Bản lĩnh và quyết tâm mang thương hiệu Hà Nội

11/02/2021 09:09

Kinhte&Xahoi Hà Nội cùng cả nước đã đi qua năm kế hoạch 2020, với nhiều thách thức, bất lợi do dịch Covid-19 gây ra. Tuy vậy, nền kinh tế Thủ đô vẫn gặt hái nhiều thành tựu đáng ghi nhận, tạo dấu ấn trên bình diện quốc gia cũng như trong khu vực. Đó cũng là hành trang để chúng ta bước vào năm 2021, với khát vọng, mục tiêu cao hơn, sự quyết tâm, cải cách, bứt phá mạnh mẽ hơn.

Ảnh: Nhật Nam

Tăng trưởng gấp gần 1,4 lần cả nước

Trong bức tranh kinh tế chung cả nước, nếu ai đó hỏi, dấu ấn của Thủ đô Hà Nội là gì, thì câu trả lời sẽ là mức tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 3,98% so với năm 2019, cao gấp gần 1,4 lần mức tăng bình quân của cả nước.

Mặc dù đây là mức tăng thấp so với nhiều năm nhưng có thể coi là dấu ấn của năm 2020, bởi vì dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu gần như làm đảo lộn mọi kế hoạch, dự định từ đầu năm. Hầu hết các mặt kinh tế - xã hội đều chịu ảnh hưởng nặng nề. Thị trường xuất khẩu, nguồn cung ứng hàng hóa, nguyên liệu đứt gãy khi hầu hết các quốc gia “đóng cửa” để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Trong khó khăn đó, tại Hội nghị lần thứ hai mươi tư Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVI, diễn ra cuối tháng 6-2020, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã kêu gọi các cấp, ngành cùng toàn thể nhân dân Thủ đô đoàn kết, chung sức đồng lòng, quyết tâm cao hơn nữa, cùng “góp gió thành bão” phấn đấu đạt mức tăng trưởng GRDP cao gấp 1,3 lần cả nước.

Và thực tế, với sự đồng lòng, quyết tâm cao cùng bản lĩnh vượt khó, Hà Nội đã làm được nhiều hơn thế.

Kinh tế Thủ đô phục hồi khá nhanh sau hai đợt giãn cách xã hội do dịch Covid-19. Tháng 4-2020, các chỉ số kinh tế giảm sâu, sau đó nhanh chóng lấy lại đà tăng từ tháng 5-2020. Tháng 8-2020, một số chỉ tiêu giảm so với tháng 7, nhưng từ tháng 9 đã lấy lại đà đi lên. Đến quý IV-2020, GRDP tăng trưởng bứt phá đạt 5,77%, trong khi quý I tăng 4,13%, quý II tăng 1,76%, quý III tăng 3,95%. Đóng góp vào mức tăng chung đó, có cả những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, như dịch vụ tăng 3,29%, công nghiệp tăng 4,91%; hay nông nghiệp tăng 4,2% mức cao nhất trong nhiều năm qua.

Để làm nên dấu ấn đó, Hà Nội đã có những cách làm sáng tạo. Lần đầu tiên trong một năm, Hà Nội tổ chức 2 đợt khuyến mãi tập trung, chủ động kích cầu, tạo điều kiện tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn, coi như một giải pháp hỗ trợ đầu ra cho doanh nghiệp. Hoạt động thương mại cũng được hâm nóng thêm bằng sự kiện “Hà Nội đêm không ngủ” sôi động, mang đặc trưng phố thị để kích đẩy làn sóng mua sắm. Hoạt động khuyến mãi, giảm giá đan cài với việc triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tạo hiệu ứng tốt, mở hướng phát triển kinh tế đêm trong thời gian tới.

Hội nghị “Hà Nội - Hợp tác đầu tư và phát triển” - một “đặc sản” của Thủ đô, tổ chức vào cuối tháng 6-2020, ngay khi dịch Covid-19 được khống chế và trạng thái “bình thường mới” được thiết lập có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, không chỉ đơn thuần nhằm thu hút đầu tư mà còn thể hiện ý chí, bản lĩnh của thành phố trong việc phục hồi và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Môi trường đầu tư, kinh doanh của Hà Nội vẫn tiếp đà cải thiện; Thủ đô giữ vị trí thứ 9/63 tỉnh, thành phố trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nhưng có tới 8/10 chỉ số thành phần tăng điểm. Chính quyền điện tử, dịch vụ công trực tuyến được đẩy mạnh ở tất cả các lĩnh vực mà ở đó người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ. Trong khó khăn của dịch Covid-19, đây là trợ lực quan trọng để cộng đồng doanh nghiệp vững tin vượt qua thử thách, nhanh chóng phục hồi sản xuất.

Bước qua năm 2020, chúng ta có thể thấy rõ hơn sức chống chịu và vươn lên mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô. Trên 25.000 doanh nghiệp thành lập mới, gần bằng số lượng của năm 2019 (27.711 doanh nghiệp). Kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội đạt hơn 16 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2019; trong đó riêng khu vực kinh tế trong nước đạt gần 10 tỷ USD, tăng 8,4%. Sản xuất công nghiệp quý IV-2020 tăng tốc, với mức tăng 7,5% đã bù đắp cho quý II, quý III và đóng góp vào tăng trưởng chung. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố ước đạt 416.150 tỷ đồng, tăng gần 10% so với năm 2019; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2020 đạt khoảng 286.561 tỷ đồng, vượt dự toán 2,8%.

… và vững tin bước vào năm mới

Ảnh: Viết Phú

Còn nhớ hồi tháng 4-2020, tại hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo thành phố Hà Nội với cộng đồng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn do dịch Covid-19, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc đã phát biểu bày tỏ tin tưởng, Hà Nội đã làm rất hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh thì Hà Nội cũng sẽ làm tốt việc phục hồi sản xuất, lấy lại đà tăng trưởng kinh tế.

Nhận định của ông Vũ Tiến Lộc cũng là nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp, khi cho rằng Hà Nội xứng đáng là Thủ đô của quốc gia kiểm soát thành công dịch Covid-19. Là một trong những “đầu tàu” về kinh tế, kinh tế Thủ đô tăng trưởng có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của cả nước. Những gì Hà Nội đã làm được trong năm 2020 sẽ là nền tảng vững vàng để bước vào năm 2021 với quyết tâm bứt phá.

Hơn thế, từ hôm nay chúng ta có thể nhìn đến năm 2025 với những chỉ tiêu cơ bản mang tính bứt phá, đầy ấn tượng, gồm: Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 7,5-8%/năm (trong đó năm 2021 tăng 7,5-8%); GRDP bình quân đạt 8.300-8.500 USD/người; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại...

Hà Nội sẽ kiên trì hoạt động cải cách thể chế, cải thiện chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh, tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp. Lãnh đạo thành phố khẳng định luôn đồng hành, nắm bắt tình hình thực tiễn để kịp thời tháo gỡ khó khăn thông qua cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian và tiết giảm chi phí thực hiện quy định cũng như quyết tâm duy trì đà thăng hạng trong bảng PCI.

Trên tinh thần hội nhập, doanh nghiệp Thủ đô sẽ có thêm cơ hội tiếp nhận các nội dung cam kết và chính sách hội nhập quốc tế, khai thác tiềm năng các thị trường nước ta đã ký kết hiệp định thương mại tự do để gia tăng xuất khẩu...

Những chủ trương trên là đích để Thủ đô bước vào năm kế hoạch 2021, cũng như bắt đầu giai đoạn 2021-2025. Cả thành phố lại chung sức, đồng lòng vào cuộc nhằm sớm hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực.

Mục tiêu, giải pháp đã sẵn sàng, vấn đề còn lại là sự vào cuộc đồng bộ. Yêu cầu này được Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đặt ra tại Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII diễn ra cuối năm 2020, đó là các cấp, các ngành bắt tay ngay vào tổ chức thực hiện, đưa Nghị quyết của Đảng bộ thành phố đi vào cuộc sống.

Hy vọng, năm 2021 Hà Nội sẽ tiếp tục thể hiện sức phục hồi và bứt phá mạnh mẽ để đi tới thành công. Hà Nội đã và đang chứng minh câu nói “Hà Nội không vội được đâu” giờ đã trở nên lạc hậu. Hà Nội sẽ thể hiện bản lĩnh, quyết tâm mang thương hiệu Hà Nội, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn nữa. 

Anh Minh - Hà Nội mới


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hàng hóa dồi dào, giá ổn định

Báo cáo về tình hình thị trường, Bộ Công Thương hôm nay (10-2) cho biết, nhìn chung hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định, không có biến động lớn. Bên cạnh đó, công tác quản lý thị trường được tăng cường.

Nguồn: Hà Nội mới http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/991016/ban-linh-va-quyet-tam-mang-thuong-hieu-ha-noi