềm năng văn hóa thành những sản phẩm tạo động lực cho phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân. 

Nhưng rõ ràng, từ nhận thức đến quan điểm, mục tiêu, nhất là việc ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa đã là bước đột phá của Hà Nội. Để hiện thực hóa chủ trương này còn nhiều việc phải làm, nhiệm vụ khơi dậy sức mạnh văn hóa Thăng Long - Hà Nội còn rất khó khăn, nhưng Hà Nội đã bắt tay vào làm, đã có những bước khởi đầu với những công trình cụ thể. 

 

Khi bàn về những khó khăn của chủ trương này, các đồng chí lãnh đạo thành phố từng chia sẻ, “đường tuy khó đi, nhưng nếu không đi thì sẽ không bao giờ tới”. Bây giờ Hà Nội đã chọn cách là phải đi cho dù khó khăn đến đâu. 

Ý chí quyết tâm và khát vọng chinh phục ấy chắc chắn sẽ có kết quả xứng đáng. 

Theo Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

6 ngày nghỉ Tết Nguyên đán: Số ca cấp cứu do tai nạn giao thông giảm, số ca khám, cấp cứu do tai nạn pháo nổ tăng 9,2%

Chiều 5/2, theo báo cáo nhanh về tình hình khám chữa bệnh, cấp cứu, tai nạn, ngộ độc của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trong 6 ngày nghỉ Tết Nhâm Dần 2022 (từ 29 Tết đến mùng 5 Tết), số ca cấp cứu do tai nạn giao thông giảm, số ca khám, cấp cứu do tai nạn pháo nổ tăng 9,2%.

Nguồn: Hà Nội mới http://www.hanoimoi.com.vn/mega-story/van-hoa/1023574/bai-cuoi%c2%a0thuoc-do-la-hieu-qua-va-san-pham-cu-the