Bài học chống dịch Covid-19 tại Hà Nội: Sức mạnh của sự đồng lòng

22/04/2020 16:09

Kinhte&Xahoi Từ một địa bàn nóng với số ca nhiễm Covid-19 dẫn đầu cả nước, thế nhưng, đã 7 ngày qua (từ ngày 15-4 đến nay), Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới. Những giải pháp quyết liệt từ rất sớm, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tổ chức xét nghiệm rộng rãi, cách ly, khoanh vùng nghiêm ngặt, chính là những cách làm hiệu quả và một lần nữa cho thấy sức mạnh của sự đồng lòng trong cuộc chiến chống "giặc” Covid-19.

Lấy mẫu máu cho người dân tại trạm xét nghiệm nhanh trên phố Trần Đại Nghĩa (quận Hai Bà Trưng). Ảnh: Quang Thái

Quyết liệt như mệnh lệnh thời chiến 

Cách đây 1,5 tháng, vào ngày 6-3, kể từ khi ca bệnh Covid-19 thứ 17 xuất hiện tại Việt Nam cũng là ca bệnh đầu tiên của Hà Nội, công tác phòng, chống dịch của Thủ đô bắt đầu bước vào giai đoạn nóng bỏng. Khi đó, Hà Nội đã triển khai rất nhanh chóng các kịch bản đã đề ra. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ đã truy xuất được các trường hợp F0, F1, F2, F3… Thành phố cũng đã thực hiện cách ly nghiêm ngặt toàn bộ những người trên các chuyến bay từ vùng dịch về. Nhiều điểm cách ly tập trung được hình thành, những người đi từ vùng dịch về đều được xét nghiệm sàng lọc và cách ly 14 ngày. Biện pháp này đã giúp ngăn chặn hiệu quả, triệt để nguồn lây từ bên ngoài.

Dù vậy, cuộc chiến chống "giặc" Covid-19 trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, khi nguồn lây bị mất dấu, bắt đầu từ việc bùng phát ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai. Khi đó, thành phố chính thức kích hoạt giai đoạn 3 của cuộc chiến với việc áp dụng các biện pháp cao hơn để ngăn chặn dịch bệnh.

Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội cho biết, thời điểm đó Ban Chỉ đạo của thành phố đã tổ chức các phiên họp trực tuyến 2 ngày/lần, bên cạnh việc họp đột xuất, khẩn cấp để cập nhật thường xuyên chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí Thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và hướng dẫn của Bộ Y tế, ứng trực 24/7 để nắm sát diễn biến dịch bệnh; kịp thời chỉ đạo, xử lý ngay những vấn đề phát sinh, quyết liệt như mệnh lệnh thời chiến với phương châm “4 tại chỗ”. Và những biện pháp này đã phát huy tác dụng, khi một số ổ dịch bùng phát tại đâu lập tức bị khoanh vùng, dập dịch tại đó.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, cuộc chiến chống dịch Covid-19 thể hiện rõ sức mạnh của tinh thần đoàn kết, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thành phố. Cùng với các lực lượng xung kích - các y, bác sĩ, công an, quân đội thì tại các địa phương, sự quyết liệt của các đảng viên, nhất là cán bộ ở thôn, xóm, tổ dân phố đã góp phần vào thành công bước đầu của thành phố trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Những bí thư chi bộ tổ dân phố, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn đã tích cực “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, rà soát những trường hợp đi, về từ vùng dịch, những trường hợp tiếp xúc với người bệnh; vận động họ thực hiện cách ly, theo dõi sức khỏe và kê khai y tế…

Khi thành phố thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhiều cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh trên địa bàn đã bỏ qua lợi ích kinh tế, tự giác, nghiêm túc chấp hành… Đặc biệt, trong những ngày qua, nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã chung sức, đồng lòng ủng hộ thành phố trong công tác phòng, chống dịch bệnh và giúp đỡ những người khó khăn chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19…

Được Bộ Y tế phân công hỗ trợ thành phố dập dịch, PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương nhận xét, Hà Nội được xác định là “điểm nóng” của dịch Covid-19 do là một địa bàn đông dân, phức tạp về mặt dịch tễ. Thế nhưng, thời gian qua, thành phố đã triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác phòng, chống dịch. Bạn bè quốc tế cũng bày tỏ ngưỡng mộ đối với công tác phòng, chống dịch của Hà Nội. “Ngay tại ổ dịch thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, người dân nơi đây không chỉ được xét nghiệm sàng lọc nguy cơ, mà còn được bảo đảm đầy đủ nhu yếu phẩm, giúp họ yên tâm thực hiện cách ly. Nếu biện pháp khoanh vùng đều được thực hiện nghiêm túc như hiện nay, thì dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi”, PGS.TS Trần Như Dương nói.

Lực lượng ứng trực tại chốt kiểm soát y tế đo thân nhiệt cho người dân trước khi vào địa bàn xã Liên Hà (huyện Đông Anh). Ảnh: Nguyễn Quang

“Chung sống an toàn”, nhưng không được chủ quan 

Hiện, trên địa bàn thành phố có 112 ca mắc Covid-19, trong đó có 75 trường hợp đã khỏi bệnh. Từ ngày 15-4 đến nay, thành phố không có thêm ca mắc mới. Có thể nói, thành phố đã và đang kiểm soát cơ bản dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Khắc Hiền cho rằng, đây là những tín hiệu đáng mừng, nhưng cũng dễ làm nảy sinh tâm lý chủ quan, lơ là các biện pháp phòng, chống dịch của một số người dân. Bên cạnh đó, Hà Nội được xác định nằm trong nhóm nguy cơ cao lây nhiễm Covid-19, vẫn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh ca bệnh, ổ dịch mới. Do đó, thời gian tới, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương cũng như của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, “chung sống an toàn” với dịch bệnh nhưng không được chủ quan.


PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, trong thời gian tới, vẫn có thể có những ổ dịch nhỏ xảy ra. Do đó, điều quan trọng là không để những ổ dịch nhỏ này như đốm lửa nhỏ bùng cháy thành đám lửa. “Có thể có những sự điều chỉnh cần thiết trong vấn đề cách ly xã hội. Dù vậy, trong giai đoạn này, người dân Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung tuyệt đối không được chủ quan, hạn chế ra đường nếu không có việc thực sự cần thiết, không tập trung đông người, đeo khẩu trang khi ra ngoài, rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách từ 2m trở lên khi tiếp xúc, thực hiện theo khuyến cáo phòng bệnh của Bộ Y tế”, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Link bài gốc http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/965299/bai-hoc-chong-dich-covid-19-tai-ha-noi-suc-manh-cua-su-dong-long?fbclid=IwAR2oF_08rfS5dwrVT4u2YwBYHgyAbbHHUdrQ2SiodWvIV66WTJ-pVAK-zJQ