Bài học từ những ngày đại dịch

18/04/2020 16:00

Kinhte&Xahoi Những ngày gần đây, bên cạnh những tin tức nóng hổi về cuộc chiến đấu phòng chống dịch bệnh, những con số mới nhất về số ca dương tính, những người khỏi bệnh… có một thông tin khá thu hút sự chú ý của cộng đồng.

Đó là việc Bộ GD&ĐT ban hành Dự thảo Thông tư quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học để lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng xã hội. Đã và sẽ có nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các bậc phụ huynh góp phần hoàn thiện dự thảo này để có một quy định phù hợp, khoa học.

Một vấn đề được nhiều người quan tâm, có ý kiến, đó là việc đánh giá phẩm chất, năng lực của học sinh. Trong số những phẩm chất, năng lực để đánh giá học sinh được nêu trong dự thảo (bao gồm Phẩm chất chủ yếu, Năng lực chung, Năng lực đặc thù) thì Phẩm chất chủ yếu bao gồm lòng yêu nước, tinh thần nhân ái, đức tính chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm là nội dung được nhiều người quan tâm.

Đánh giá ban đầu là những tiêu chí yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm cần rõ ràng, cụ thể hơn. Nếu chỉ nêu như vậy, có thể coi là tiêu chí chung về phẩm chất mà mỗi học sinh, thậm chí là mỗi công dân nói chung cần có, chưa rõ đặc thù của lứa tuổi tiểu học. Với lứa tuổi này, mọi mục tiêu để các em rèn luyện, hướng tới đều phải hết sức cụ thể. Cũng bởi vậy, với các em nhỏ một trong những biện pháp giáo dục hiệu quả, cần thiết là sự nêu gương của người lớn.

Thực tế, những ngày cả nước chung tay chống dịch này đã cho thấy một ví dụ có thể chứng minh nhận định trên. Thời gian thực hiện cách ly xã hội những ngày qua cũng là lúc mà những người lớn, từ cha mẹ, ông bà, thầy cô giáo có điều kiện và cần phải làm gương cho con, cháu, học trò. Đây cũng là thời điểm mà những bài học về lòng yêu nước, tính trung thực, lòng nhân ái, tinh thần trách nhiệm giữa các thành viên trong gia đình với nhau, với cộng đồng được thể hiện một cách sống động, cụ thể.

Bài học về sự làm gương đang diễn ra hằng ngày trong mùa dịch bệnh, không chỉ ở gia đình mà cả trong cộng đồng, xã hội. Từ việc rửa tay, đeo khẩu trang, không tụ tập đông người… cho đến những hành động thể hiện tình tương thân tương ái, tinh thần trách nhiệm… các bậc phụ huynh, thầy cô giáo đều có thể và cần phải làm gương cho trẻ nhỏ.

Bên cạnh những công việc mà mỗi người, mỗi ngành với vị trí của mình cần làm tốt để chung tay chống dịch thì việc mỗi người dân thực hiện khẩu hiệu ở yên một chỗ là yêu nước, trung thực khai báo y tế, nhân ái chia sẻ, có trách nhiệm với cộng đồng… đều là những biểu hiện rất cụ thể về những phẩm chất được coi là chủ yếu này. Và đó cũng chính là những bài học dễ hiểu, dễ làm theo.

Chúng ta vẫn hay nói, trong cái rủi, có cái may. Qua đợt đại dịch này, chắc rằng sẽ hình thành và được duy trì những nền nếp tốt trong sinh hoạt của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng. Nên chăng, có thể coi sự nêu gương của người lớn cũng là một trong những nền nếp tốt cần được phát huy, kể cả trong cuộc sống cũng như rèn rũa trẻ nhỏ?

Hà Nội đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tiếp tục kéo dài thời gian cách ly xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 cho đến hết ngày 22/4. Đây là việc làm cần thiết và cũng là thử thách lớn với mỗi người dân Hà Nội. Trong điều kiện như vậy, một lần nữa sự nêu gương càng trở nên cần thiết, không chỉ là của người lớn với trẻ nhỏ, mà còn của mỗi công dân ở vị trí của mình, thể hiện những phẩm chất tốt đẹp mà chúng ta đang muốn hình thành, nuôi dưỡng ở con em ngay từ lứa tuổi tiểu học được đưa ra trong Dự thảo Thông tư quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học đang được xin ý kiến. Đó phải chăng cũng là bài học mà chúng ta có thể rút ra từ những ngày chung tay chống dịch?

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Việt Nam - câu chuyện thành công trong đại dịch Covid-19

Bất chấp đại dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) vẫn tiếp tục hoành hành trên thế giới, Việt Nam đã thành công trong việc hạn chế lây lan cũng như thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Nỗ lực chống dịch của Việt Nam được thế giới ghi nhận và đánh giá cao.

Link bài gốc http://kinhtedothi.vn/bai-hoc-tu-nhung-ngay-dai-dich-381543.html