Ban hành nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Hà Nội

02/07/2020 18:02

Kinhte&Xahoi Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 115/2020/QH14 về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2020 và được thực hiện trong 5 năm.

Một góc TP Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Phạm Hùng

Nghị quyết quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội về quản lý thu, chi ngân sách nhà nước, mức dư nợ vay và sử dụng Quỹ dự trữ tài chính.

Về quản lý thu ngân sách nhà nước, HĐND TP Hà Nội được quyết định áp dụng trên địa bàn một số khoản thu phí phù hợp với đặc điểm của TP Hà Nội, bao gồm phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, trừ các loại phí thuộc nguồn thu của ngân sách trung ương hưởng 100%.

Ngân sách TP Hà Nội được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu phí nêu trên để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và chi hoạt động kinh tế, khoa học và công nghệ, giáo dục, y tế và phúc lợi xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách TP Hà Nội và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách TP Hà Nội.

Ngân sách TP Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công do cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn TP Hà Nội (trừ cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh) để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của TP.

Ngân sách TP Hà Nội được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do UBND TP Hà Nội làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước để bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của TP Hà Nội.

Về quản lý chi ngân sách nhà nước, căn cứ dự toán ngân sách nhà nước hằng năm đã được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao và tình hình thực tế của TP Hà Nội, HĐND TP Hà Nội quyết định dự toán, phân bổ ngân sách TP Hà Nội bảo đảm phù hợp với các định hướng cơ cấu lại ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực quan trọng theo quy định của Quốc hội và Chính phủ.

TP Hà Nội thực hiện cơ chế tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định. Sau khi ngân sách TP bảo đảm đủ nguồn cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền, HĐND TP Hà Nội được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách cấp TP, và cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách TP Hà Nội.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề xuất biện pháp kích cầu hậu Covid-19

Tại Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ để phát triển kinh tế - xã hội hậu đại dịch Covid-19. Hà Nội sẽ chuẩn bị từ 10 đến 15 khu vực để doanh nghiệp các tỉnh mang hàng hóa nông, lâm thủy, hải sản tới tiêu thụ.

Hà Nội hiện đại hóa hệ thống quan trắc không khí

Với tổng số 35 trạm quan trắc không khí tự động hiện có, từ năm 2018 đến nay, Hà Nội luôn là địa phương đi đầu cả nước trong việc lắp đặt các trạm quan trắc không khí, nhằm thu thập dữ liệu phục vụ công tác bảo vệ môi trường.

Link bài gốc http://kinhtedothi.vn/ban-hanh-nghi-quyet-thi-diem-mot-so-co-che-chinh-sach-dac-thu-doi-voi-tp-ha-noi-388743.html?fbclid=IwAR118ivxq881va4G4UmoiMJ8nTLzMKHLrbqfWwdNryp9E5NpAMfTb3jSZxo