Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Ngày hội đại đoàn kết các dân tộc tại Lai Châu.

Đây cũng là năm thứ 20 cả nước tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết” ở khu dân cư nhằm tiếp tục xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới.

Lịch sử dân tộc Việt Nam từ xưa tới nay, dòng chủ lưu chính là sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Đoàn kết dân tộc đã được hình thành và củng cố trong hàng ngàn năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Tinh thần này thấm đẫm vào tư tưởng, tâm hồn của mỗi người con đất Việt và đại đoàn kết dân tộc tiếp tục là nội dung tư tưởng chính của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ của Đảng và dân tộc, là hiện thân của sự đoàn kết. Người dạy: “Đoàn kết là sức mạnh vô địch của chúng ta. Bản Cương lĩnh chính trị của Mặt trận là ngọn cờ đại đoàn kết toàn thể nhân dân miền Nam để cùng nhau chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi cuối cùng. Nhân dân ta đã đoàn kết, càng đoàn kết rộng rãi và chặt chẽ hơn nữa!”. (Trích Thư gửi đồng chí Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam).

Sự ra đời của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã minh chứng cho việc đổi mới phương thức hoạt động, tập hợp đông đảo lực lượng quần chúng nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy sức mạnh nội lực nhằm thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Dự và chung vui Ngày hội với bà con nhân dân ở phường Điện Biên, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Ngày hội chính là dịp để các cấp ủy đảng, chính quyền gặp gỡ, tiếp xúc và lắng nghe ý kiến của nhân dân; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; cùng với nhân dân bàn bạc, trao đổi, xây dựng giải pháp thực hiện có hiệu quả mọi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh...

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, khi phát biểu tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc của liên ấp Nhơn Thọ 1, Nhơn Thọ 1A, Nhơn Thọ 2 (xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ), việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” tại cấp cơ sở, tại thôn, bản, ấp, khu dân cư là nhằm tập hợp, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tinh thần đại đoàn kết không chỉ có một ngày hội (18/11 hằng năm) mà "tinh thần này thể hiện hàng ngày, hàng giờ ở cấp cơ sở, trên tất cả các lĩnh vực".

Phát biểu tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc cùng nhân dân tổ dân phố 1, phường An Hòa, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng khẳng định sự đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong nhân dân là một truyền thống vô cùng quý báu của dân tộc Việt Nam, là sức mạnh nội sinh, là động lực quan trọng, nhân tố để đất nước, nhân dân Việt Nam đạt được những thắng lợi to lớn từ trước đến nay.

Chúng ta đang xây dựng 3 trụ cột của chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN): Xây dựng nền dân chủ XHCN, Nhà nước pháp quyền XHCN và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Xây dựng nền dân chủ XHCN là phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh bên trong và bên ngoài, nội lực và ngoại lực, phát huy tối đa yếu tố con người, vừa là chủ thể, là trung tâm của sự phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng đơn thuần. Thủ tướng nhấn mạnh: "Mọi chính sách đều hướng về người dân và người dân tham gia xây dựng chính sách".

“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công” – là câu nói giản dị của Bác Hồ, nhưng từ lâu đã trở thành khẩu hiệu hành động của Đảng ta, dân tộc ta. Đó mãi mãi là nguyên nhân của mọi thắng lợi.

 Ngô Đức Hành - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/nha-nuoc-va-phap-luat/bai-hoc-dai-doan-ket-d186790.html