Ảnh minh họa
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh về khám bệnh, chữa bệnh; trang thiết bị y tế và mỹ phẩm sửa đổi, bổ sung Nghị định 109/2016/NĐ-CP, Nghị định 155/2018/NĐ-CP. Theo đó, khoản 7 Điều 1 Dự thảo bổ sung Điều 41a Nghị định 109/2016/NĐ-CP quy định hướng dẫn nội dung biển hiệu của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Dự thảo quy định 3 tiêu chí để đặt tên là “Bệnh viện quốc tế” gồm: Đối tượng phục vụ là người Việt Nam và người nước ngoài; Được tổ chức tiêu chuẩn quốc tế hoặc tổ chức quốc tế có hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn công nhận; Người hành nghề bao gồm cả người nước ngoài và người Việt Nam.
Theo các chuyên gia, quy định này vừa chưa rõ ràng vừa chưa hợp lý. Thứ nhất, không rõ mục tiêu của việc đặt ra quy định về tiêu chí đặt tên “Bệnh viện quốc tế” là gì? Nếu mục tiêu hướng đến để nhằm bảo vệ quyền lợi khách hàng thì quy định này dường như chưa thực sự cần thiết, bởi vì dù là “Bệnh viện quốc tế” hay là không thì cũng phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.
“Về mặt pháp lý, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đều bình đẳng” – văn bản của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tổng hợp ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp, nêu – “Không rõ bệnh viện phải đáp ứng tất cả các tiêu chí hay chỉ cần một trong các tiêu chí là có thể được đặt tên là “Bệnh viện quốc tế”?”.
Phân tích cụ thể, tiêu chí “Đối tượng phục vụ là người Việt Nam và người nước ngoài” được cho là không có nhiều ý nghĩa vì việc xác định đối tượng phục vụ khá đơn giản, bệnh viện nào cũng tiến hành được. Hơn nữa tiêu chí này khó khu biệt, khó phân biệt giữa “bệnh viện quốc tế” hay không vì gần như bệnh viện nào cũng phục vụ cho cả người Việt Nam và người nước ngoài, đặc biệt là các trường hợp như cấp cứu, sơ cứu…
Tiêu chí “Được tổ chức tiêu chuẩn quốc tế hoặc tổ chức quốc tế có hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn công nhận” cũng gây phân vân vì không rõ hiện nay đã có tiêu chuẩn về bệnh viện quốc tế chưa? Nếu đã có tiêu chuẩn quốc tế về “Bệnh viện quốc tế” thì có sự công nhận phù hợp với tiêu chuẩn này là đủ, các tiêu chí khác sẽ trở nên … thừa. Vì thế, để đảm bảo tính minh bạch, đây là quy định cần được xem xét lại.
Tương tự, quy định “Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ xem xét, quyết định việc đặt tên một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mang tính đặc thù” cũng chưa rõ ràng: Thế nào được cho là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mang tính đặc thù? Bộ Y tế sẽ dựa vào cơ sở nào để quyết định tên của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh này? Quy trình thủ tục nào để được đặt tên? Các chuyên gia lo ngại quy định này sẽ nảy sinh ra thủ tục hành chính mới và có nguy cơ gây phiền phức cho tổ chức, doanh nghiệp, cần phải được làm rõ.