Bàn giao nguyên trạng Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho thành phố Hà Nội

29/06/2023 19:02

Kinhte&Xahoi Chiều 29-6, tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã đi khảo sát và làm việc nhằm thúc đẩy việc bàn giao Khu công nghệ cao cho thành phố Hà Nội.

Tham gia đoàn có các Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định, Nguyễn Hoàng Giang; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền...

Quang cảnh buổi làm việc của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ với Ban quản lý khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Thực hiện bàn giao ngay khi Chính phủ có nghị quyết

Theo báo cáo tại buổi khảo sát, Khu công nghệ cao Hòa Lạc có diện tích theo quy hoạch là 1.586ha, nằm trên địa bàn hai huyện Thạch Thất, Quốc Oai, được quy hoạch thành 8 khu chức năng và các khu vực phụ trợ như hồ, vùng đệm, cây xanh. Quy mô dân số Khu công nghệ cao theo dự báo đến năm 2030 là 229.000 người, trong đó dân số thường trú khoảng 99.300 người. Tính đến tháng 5-2023, tổng diện tích đã giải phóng mặt bằng là 1.410ha, diện tích còn lại là 176ha, trong đó huyện Quốc Oai là 8,67ha, huyện Thạch Thất là 167,33ha.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng tham quan mô hình Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Tính đến nay, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã thu hút được 106 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 85.600 tỷ đồng và 702,57 triệu USD trên tổng diện tích 380ha, trong đó có 92 dự án trong nước, và 14 dự án đầu tư nước ngoài, có nhiều doanh nghiệp công nghệ hàng đầu. Trong 106 dự án trên, có 60 dự án đang hoạt động, góp phần tạo việc làm cho khoảng 14.500 lao động có tay nghề. Trong năm 2022, doanh thu của các doanh nghiệp tại khu đạt khoảng 18.000 tỷ đồng. Đa số các nhà đầu tư tại khu đang trong trong giai đoạn được hưởng các ưu đãi, nên đóng góp cho ngân sách chưa nhiều, trong năm 2022, số tiền nộp ngân sách nhà nước mới đạt khoảng 1.200 tỷ đồng.

Nhiều dự án đầu tư tại đây đã làm chủ được công nghệ lõi, có những thành tựu quan trọng, bước đầu lan tỏa và đóng góp vào nền kinh tế trong giai đoạn vừa qua...

Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao Hoà Lạc Lưu Hoàng Long trình bày báo cáo tại hội nghị.

Cũng theo báo cáo, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc gồm 5 đơn vị quản lý nhà nước và 2 đơn vị sự nghiệp khoa học - công nghệ công lập. Tổng số nhân sự Ban Quản lý hiện nay là 239 người, trong đó có 38 công chức, 12 viên chức, 44 lao động hợp đồng, 145 lao động hợp đồng tại các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Đảng bộ Ban Quản lý là đảng bộ cơ sở trực thuộc Đảng bộ Bộ Khoa học và Công nghệ, có 5 chi bộ và 106 đảng viên.

Về tình hình chuẩn bị công tác bàn giao, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Phạm Thị Vân Anh cho biết, ngày 20-6-2023, Bộ Khoa học và Công nghệ đã làm việc với thành phố Hà Nội và thống nhất một số nội dung: Về thời gian, việc bàn giao, tiếp nhận được thực hiện sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc chuyển giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Phạm vi bàn giao là nguyên trạng với lộ trình từng bước theo từng nhóm nội dung. Đối với những nội dung có thể bàn giao ngay, thực hiện ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết. Đối với những nội dung còn khó khăn, vướng mắc, chưa đủ căn cứ pháp lý, hai bên báo cáo Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, UBND thành phố đã thành lập Tổ công tác sẵn sàng tiếp nhận chuyển giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc ngay khi Chính phủ ban hành Nghị quyết, dự kiến diễn ra vào tháng 7 tới.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại hội nghị.

Đưa Khu công nghệ cao Hòa Lạc thành trung tâm thành phố phía Tây

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, việc bàn giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc về thành phố Hà Nội là thực hiện nội dung Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị. Đây là điều kiện quan trọng để xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực với hạt nhân là Khu công nghệ cao Hòa Lạc, các viện nghiên cứu, trường đại học. Đồng thời, đây còn là điều kiện để Hà Nội tiến hành quy hoạch và xây dựng thành phố phía Tây với trọng tâm là khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo...

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc.

Để việc bàn giao, tiếp nhận Khu Công nghệ cao Hòa Lạc tiến hành một cách thuận lợi, không làm gián đoạn hoạt động, cũng như để Khu công nghệ cao Hòa Lạc hoạt động hiệu quả tốt hơn trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy đề nghị, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc chuyển giao, đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp chặt chẽ với UBND thành phố Hà Nội và các bộ, ban, ngành liên quan tổ chức thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết về việc chuyển giao và tiếp nhận tổ chức, bộ máy, hoạt động, các nhiệm vụ, công việc, tài chính, tài sản công.

Bí thư Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thuộc thẩm quyền cũng như các đề xuất, kiến nghị đối với Chính phủ, đưa vào Luật Thủ đô (sửa đổi) các cơ chế vượt trội để khắc phục các tồn tại, hạn chế, tạo động lực cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc phát triển mạnh trong thời gian tới. 

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt tham quan Viện Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Đồng chí Đinh Tiến Dũng yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan phối hợp cùng huyện Thạch Thất, huyện Quốc Oai tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, bảo đảm yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và thành phố đã chỉ đạo; tập trung xử lý dứt điểm giải phóng mặt bằng đối với diện tích còn lại theo hướng đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, thực hiện đồng bộ giữa đền bù, hỗ trợ thu hồi đất và tái định cư như đã thực hiện hiệu quả trong dự án đường Vành đai 4...

Cũng theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông Vận tải phối hợp cùng các sở, ngành liên quan tiến hành rà soát các dự án giao thông trên địa bàn, cân đối ngân sách, đề xuất các phương án; ưu tiên giải quyết những nút, tuyến giao thông trọng điểm kết nối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc, trọng tâm là các tuyến đường sắt đô thị kết nối mở rộng cả các tỉnh xung quanh như: Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc; chỉ đạo Sở Quy hoạch và Kiến trúc nghiên cứu tham mưu điều chỉnh quy hoạch để tiếp tục mở rộng Khu công nghệ cao Hòa Lạc trong thời gian tới...

Về tổ chức bộ máy và biên chế của Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đồng ý giữ nguyên, rà soát lại chức năng nhiệm vụ trên tinh thần ổn định tư tưởng, bảo đảm đội ngũ cán bộ, công nhân viên yên tâm công tác và cống hiến.

Thống nhất cao với ý kiến của Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt tin tưởng việc bàn giao Khu công nghệ cao về Hà Nội chắc chắn sẽ tốt hơn.

Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại buổi làm việc.

Bộ trưởng khẳng định, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp chặt chẽ cùng thành phố bàn giao hiệu quả, sau bàn giao tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.


Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và các đại biểu trồng cây lưu niệm tại Khu Công nghệ cao Hoà Lạc.

Nhân dịp này, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng và đoàn đã thăm Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc, Làng phần mềm FPT số 2 và trồng cây lưu niệm tại Công viên Phần mềm, Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

 Hà Vũ - Viết Thành - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

GDP quý 2 tăng 4,14%

Kinh tế – xã hội nước ta trong 6 tháng đầu năm 2023 đã đạt được những kết quả tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/ban-giao-nguyen-trang-khu-cong-nghe-cao-hoa-lac-cho-thanh-pho-ha-noi-633712.html